Khoảng 19h tối ngày18/10, tại UBND tỉnh Quảng Ninh, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã họp trực tuyến với các địa phương của tỉnh này về công tác phòng chống cơn bão số 7 (tên quốc tế là Sarika). Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, theo dự báo, đây là cơn bão khá mạnh, nếu các địa phương không chủ động không quyết liệt phòng chống sẽ thiệt hại lớn. Đối với Quảng Ninh, ngoài các công tác phòng chống bão cơ bản, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến việc đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Để đảm bảo an toàn tối đa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống bão, không để xảy ra bị động, bất ngờ; khẩn trương rà soát lại các tàu, bè trên vịnh, đưa về nơi tránh trú an toàn; đồng thời, huy động, kêu gọi tất cả người dân đang sinh sống trên lồng bè vào bờ; sơ tán dân khỏi những công trình, vị trí xung yếu, vùng thấp, trũng có thể bị ảnh hưởng do mưa lụt; tập trung chằng, chống nhà cửa, các công trình an toàn; kiểm tra các công trình hồ đập, yêu cầu vận hành an toàn; tập trung bảo vệ các công trình sản xuất, công trình y tế, trường học, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo phòng, chống bão tại Quảng Ninh.
|
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các ngành, địa phương chú trọng phương án tiêu nước, tiêu úng, bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc trong thời gian trước, trong và sau bão; duy trì chế độ trực, thông tin thường xuyên; có giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách đang còn trên đảo; duy trì phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long cho biết: Trước diễn biến của cơn bão số 7, Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương chủ động các biện pháp phòng tránh; thông tin đến người dân và đặc biệt tổ chức kêu gọi thông tin cho tàu thuyền biết để chủ động tìm nơi trú tránh an toàn; kiểm tra, xử lý các công trình hạ tầng, đê điều, hồ đập, các khu vực nuôi thủy sản, các khu vực nguy cơ sạt lở, vùng trũng thấp nguy cơ ngập lụt, nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng, bến cảng, các khu vực đang thi công… Các đơn vị và địa phương, đặc biệt Quân sự, Biên phòng và các địa phương ven biển, hải đảo đã triển khai các biện pháp phòng, chống bão theo quy định; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; chú trọng phòng chống mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt; tổ chức theo dõi chặt chẽ bão và tổ chức trực ban theo dõi, cập nhật nghiêm túc.
“Tỉnh cũng đã tổ chức thông tin, tuyên truyền bằng tất cả các phương tiện thông tin đại chúng xuống đến tận người dân nắm được diễn biến cơn bão số 7 để chủ động các biện pháp phòng, chống và trú tránh an toàn; nghiêm cấm các tàu, thuyền ra khơi vào sáng ngày 18/10/2016, riêng tàu du lịch tham quan Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long lệnh cấm dời bến bắt đầu từ 12 giờ ngày 18/10/2016. UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo gia cố, chằng chống gần 8.600 ô lồng nuôi trồng thủy sản vững chắc; chỉ đạo di dời ngay 1.018 hộ dân đang sinh sống trên các ô lồng, bè vào đất liền; 100% tàu cá các loại về neo đậu trú tránh tại các bến, khu neo đậu của địa phương và các tỉnh; 534 tàu du lịch đã vào nơi tránh trú bão. Khách du lịch đã được di chuyển vào bờ; các du khách còn lại đảo được bố trí nơi ăn, nghỉ, chu đáo an toàn”, Ông Nguyễn Đức Long nói.
“Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị quân đội đứng trên trên địa bàn Tỉnh đã huy động 2.330 cán bộ chiến sỹ, 2.550 dân quân tự vệ; 95 xe ô tô, 50 tàu xuồng các loại sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Lực lượng công an, cảnh sát phòng cháy chữa cháy duy trì trực 24/24 giờ tại các địa bàn xung yếu. Hệ thống thoát nước trong và ngoài các khai trường mỏ được Tập Đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc đã tổ chức khơi thông; hệ thống bơm thoát nước đang vận hành tại các mỏ được kiểm tra đảm bảo an toàn”, ông Long thông tin thêm.
Bí thư tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc cho hay: “Công tác phòng, chống bão được tỉnh tập trung đặc biệt, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân, các công trình, hạn chế tối đa thiệt hại cho vật nuôi, cây trồng.Theo dự báo Quảng Ninh là tâm bão và sẽ có mưa lớn, do vậy, tất cả các lực lượng phòng chống thiên tai đều trực sẵn sàng. Tỉnh cũng tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các ngành, đơn vị và lực lượng quân đội, công an tích cực, khẩn trương kiểm tra thực tế để gia cố các vị trí xung yếu, hỗ trợ chằng chống nhà cửa, di chuyển dân khu vực nuôi trồng hải sản, lồng bè, làng chài, vùng trũng thấp ngập lụt, khu vực nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, khu vực khai trường... Các lực lượng và phương tiện đã thường trực sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, cố gắng hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra”.