Một bệnh nhân tâm thần cải tạo phòng điều trị bệnh thành một phòng cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laze để bay lắc ma túy, mời cả “gái dịch vụ” tham gia, tàng trữ và mua bán ma túy trái phép tại bệnh viện, cán bộ kỹ thuật viên dương tính ma túy… Đó là những thông tin gây sốc dư luận vừa được Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cung cấp trong vụ triệt phá một đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Liên quan đến vụ phòng bay lắc trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của Ban giám đốc Bệnh viện và trách nhiệm của Giám đốc Bệnh viện khi để xảy ra vụ việc trên?
|
Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
|
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, bản thân ông không thể tưởng tượng được lại có một sự việc chấn động như vậy xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
"Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của một số bệnh nhân, mà còn có dấu hiệu giúp sức, tiếp tay, thậm chí đồng phạm của một số cán bộ bệnh viện này" - luật sư Cường bức xúc.
Luật sư Cường cho biết, với những thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cung cấp cho thấy, có rất nhiều sai phạm của cơ quan, cán bộ và một số cá nhân Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 có liên quan đến mức có thể xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ việc này.
Cụ thể, việc cải tạo phòng điều trị bệnh viện trở thành “vũ trường”, “sàn nhảy” để cho các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy mặc sức bay lắc là một sai phạm nghiêm trọng. Bởi theo quy định của pháp luật, việc sử dụng cơ sở vật chất của bệnh viện phải theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức, việc sử dụng phải đúng mục đích để phục vụ điều trị, khám chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần.
Trong khi cơ sở vật chất của các bệnh viện còn khó khăn, thiếu thốn, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 lại để bệnh nhân tự ý trang bị cả một phòng hát, loa đài, đèn chiếu sáng laze để phục vụ cho hoạt động bay lắc, sử dụng trái phép chất ma túy của bệnh nhân là câu chuyện không thể tưởng tượng nổi. Do đó, có thể xem xét xử lý kỷ luật ở mức cao nhất đối với các cán bộ phụ trách và người đứng đầu cơ sở chữa bệnh này. Đồng thời, có thể xem xét làm rõ để xử lý hình sự một số cán bộ, cá nhân về các tội phạm về chức vụ.
|
Đối tượng Nguyễn Xuân Quý (áo đen). |
Theo luật sư Đặng Văn Cường, đối với nghề y vốn là nghề đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao và có đạo đức tốt vì nghề nghiệp có liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người dân cộng đồng. Đối với bác sĩ Bệnh viện Tâm thần, ngoài việc chữa bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh tâm thần còn phải có trách nhiệm phát hiện ra các đối tượng giả bệnh để trốn tránh trách nhiệm hình sự, phối hợp với cơ quan điều tra trong việc phát hiện, xử lý các đối tượng cộm cán về an ninh trật tự.
Tuy nhiên thời gian những năm gần đây cơ quan bảo vệ pháp luật liên tục phát hiện ra những trường hợp các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có giấy chứng nhận tâm thần giả.
Kết quả điều tra xác minh của cơ quan chức năng cho thấy có một số cán cán bộ, bác sĩ vì thiếu đạo đức nghề nghiệp, bất chấp pháp luật, bị cám dỗ vật chất mà đã cấp giấy chứng nhận tâm thần giả cho các đối tượng giang hồ, cộm cán khiến các đối tượng này có “bùa hộ mệnh” (được loại trừ trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội). Việc này dẫn đến các đối tượng không ngần ngại thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong đó có giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma tuý... gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
|
Tang vật vụ án. |
Nhiều vụ việc bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tiếp tay cho các đối tượng phạm tội, cấp giấy chứng nhận tâm thần giả đã bị phát hiện phanh phui và xử lý trong thời gian qua. Những tưởng rằng những vụ việc như vậy sẽ làm cảnh tỉnh các cán bộ bệnh viện tâm thần, tuy nhiên sự việc này lại một lần nữa gây chấn động dư luận, khiến người dân cảm thấy lo lắng thực sự đối với nghề y nói chung và một số bệnh viện tâm thần nói riêng.
Luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc này cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi buông lỏng quản lý, tiếp tay, thậm chí giúp sức cho hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy diễn ra như thế nào để có căn cứ xử lý các cán bộ, bác sĩ có liên quan theo quy định của pháp luật.
Trường hợp có căn cứ cho thấy có cán bộ biết rõ có việc sử dụng trái phép chất ma túy nhưng vẫn tiếp tay giúp sức có thể xử lý hình sự với các cán bộ bệnh viện về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hoặc tội chứa chấp người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Trong trường hợp có cán bộ tham gia vào việc buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý cũng sẽ xử lý hình sự về tội danh tương ứng với vai trò đồng phạm.
Trong vụ việc này, các hành vi vi phạm pháp luật có thể xử lý hình sự là: mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, chứa chấp người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là các hành vi vi phạm pháp luật hình sự sẽ bị xử lý với các tội danh tương ứng theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015 và hình phạt sẽ rất nghiêm khắc, có nhiều tội danh có quy định hình phạt cao nhất là tử hình.
Luật sư Cường cho rằng, kết quả điều tra ban đầu cho thấy đã có những người không tâm thần chung sống với người tâm thần, bệnh viện có thể đã trở thành “lãnh địa” của ra một số đối tượng cộm cán, số má để trốn tránh trách nhiệm hình sự. Bởi dù trở thành bệnh nhân tâm thần nhưng nhiều đối tượng vẫn có cuộc sống trác táng, sa đọa không khác gì cuộc sống bên ngoài xã hội.
Để cho các đối tượng mặc sức tung hoành, sử dụng trái phép chất ma túy trong bệnh viện tâm thần như vậy rất có thể có sự tiếp tay, giúp sức của một số cán bộ có liên quan. Trong đó, có thể có hành vi đưa nhận hối lộ, có cán bộ đã không vượt qua cám dỗ vật chất để nhận tiền của đối tượng hoặc người nhà đối tượng để thực hiện các công việc theo yêu cầu của họ.
Do đó, hành vi đưa nhận hối lộ cần phải làm rõ để xử lý trước pháp luật. Nếu không vì lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất, không thể có chuyện tiếp tay, dung túng cho hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy xảy ra trong bệnh viện một thời gian dài.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cho thấy trong số các bệnh nhân có nhiều bệnh nhân không bị bệnh và nhiều đối tượng nghiện ma túy vẫn tiếp tục sử dụng ma túy trong bệnh viện tâm thần, việc sử dụng ma túy được thực hiện một cách công khai, ngang nhiên, có sự tiếp tay góp sức của một số cán bộ ở bệnh viện này. Đây là sự việc không thể chấp nhận được về mặt đạo đức nghề nghiệp cũng như vậy ý thức chấp hành pháp luật. Bởi vậy vụ việc này cần phải sớm làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, vụ án đã lột mặt nạ của một số đối tượng mà hàng ngày vẫn đóng vai là cán bộ, bác sĩ và bệnh nhân tâm thần, chỉ ra mặt trái của xã hội trong một số cơ sở y tế lớn. Ngoài việc xử lý hình sự các đối tượng tội phạm về ma túy, không thể không xem xét đến trách nhiệm của cán bộ, đặc biệt là trách nhiệm của Giám đốc ở vụ phòng bay lắc trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Cần phải làm rõ và xử lý nghiêm minh bằng các chế tài của pháp luật, cần phát hiện loại bỏ các cán bộ, bác sĩ không đủ đạo đức ra khỏi bộ máy y tế.
Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm những nhân viên bệnh viện có liên quan
Tối 31/3, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Tâm thần Trung ương khẩn trương báo cáo vụ việc. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, quan điểm của Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm sự việc này, đúng người, đúng tội các đối tượng với tất cả những nhân viên bệnh viện có liên quan.
>>> Mời độc giả xem video Bệnh nhân tâm thần mở phòng... "bay lắc", mua bán ma túy trong bệnh viện