Loại hình
tội phạm công nghệ cao, lừa đảo trên không gian mạng không mới, lực lượng chức năng cũng liên tục khuyến cáo, tuyên truyền phòng, chống loại tội phạm này, tuy nhiên vẫn nhiều người dân là nạn nhân,
"sập bẫy" chiêu thức của tội phạm.
Tội phạm ngày càng tinh vi
Ngày 15/3, Phòng Cảnh sát hình sự tiếp nhận đơn của anh Trần Văn M., SN 1979, trú tại phường Hoành Bồ, TP Hạ Long tố giác đối tượng chưa rõ lai lịch đã chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng.
|
Đối tượng Phan Văn Thái, SN 1995, trú tại khu phố 3, phường 1, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Báo Nhân dân.
|
Qua điều tra, công an xác định đối tượng Phan Văn Thái (SN 1995, trú tại khu phố 3, phường 1, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) là thủ phạm. Tại cơ quan công an, Thái khai đã chiếm đoạt tài khoản Facebook "Nguyen Thanh Thuy", rồi giả danh chị Thủy nhắn tin cho anh Trần V.M. (em họ chị Thủy), gửi đường link giả mạo đề nghị anh M. cung cấp thông tin tài khoản Internet Banking để chuyển tiền cho anh này.
Sau đó, Thái đăng nhập tài khoản này và gọi điện cho anh M. nói là người nhà của chị Thủy, yêu cầu anh M. cung cấp mật khẩu OTP. Sau khi nhận mã OTP, Thái đã chiếm quyền sử dụng và chuyển 1.589.000.000 đồng từ tài khoản của anh M. đến tài khoản mang tên bà Loan mà Thái đang sử dụng. Tuy nhiên, Thái chưa kịp rút hay chuyển số tiền này đi thì Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp ngân hàng phong tỏa tài khoản.
|
Một ứng dụng cho vay lừa đảo mà khách hàng tại Quảng Ninh đã "sập bẫy". (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Một trường hợp khác cũng bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản là chị V.T.T.D, 33 tuổi, trú tại TP Hạ Long. Chị D. làm nghề buôn hải sản và thường xuyên đăng quảng cáo trên các trang mạng xã hội.
Tháng 5/2021, một thanh niên nói giọng miền Nam gọi điện thoại cho chị D. giới thiệu tên là Hảo và muốn mua hải sản. 4 lần đầu đặt mua hải sản, Hảo đều chuyển tiền đầy đủ qua tài khoản ngân hàng, để lấy lòng tin của chị D.
Ngày 24/7/2021, Hảo liên lạc tư vấn cho chị D. 1 gói vay của công ty Hảo với lãi suất chỉ 0,3%/năm, sau đó giới thiệu chị D. cho Tân - một nhân viên chăm sóc khách hàng của Công ty Suise Credit.
Do thấy thủ tục đơn giản nên chị D. đồng ý làm thủ tục vay 300 triệu đồng. Tân yêu cầu chị D. đăng nhập vào trang web www.suisecredit88.com và điền các thông tin cá nhân, thông tin tài sản của chị D.
Quá trình làm thủ tục vay, Tân đưa ra nhiều lý do phát sinh lỗi khác nhau và yêu cầu chị D. phải nộp các khoản phí mới có thể hoàn thành thủ tục vay như phí bảo hiểm khoản vay, phí mở khoá tài khoản...
Tính từ ngày 24-27/7/2021, theo yêu cầu của Tân, chị D. đã nhiều lần chuyển tiền đến tài khoản của đối tượng với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Sau đó, Tân yêu cầu và giục chuyển thêm tiền nhưng chị D. nghi ngờ mình bị lừa nên đã trình báo cơ quan Công an.
|
Tin nhắn cho vay và các link zalo ảo được gửi tới cho anh V.H.P (42 tuổi, trú tại TP Hạ Long) từ số điện thoại lạ. |
Còn trường hợp của anh V.H.P (42 tuổi, cũng trú tại TP Hạ Long) thì nhận được tin nhắn SMS từ số điện thoại lạ (ngày 14/12/2021) thông báo anh là một trong số những người được duyệt vay số tiền lên đến 90 triệu đồng với lãi suất thấp, không cần thế chấp, đồng thời hướng dẫn anh truy cập vào một đường link để làm thủ tục.
Trong quá trình duyệt tài khoản vay, bên Công ty tài chính báo tài khoản của anh do sai số tài khoản nên phải chuyển khoản 5 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng mà chúng cung cấp. Anh P. tin và làm theo. Lúc này, Công ty tài chính lại báo rằng khoản vay của anh không đủ phí luân chuyển, yêu cầu phải nộp phí luân chuyển là 15 triệu đồng vào số tài khoản của chúng mới đủ điều kiện. Khi anh nhận ra mình bị lừa thì tài khoản đã "bốc hơi" mấy chục triệu đồng.
Vì sao vẫn "dính bẫy"?
Trả lời trên báo Quảng Ninh, thượng tá Đinh Ngọc Văn - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ninh) cho hay: Những vụ việc trên chỉ là một số thủ đoạn điển hình mà các đối tượng phạm tội thường sử dụng gần đây nhằm chiếm đoạt tài sản của một số công dân trên địa bàn. Ngoài ra, còn rất nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau được các đối tượng lừa đảo sử dụng để dụ "con mồi" "sập bẫy".
|
Các hình thức lừa đảo sử dụng công nghệ cao.
|
|
Các hình thức lừa đảo sử dụng công nghệ cao. |
Việc điều tra đã khó, nhưng việc thu hồi lại được tài sản đã chiếm đoạt còn khó khăn hơn. Bởi các tài khoản ngân hàng mà tội phạm sử dụng cũng đều là tài khoản thuê người khác mở hoặc mua lại từ người khác. Khi cơ quan điều tra làm việc, người bán tài khoản không biết thông tin về người mua tài khoản. Ngay cả số điện thoại được dùng để đăng ký nhận tin nhắn giao dịch cũng là số sim rác.
Đối với các hành vi lừa đảo mà đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin có liên quan, Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao ý thức cảnh giác trong việc:
- Giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng (tuyệt đối không tiết lộ mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email với người lạ, kể cả nhân viên ngân hàng). Mỗi khi nhận được thông tin cần xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch tài chính (Không chuyển tiền cho đối tượng khi chưa xác thực; cảnh giác đối tượng giả mạo quen biết thông qua mạng xã hội, email, điện thoại, thư giấy, tin nhắn (SMS), mạo danh nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước).
- Mỗi khi thực hiện giao dịch trực tuyến, người dân cần kiểm tra chính xác thông tin của Website và chỉ thực hiện giao dịch tại các Website uy tín, có độ bảo mật cao.
- Khi thực hiện giao dịch tại thẻ ATM, POS, người dùng phải quan sát khe thẻ trên máy ATM, bảo đảm không có thiết bị lạ và che bàn phím khi nhập số PIN.
>>> Mời quý vị xem thêm video sau: Cảnh báo lừa đảo đánh cắp thông tin khách hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.