Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Bộ TTTT phải đi đầu làm nền tảng CMCN 4.0

Google News

(Kiến Thức) - Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông là Bộ công nghệ, Bộ đi đầu, làm nền tảng cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đóng vai trò quan trọng, vai trò hạt nhân đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững...

Sáng ngày 10/8/2018, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước tháng 7 năm 2018. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, UVTW Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì.
Dự hội nghị có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, đại diện Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng và Văn phòng Bộ tại TP.HCM, lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ, các doanh nghiệp trong Ngành, lãnh đạo các Sở TT&TT và các đại biểu đang tham gia Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành TT&TT năm 2018 tại tỉnh Lâm Đồng.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức cầu truyền hình trực tuyến tại 67 điểm cầu.
Các Cục cần lập bộ phận chuyên biệt để xây dựng chính sách Luật
Tại hội nghị Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, các đơn vị thuộc Bộ có nhiệm vụ xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật năm nào cũng phải tiến hành rà soát lại nội dung các Nghị định, Thông tư và các văn bản pháp luật khác mà Bộ tham mưu cho Chính phủ hoặc trực tiếp ban hành.
Ong Nguyen Manh Hung: Bo TTTT phai di dau lam nen tang CMCN 4.0
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Mic.gov.vn 
Đối với các Thông tư và văn bản pháp luật do Bộ ban hành nếu thấy cần thiết phải sửa đổi thì tiến hành sửa ngay.
Đối với các Nghị định do Chính phủ ban hành, hàng năm đều tiến hành tổng kết, nếu có bất cập, cần khẩn trương tham vấn các Bộ liên quan để sửa cho nhanh. Tối đa 2 đến 3 năm phải sửa đổi Nghị định một lần cho phù hợp với sự vận động của thực tế cuộc sống.
Quyền Bộ trưởng khẳng định, nhiệm vụ của Bộ là dẫn dắt, định hướng, tạo cơ chế phát triển cho ngành TT&TT. Các Cục thuộc Bộ cần lập ra một bộ phận chuyên biệt để xây dựng chính sách pháp luật. Đây là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của các Cục, Vụ, góp phần tạo ra khung pháp lý cho cho Ngành và đất nước phát triển.
Đối với tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, trong quý III đều phải xây dựng KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) để đo lường các văn bản, chính sách đã ban hành, từ đó có những đánh giá định kỳ, đồng thời công bố công khai các kết quả đo lường. Từ 1/10/2018, các đơn vị liên quan nếu không có các KPI coi như vi phạm khuyết điểm, Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ TT&TT là Bộ đi đầu về công nghệ làm nền tảng Cách mạng công nghiệp 4.0
Cũng tại Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ những lĩnh vực hoạt động của Ngành. Theo đó, các lĩnh vực này được chia thành hai mảng: mảng Công nghệ và mảng Tuyên truyền. Trong đó mảng Công nghệ được chia thành ba nhóm: Bưu chính Viễn thông, Công nghệ thông tin và Công nghiệp Điện tử Viễn thông.
Mảng Tuyên truyền góp phần tạo sự ổn định xã hội, tạo niềm tin cho người dân, cho xã hội, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển.
Quyền Bộ trưởng khẳng định, Bộ TT&TT là Bộ công nghệ, Bộ đi đầu, làm nền tảng cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đóng vai trò quan trọng, vai trò hạt nhân đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, theo kịp thời đại; Bộ TT&TT là Bộ chuyển đổi số, giúp đất nước dùng công nghệ giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có đánh giá cán bộ, giải quyết vấn đề tham nhũng...
Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh, bưu chính đang phát triển nhanh chóng, với tốc độ cao, sẽ là hạ tầng quan trọng cho thương mại điện tử và logistic. Về Viễn thông, tài nguyên lớn nhất là cơ sở dữ liệu; phải quy hoạch lại và cho các doanh nghiệp thử nghiệm ngay 5G; Về CNTT, phải coi chuyển đổi số là ưu tiên số 1.
Để phát triển mảng Công nghiệp điện tử Viễn thông, sắp tới, Bộ TT&TT sẽ thành lập Vụ Công nghiệp Điện tử Viễn thông với nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất thiết bị đầu cuối, thiết bị mạng lưới made in Việt Nam, đẩy mạnh ngành công nghiệp điện tử, trong đó có công nghiệp quốc phòng và phát triển IoT.
Quyền Bộ trưởng yêu cầu Tập đoàn Viettel từ nay tổ chức đấu thầu thiết bị viễn thông tại thị trường Việt Nam cũng như các thị trường quốc tế phải mời VNPT tham gia đấu thầu. VNPT, Viettel – hai doanh nghiệp đã sản xuất được các thiết bị viễn thông, CNTT cần cung cấp cho các nhà mạng còn lại dùng thử. Nếu chất lượng tương đương, giá cả tương đương phải ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước. Mobifone cần đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thông qua việc thành lập Viện nghiên cứu phát triển và sản xuất.
Về vai trò của các Sở TT&TT, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tầm quan trọng của các Sở trong việc thực hiện vai trò quản lý Nhà nước của Bộ tại địa phương. Cần phải coi các Sở là lực lượng của Bộ, quản lý nhân sự các Sở như quản lý các đơn vị trong Ngành. Vụ TCCB cần phải nhanh chóng xây dựng các khuyến nghị về tiêu chí bổ nhiệm Giám đốc Sở TT&TT tại các địa phương vì Bộ TT&TT là một Bộ về công nghệ.
Giải đáp ý kiến của lãnh đạo Sở TT&TT TPHCM về vai trò của Bộ TT&TT và của Sở TT&TT trong xây dựng Chính phủ điện tử, Quyền Bộ trưởng cho biết, theo Nghị quyết mới của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT sẽ đóng vai trò hạt nhân. Theo đó, Văn phòng Chính phủ, đại diện cho Chính phủ, sẽ là người đặt hàng còn Bộ TT&TT chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Tại địa phương, vai trò thuộc về Văn phòng UBND tỉnh và Sở TT&TT tỉnh. Đồng thời, Quyền Bộ trưởng chỉ đạo Cục Tin học hóa chịu trách nhiệm phổ biến, truyền thông vấn đề này đến tất cả các Sở TT&TT trong cả nước.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)