Khó tìm chỗ “giải sầu”
Chia sẻ với PV, ông Lâm (48 tuổi, quê Hà Nam, lái xe ôm ở đường Phạm Hùng, Hà Nội) cho biết, ông hành nghề xe ôm tại Hà Nội được hơn 7 năm, nhiều lần di chuyển trên đường muốn tiểu tiện nhưng rất bí bách vì không tìm thấy nhà vệ sinh công cộng để “giải sầu”.
|
Nhà vệ sinh ở cạnh nút giao thông Hồ Tùng Mậu – Xuân Thủy – Phạm Hùng đóng cửa, bên ngoài trông nhếch nhác. |
“Dọc đường có nhiều nhà hàng, quán ăn có thể đi vệ sinh nhờ được nhưng mình người lao động vào những nơi lịch sự rất ngại. Không ít lần mình phải vào bệnh viện hoặc ghé vào quán nước, quán cà phê ven đường uống nước nhưng mục đích chính là kiếm chỗ đi vệ sinh”, ông Lâm kể lại.
Ông Lâm cho biết, ông đã nắm được quy định “tè bậy” sẽ bị phạt nặng nhưng cho rằng “nhiều lúc bức bí quá” không biết “giải sầu” ở đâu. “Phạt nặng thế này, bức bí quá cũng cố mà nhịn, có tè ra quần cũng phải chịu”, ông Lâm chia sẻ.
Chung tâm trạng với ông Lâm, lái xe taxi Nguyễn Văn Giáp (quê ở Vĩnh Phúc) cho rằng, Hà Nội còn ít nhà vệ sinh ở ven đường để phục vụ người dân.
“Nút giao thông lớn như Phạm Hùng – Trần Duy Hưng – Khuất Duy Tiến tôi thấy có nhiều người lưu thông qua các đường hầm, nhiều trạm chờ xe buýt nhưng lại không có nhà vệ sinh nào.
Trong lúc bức bí “buồn” đi tiểu tiện mà có chỗ vệ sinh tử tế tôi sẵn sàng phải bỏ 3-5 nghìn để đi cho lịch sự chẳng tội đứng tè bậy cho người ta cười”, ông Giáp chia sẻ.
Theo khảo sát của chúng tôi ngày 13.2, ngoài nút giao anh Giáp nêu trên, tại các nút giao thông lớn như Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Xiển, Phạm Hùng – Dương hay Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến đều không có nhà vệ sinh công cộng.
Trong khi đó, tại nút giao thông Hồ Tùng Mậu – Xuân Thủy – Phạm Hùng có một nhà vệ sinh công cộng đặt trên vỉa hè hướng Phạm Hùng đi Xuân Thủy nhưng lại đóng cửa.
Nhiều nhà vệ sinh xuống cấp
Ghi nhận của phóng viên, chất lượng một số nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội cũng không đảm bảo, xuống cấp.
|
Một nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội xuống cấp và bị biến thành “kho” chứa rau, quả. |
Tại bến xe Giáp Bát có một nhà vệ sinh công cộng đặt ở gần phía cổng vào. Tuy nhiên, do phía ngoài của nhà vệ sinh công cộng dán nhiều tờ rơi trông nhếch nhác khiến nhiều người cảm thấy ái ngại sử dụng dịch vụ vệ sinh công cộng.
Nhân viên quản lý nhà vệ sinh công cộng tại bến xe Giáp Bát cho biết, một ngày chỉ có khoảng 20 người sử dụng nhà vệ sinh, phần lớn là thanh niên. Giá mỗi lần đi vệ sinh 2-3 nghìn đồng.
Trong khi đó, nhà vệ sinh ở cạnh nút giao thông Hồ Tùng Mậu – Xuân Thủy – Phạm Hùng và nhà vệ sinh ở Ngã Tư Sở cũng có dấu hiệu bị xuống cấp.
Trái ngược, tại khu vực Hồ Gươm và nhà đường Trần Nhật Duật, ghi nhận của phóng viên có 5 nhà vệ sinh công cộng và luôn có nhân viên túc trực, dọn dẹp khá sạch sẽ.
“Chúng tôi được hưởng lương 6 triệu đồng/1 tháng. Số tiền thu của khách đi vệ sinh đều nộp về công ty. Những người sử dụng nhà vệ sinh phần lớn là thanh niên trẻ, người nước ngoài. Cũng có những trường hợp, người dân thiếu ý thức phóng uế ngay ra gốc cây mặc dù nhà vệ sinh ở ngay bên cạnh”, một nhân viên quản lý nhà vệ sinh ở Hồ Gươm thông tin.
Chị Thảo (36 tuổi), nhân viên nhà vệ sinh ở nút giao thông Ngã Tư Sở (sát chợ Ngã Tư Sở) cũng cho biết, mỗi ngày nhà vệ sinh công cộng chị quản lý có khoảng 20 người ra vào. Tuy nhiên, dù có nhà vệ sinh nhưng nhiều người vẫn “phóng uế” ra sau nhà vệ sinh.
“Nhiều người ở đây quen tôi, họ đi vệ sinh tôi không lấy tiền. Tuy nhiên, họ vẫn không vào nhà vệ sinh công cộng mà tè ngay sau phía sau nhà. Nhiều hôm trời nóng mùi hôi bốc lên nồng nặc, tôi đeo hai khẩu trang mà vẫn không chịu nổi”, chị Thảo nói.