Trong khuôn khổ hội thảo "Phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường vì phát triển bền vững ở Việt Nam", PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh và TS. Lại Văn Mạnh - Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình bày tham luận về "Kinh nghiệm quốc tế trong, ngoài nước về phát triển mô hình kinh tế xanh".
Thành tựu quốc tế
UNEP là một trong những cơ quan quốc tế tiên phong về sáng kiến "Kinh tế xanh". Cụ thể, cơ quan này đã tiến hành triển khai các dự án nghiên cứu hoặc thí điểm tại nhiều quốc gia.
Theo UNEP (2016), có hơn 65 quốc gia đã bắt đầu quan tâm đến kinh tế xanh và có các chiến lược có liên quan, 48 trong tổng số 65 quốc gia đã xây dựng các lộ trình để phát triển các kế hoạch quốc gia về kinh tế xanh.
Thụy Điển là nước dẫn đầu trong bảng xếp hạng đánh giá hiệu quả kinh tế xanh quốc gia (Global Green Economy Index – GGEI). Quốc gia này đã thành công trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi giảm phát thải khí nhà kính trong phạm vi quốc gia.
Đây cũng là một trong những nước OECD có lượng phát thải khí nhà kính thấp nhất và đã thành công trong việc tách rời tăng trưởng GDP từ tăng phát thải. 52% năng lượng của Thụy Điển đến từ các nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu là thủy điện và nhiên liệu sinh học.
Để có được những thành tựu đó, Thụy Điển đã ban hành nhiều chính sách được đánh giá là hiệu quả, ví dụ như: Giảm sự khác biệt về giá các bon giữa các ngành và tăng thêm vai trò của các công cụ dựa trên thị trường; Hạn chế sự chồng chéo giữa các mục tiêu và chính sách; Tăng cường sự tham gia của Thụy Điển vào việc cắt giảm khí nhà kính ở các nước khác; Cải thiện việc đánh giá khung chính sách.
Mục tiêu của Thụy Điển hiện nay là trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch và tăng ngân sách đầu tư năng lượng mặt trời lên 800%.
Đặc biệt, thành phố Stockholm đã đặt ra mục tiêu năng lượng của thành phố này chỉ được cung cấp bởi các nguồn năng lượng bền vững vào năm 2050.
Với nước Đức, đây là một trong những quôc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng chiến lược nền kinh tế “năng lượng xanh”. Quốc gia này đang nỗ lực để trở thành cường quốc công nghiệp đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% “năng lượng xanh” dự kiến vào năm 2050
Hiện, Berlin đã công bố bản phác thảo lộ trình thực hiện các kế hoạch hướng đến nền kinh tế “năng lượng xanh”.
Năm 2008, năng lượng tái tạo chiếm 7% tổng lượng tiêu thụ năng lượng gốc của Đức nhưng con số dự đoán sẽ tăng lên 33% vào năm 2020. Đức sẽ tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo từ 17% hiện nay lên hơn 80% vào năm 2050, ngừng sản xuất điện từ các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022. Khí thải nhà kính (GHG) sẽ giảm 40% năm 2020 và ít nhất là 80% vào năm 2050. Dự định giảm mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp xuống 20% vào năm 2020 và 50% vào năm 2050 so với năm 2008.
Hai chương trình trọng điểm và một loạt các chương trình khác đã giúp Đức tăng đáng kể hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên và các bon của nền kinh tế.
- Chiến lược Quốc gia về Phát triển bền vững năm 2002.
+ Chìa khóa của định hướng đó là tăng hiệu suất sử dụng năng lượng và tài nguyên, cũng như phát triển các nguồn năng lượng và loại nguyên liệu tái tạo được.
+ Khích lệ sự phát triển các công nghệ năng lượng mới của bên cung cấp năng lượng, như các nhà máy điện cũng như các nguồn năng lượng tái tạo, và cũng như bên tiêu thụ năng lượng.
+ Đức cũng đã đưa ra các sáng kiến xuyên suốt về đa dạng sinh học, thay đổi khí hậu, năng lượng và hiệu quả nguồn tài nguyên
- Chương trình sử dụng tài nguyên hiệu quả của Đức - một chương trình toàn diện về sử dụng bền vững nguyên liệu.
+ Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc ít vào sử dụng tài nguyên, nhằm giảm gánh nặng cho môi trường và tăng cường tính bền vững và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
+ Các hoạt động như tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ các hệ thống quản lý môi trường, lồng ghép các khía cạnh tài nguyên vào các quy trình chuẩn hóa kỹ thuật, chú trọng nhiều hơn đến các sản phẩm và dịch vụ sử dụng hiệu quả tài nguyên trong mua sắm công.
Với Trung Quốc, "xanh hóa nên kinh tế" đã được đề cập tới trong Kế hoạch 5 năm về phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu "tăng trưởng toàn diện".
Thuật ngữ này hàm ý đảm bảo lợi ích từ tăng trưởng kinh tế được phân phối tới phần lớn người dân Trung Quốc. Các chủ đề chính của kế hoạch là tái cân bằng nền kinh tế, giảm thiểu bất bình đẳng xã hội và bảo vệ môi trường. Mối quan hệ cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, thông qua đó chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống, cải thiện điều kiện môi trường sinh thái và khả năng cạnh tranh kinh tế bền vững.
Với Hàn Quốc - đây cũng là một trong những quốc gia phát triển kinh tế nhanh và vững chắc. Là nước đi đầu trong các sáng kiến tăng trưởng xanh. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (2009 - 2050) và Kế hoạch 5 năm (2009-2013) của Hàn Quốc đã đưa ra khung chính sách toàn diện cho tăng trưởng xanh trong ngắn hạn và dài hạn.
Trong dài hạn, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh có mục tiêu: (i) thúc đẩy các động cơ mới thân thiện sinh thái; (ii) tăng chất lượng đời sống người dân; (iii) cùng các nước trên thế giới chống biến đổi khí hâu.
Kế hoạch 5 năm đề ra các hoạt động của chính phủ để thực hiện Chiến lược, xác định nhiệm vụ cụ thể cho các bộ và các địa phương kèm ngân sách cụ thể. Theo kế hoạch này, chính phủ sẽ chi 2% GDP hàng năm cho các chương trình và dự án tăng trưởng xanh và đầu tư ban đầu hướng tới các hệ thống cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế.
|
Ảnh minh họa. |
Việt Nam thế nào?
Ở Việt Nam, hiện nay chúng ta đang: đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế được khẳng định là định hướng tổng quát của chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2011-2020; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được chính phủ phê duyệt vào năm 2012; Kế hoạch Hành động Tăng trưởng xanh được phê duyệt vào năm 2014; Tăng trưởng xanh được các Bộ, ngành và địa phương lồng ghép các Chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành, địa phương.
Trong đó, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh cụ thể gồm: xây dựng thể chế và Kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất và thực hiện Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững với tổng cộng 12 nhóm hoạt động và 66 nhiệm vụ hành động cụ thể.
Nhiều bộ, ngành cũng đang tích cực hưởng ứng, thực hiện "hành động tăng trưởng xăng. Ví dụ như, với Bộ Xây dưng đã và đang hướng dẫn xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh, chống chịu với lũ, bão, thiên tai; Nghiên cứu khung hướng dẫn đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho đô thị; Nghiên cứu phát triển các mô hình đô thị tăng trưởng xanh; đô thị sinh thái; Xây dựng bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu.
Bộ đã triển khai đề án “phát triển các đô thi Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 – 2020 bao gồm các nhiệm vụ: xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro đô thị (Atlas Đô thị và Khí hậu).
Bộ NN&PTNT triển khai một số mô hình kinh tế sinh thái ven biển nhằm thích ứng với BĐKH, nước biển dâng, nhất là ở các vùng dễ bị tổn thương. Và áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, chế biến tiên tiến, tiết kiệm năng lượng.
Bộ GTVT thì tổ chức triển khai 03 dự án đầu tư về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 -2020
- Xây dựng quy trình công nghệ, sản xuất thí điểm đèn năng lượng mặt trời cho pháp báo hiệu đường thủy nội địa
- Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ sử dụng năng lượng sóng biển, phát điện từ năng lượng sóng;
- Thí điểm lắp đặt hệ thống chiếu sáng và thiết bị an toàn giao thông sử dụng năng lượng mặt trời, tiết kiệm năng lượng trên một số tuyến đường quốc lộ và cao tốc.
Đặc biệt, đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ 2012 – 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 8/3/2012 với mục tiêu phát triển mạng lưới xe buýt đồng bộ và tương thích với các loại hình vận tải trong đô thị; khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông vận tải hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, một loạt cơ quan ngang bộ, các tỉnh thành cũng tích cực triển khai các hành động theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.