Ông Trần Vĩnh Tuyến đề nghị tòa xem xét lại hành vi phạm tội

Google News

Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến nói rằng ông không cố ý khi phạm tội, đã chủ động khắc phục hậu quả nên mong HĐXX xem xét.

Chiều 13/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM); Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - Sagri) và 17 đồng phạm liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Sagri.

Kết thúc phần VKSND TP.HCM luận tội và đề nghị mức án, các bị cáo tự bào chữa sau khi được luật sư bảo vệ.

Ông Tuyến đề nghị HĐXX xem xét thấu đáo phần bào chữa của luật sư Phan Trung Hoài. Ông Tuyến giữ nguyên lời khai, quan điểm như lúc trả lời thẩm vấn và cho rằng bản án đã vượt qua những suy nghĩ và nhận thức pháp luật của ông.

"Bị cáo có cơ sở để chứng minh mình không có sai sót nào cố ý. Bị cáo đã chủ động khắc phục về những hành vi thiệt hại này", ông Tuyến nói và mong HĐXX xem xét, đánh giá lại hành vi để đưa ra bản án phù hợp.

Trước đó, trong phần bào chữa cho ông Tuyến, luật sư Hoài cho rằng HĐXX cần xem xét lại tội danh cùng một số nội dung và kết luận phù hợp với thực tế khách quan và bản chất sự việc so với diễn biến kết quả điều tra vụ án nêu trong cáo trạng. Đồng thời, luật sư Hoài đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Tuyến.

Ong Tran Vinh Tuyen de nghi toa xem xet lai hanh vi pham toi

Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (thứ 2 từ phải qua) và bị cáo Trần Trọng Tuấn (áo trắng) tại tòa. Ảnh: Duy Hiệu.

Bị cáo Trần Trọng Tuấn tự bào chữa rằng trong quá trình tham gia thẩm định hồ sơ và ký tờ trình, ông nhận thức đúng đắn các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Ngoài ra, bị cáo chủ động thực hiện và tham mưu thực hiện các quy định này trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với tài sản của Nhà nước.

"Gần 30 năm làm cán bộ, công chức, bị cáo không dám nghĩ đến, cũng không có ai gợi ý hay chỉ đạo bị cáo làm việc gì vi phạm pháp luật", ông Tuấn nói và đề nghị HĐXX cân nhắc để đưa ra bản án công tâm.

Trước đó, phản hồi về việc có quy định nào yêu cầu hồ sơ phải có thẩm định giá, thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng như đối chiếu với Luật Kinh doanh bất động sản thì có đủ điều kiện để UBND TP.HCM ra quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án, giám định viên của Bộ Xây dựng cho biết đối với dự án nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) thì việc ban hành quyết định chấp nhận chuyển nhượng đủ cơ sở để xem xét. Tuy nhiên, quyết định 6077 còn thiếu một số phụ lục theo Nghị định 76 của Chính phủ.

Trả lời câu hỏi của luật sư về đánh giá kết luận giám định đã ban hành, giám định viên cho rằng khi ban hành kết luận giám định có phần quản lý vốn nhưng sau khi tham gia phiên tòa thì nhận ra rằng việc quản lý vốn nằm ngoài chức năng nhiệm vụ của Bộ Xây dựng.

"Tôi ghi nhận có sai sót nên mong HĐXX xem xét", giám định viên nói.

Theo Dương Quỳnh Trang/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)