Mưa lũ vừa đi qua, dịch bệnh Covid-19 lại diễn biến phức tạp tại khu vực miền núi tỉnh này. Các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả vừa khẩn trương kiểm soát dịch bệnh.
|
Nước lũ rút đến đâu, người dân tập trung dọn dẹp bùn đất đến đó. |
Sáng nay (25/10), nước lũ vừa rút, người dân các huyện Thăng Bình, Phú Ninh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam tập trung dọn dẹp nhà cửa, các tuyến đường trong khu dân cư, chỉnh trang lại chuồng trại chăn nuôi.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh cho biết, từ tối qua, nước rút đến đâu người dân tập trung dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa đến đó. Nhiều tài sản có giá trị như xe máy, tivi, tủ lạnh… được người dân di chuyển đến nơi an toàn, nhưng gia cầm thì đã bị trôi sạch.
|
Người dân tập trung khắc phục nhà cửa bị hư hại sau mưa lũ. |
“Mưa lũ làm thiệt hại rất lớn, nhất là nông nghiệp, đặc biệt là các loại gia cầm, vật nuôi bị lũ cuốn trôi đi tất cả”, ông Sơn nói.
Mưa lớn 2 ngày qua đã làm một số tuyến đường tại miền núi tỉnh Quảng Nam sạt lở nặng. Tại xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, hầu hết các tuyến đường liên thôn đều xuất hiện các điểm sạt lở. Ông Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Trà Cang, huyện Nam Trà My cho biết, thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn có trên 30 điểm sạt lở lớn, nhỏ. Trong khi chờ huyện bố trí lực lượng và phương tiện khắc phục sạt lở, địa phương chủ động triển khai các giải pháp tạm thời.
|
Nước vừa rút, người dân dọn dẹp nhà cửa để trở về nhà. |
“Xã đã huy động lực lượng tại chỗ và người dân để khắc phục những điểm sạt lở nhỏ có thể cho người dân, học sinh có thể đi lại. Các thôn đều đồng loạt ra quân với số lượng từ 120 đến 140 người, vừa tổ chức khắc phục đường, vừa hỗ trợ di dời 2 ngôi nhà ở khu vực có nguy cơ sạt lở”, ông Lạc thông tin.
Tại huyện Nam Trà My hầu hết các tuyến đường đều bị sạt lở nặng. Quốc lộ 40B, đoạn Km 103+100 bị sạt lở, đất đá tràn ra đường. Sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng vào chiều tối qua, chiều nay, huyện Nam Trà My tiếp tục ghi nhận 5 trường hợp mắc Covid-19. Huyện Nam Trà My đã triển khai các giải pháp theo kịch bản ứng phó với thiên tai trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
|
Các lực lượng tập trung khắc phục điểm sạt lở Km76+900, trên cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi. |
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, địa phương đã tiến hành sơ tán người dân vùng nguy cơ xảy ra lỹ quét, sạt lở đất đến vị trí an toàn bằng hình thức xen ghép các hộ, hạn chế tối đa sơ tán tập trung.
“Huyện luôn đề cao việc vừa phòng chống thiên tai vừa phòng dịch Covid-19. Chúng tôi đã khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai vừa qua, tiếp tục khoanh vùng cách ly, với phương châm cách ly càng hẹp càng tốt”, ông Dũng nói.
|
Chính quyền địa phương cùng người dân tập trung khắc phục sạt lở trên các tuyến đường liên thôn, liên xã. |
|
Trên địa bàn xã Trà Cang, huyện Nam Trà My có trên 30 điểm sạt lở lớn, nhỏ. Liên tiếp 2 ngày qua huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam phát hiện 6 ca mắc Covid-19.
|
Đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã sơ tán gần 800 hộ với hơn 2.500 nhân khẩu. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, lường trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, trước mùa mưa bão năm 2021, Quảng Nam đã chủ động các giải pháp vừa cấp bách vừa căn cơ, bền vững.
“Năm vừa qua Quảng Nam đã xây dựng nhiều khu tái định cư cho người dân, những hộ nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao chúng tôi đã tiến hành di dời. Ngoài ra, chúng tôi nêu cao tinh thần của mỗi người dân, cộng đồng cùng phòng chống thiên tai. Cố gắng giảm thiểu tối đa thiệt hại từ lũ lụt, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, ông Bửu thông tin./.