Ông Đinh Văn Chi – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) cho biết: Người dân tỏ ra lo lắng khi nghĩ rằng
ong hại lúa. Một số hộ có hỏi chính quyền về vấn đề này và yêu cầu chủ trại ong giảm đàn hoặc chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, chúng tôi đã kịp thời phổ biến các văn bản chứng minh ong không hề hại lúa của các ngành chức năng đã ban hành, để tuyên truyền cho bà con hiểu.
|
Nuôi ong lấy mật ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). |
Tại thôn Trường Biện, xã Trà Tân (Trà Bồng), một số hộ dân cũng tỏ ra lo lắng đối với các trại ong nuôi ở địa phương, khi cho rằng lúc lúa làm đòng bị ong bu lại, khiến lúa không thụ phấn, dẫn đến lép hạt, giảm năng suất. Chị Hồ Thị Công, thôn Trường Biện, xã Trà Tân cho biết: “Đến mùa lúa trổ thì ong xuất hiện rồi hút mật từ bông lúa, khiến lúa hư nhiều. Hễ thấy ong là chúng tôi đuổi không cho chúng lại những đám lúa đang làm đòng...".
Xoay quanh việc người dân phản ánh ong ở các trại nuôi hại lúa, trước đây Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản khẳng định, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và thực tiễn đã chứng minh đàn ong không làm ảnh hưởng đến mùa màng, mà ngược lại góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ thụ phấn cho cây trồng.
Cục Chăn nuôi đề nghị các Sở NN&PTNT tăng cường tuyên truyền cho người dân về lợi ích của ong mật trong vai trò thụ phấn, tăng năng suất và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại nuôi ong tiếp tục duy trì và phát triển nghề truyền thống này.
Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tân Trần Văn Lợi, cho biết: “Tâm lý người dân rất lo lắng khi tưởng rằng ong sẽ gây hại cho lúa. Tuy nhiên, ong giúp thụ phấn và mang lại năng suất cho cây trồng. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền và đưa ra những văn bản cụ thể của các cấp để bà con yên tâm hơn".
Hiện nay, 2 huyện Trà Bồng và Minh Long có gần 50 trại nuôi ong mật. Trước khi tổ chức nuôi, các trại này đều đăng ký với địa phương, tuy nhiên việc nuôi ong diễn ra theo kiểu “lưu động”, nên việc quản lý của các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Đặng Nhật, chủ trại nuôi ong ở Trà Tân cho hay: “Đặc thù của việc nuôi ong là di chuyển nhiều nơi, nhiều địa điểm mới cho thu hoạch cao, nên chúng tôi sản xuất theo kiểu lưu động. Trước khi nuôi, chúng tôi cũng đã đăng ký với chính quyền, hộ cho thuê để được đồng ý. Thời gian thuê ngắn, nên các hồ sơ, thủ tục đăng ký cũng rất đơn giản”.
Ông Phạm Bá – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho hay: “Ong không phải là đối tượng làm hại lúa. Các ngành chức năng đã khẳng định rõ điều này. Tuy nhiên, ong là vật di cư, nên người nuôi cũng phải di cư đến nhiều địa phương, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp, tuyên truyền để cho bà con hiểu hơn về việc ong không hề hại lúa, nhất là các xã vùng cao, để bà con yên tâm sản xuất”.