Những ngày lang thang ở Tuyên Quang
Thông minh, sắc sảo, đó là ấn tượng đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với Trung tá Nguyễn Thị Thu Thủy, nữ điều tra viên đã có hơn 20 năm làm công tác điều tra và hơn 15 năm trên cương vị điều tra viên. Hơn 20 năm qua, Trung tá Thủy đã cùng đồng đội triệt phá thành công hàng trăm chuyên án lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, được lãnh đạo các cấp ghi nhận, đánh giá cao. Nhưng, trong số các chuyên án đó, có lẽ chuyên án triệt phá đường dây đánh bạc nghìn tỷ trên mạng để lại cho chị nhiều kỉ niệm sâu sắc nhất.
Chị Thủy kể rằng, khi biết mình là nữ điều tra viên duy nhất được Ban Giám đốc giao nhiệm vụ tham gia chuyên án đặc biệt này, chị vừa mừng vì được lãnh đạo tin tưởng nhưng cũng lo vì biết rằng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực. Khi tiếp cận hồ sơ mới thấy sự lo lắng ấy là đúng bởi các đối tượng trong vụ án đều là người rất giỏi, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin nên luôn biết cách xóa dấu vết. Không những thế, Nguyễn Văn Dương lại có những mối quan hệ rất “khủng” nên ban đầu khá tự tin khi làm việc với cơ quan điều tra.
Để chứng minh hành vi phạm tội của nhóm đối tượng cầm đầu, các điều tra viên phải đọc cả núi hồ sơ thu thập được và tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, từ đó lần ra những điểm đột phá của chuyên án.
Khi tham gia chuyên án, Trung tá Thủy được giao phụ trách làm việc với các đối tượng nữ. Với lợi thế hiểu được tâm lý phụ nữ và vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, chị dễ dàng tiếp cận và đánh giá đúng bản chất của đối tượng, từ đó có phương án đấu tranh hiệu quả.
|
Trung tá Nguyễn Thị Thu Thủy, Điều tra viên nữ duy nhất trong chuyên án. Ảnh: Đ.T.H. |
Cuối tháng 8-2017, Trung tá Thủy được lãnh đạo ban chuyên án phân công trực tiếp thực hiện lệnh bắt, khám xét đối tượng Lưu Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CNC - là người trực tiếp thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Văn Dương ký các hợp đồng hợp tác phát hành game bài RikVip, thuê tên miền, đăng ký dịch vụ tin nhắn thương hiệu và tham gia kiểm soát doanh thu tổ chức đánh bạc.
Những ngày đầu, việc đấu tranh với đối tượng rất khó, bởi Hồng là người có trình độ, hiểu biết về pháp luật, công nghệ, có quan hệ với nhiều người có địa vị trong xã hội nên vẫn tin sẽ được “giải cứu”, vì vậy khi làm việc với cơ quan điều tra, Hồng nhất quyết không khai báo.
Xác định Hồng là mắt xích quan trọng trong vụ án, chị Thủy cùng đồng đội nhiều đêm thức trắng, nghiên cứu tài liệu đã thu thập được để tìm chứng cứ. Bên cạnh đó, kết hợp với nắm bắt đặc điểm, diễn biến tâm lý của đối tượng, áp dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, cùng đấu trí với đối tượng, khiến cho Lưu Thị Hồng từ chỗ ngoan cố không khai báo, đã phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Khi biết không thể “im lặng là vàng” được nữa thì đối tượng quay sang... mặc cả với điều tra viên. Tuy nhiên, mọi sự mặc cả của Hồng đều thất bại.
Khi truy tìm nơi Phan Sào Nam tẩu tán số tiền kiếm được từ tổ chức đánh bạc, cơ quan điều tra xác định bà Phan Thu Hương là dì ruột của Phan Sào Nam, là người giúp Nam “rửa tiền”. Mặc dù Nam thừa nhận chuyển tiền cho dì ruột nhưng khi làm việc với cơ quan điều tra, bà Phan Thu Hương một mực khai báo đây là số tiền mà Nam trả nợ khoản vay trước đó để lập nghiệp, việc cho vay và trả nợ không có một giấy tờ nào xác nhận.
Sau khi nghiên cứu toàn bộ lời khai của Nam và tài liệu thu thập được, với kinh nghiệm thực tế của một điều tra viên hơn 20 năm trong nghề, chị và đồng đội nhận thấy có sự liên hệ chặt chẽ giữa nguồn tiền phạm tội của Phan Sào Nam và dì ruột của mình. Trăn trở nhiều đêm, chị và các điều tra viên đề xuất lãnh đạo ban chuyên án cho xác minh toàn bộ tài khoản và sổ tiết kiệm của bà Phan Thu Hương tại hơn 20 ngân hàng lớn trên cả nước, lật từng trang bản sao kê tài khoản ngân hàng của đối tượng, chị cùng đồng đội thức trắng lần tìm chứng cứ, làm rõ được dòng tiền đi của bị can Phan Sào Nam chuyển cho dì ruột của mình nhằm mục đích “rửa tiền” thu lợi bất chính từ việc tổ chức đánh bạc. Trước những chứng cứ này, Phan Thu Hương phải cúi đầu nhận tội.
365 ngày tham gia chuyên án, vai trò của một nữ điều tra viên không chỉ là đối chiếu tài liệu để đấu tranh với đối tượng, nhiều lần chị cùng tổ công tác ngược xuôi khắp các tỉnh, thành phố để truy tìm đối tượng.
Khi cơ quan điều tra khám xét Công ty CNC, Đoàn Thị Thu Hà, kế toán của Công ty CNC, một mắt xích quan trọng giúp cơ quan điều tra chứng minh hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Dương, đã nhanh chóng bỏ trốn khỏi địa phương. Lãnh đạo ban chuyên án chỉ đạo phải truy tìm bằng được Đoàn Thị Thu Hà để củng cố hồ sơ và làm rõ hành vi của Nguyễn Văn Dương. Trung tá Thủy lại cùng tổ trinh sát nắm tình hình các địa bàn mà đối tượng có thể ẩn nấp.
Sau nhiều ngày, thông tin báo về ban chuyên án, Hà đang ở nhà chú ruột tại Tuyên Quang, chị cùng các trinh sát tiếp cận, nắm tình hình quanh khu vực Hà lẩn trốn. Để tránh “bứt dây động rừng”, 3 ngày liền chị và tổ trinh sát tìm đủ cách để tiếp cận từ hàng xóm và gia đình chú ruột của đối tượng, sau đó đến tận cơ quan của chú ruột Đoàn Thị Thu Hà để thuyết phục, vận động. Sau nhiều lần vận động, thuyết phục, Hà đã chịu ra làm việc với cơ quan điều tra và phối hợp làm rõ hành vi của các đối tượng trong chuyên án.
Để triệt phá thành công chuyên án này, Công an Phú Thọ đã huy động hàng trăm điều tra viên và cán bộ, chiến sỹ đấu trí căng thẳng với các đối tượng, những đêm thức trắng quyết tìm ra bằng được chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của từng đối tượng. Dù là phụ nữ nhưng với nhiệm vụ của điều tra viên, chị Thủy cũng gánh vác công việc không khác gì những đồng đội khác.
Những đêm dài chị theo đồng đội trinh sát, truy tìm đối tượng, tiến hành khám xét các đối tượng trong chuyên án và bảo vệ vật chứng, sẵn sàng lặn lội cùng đồng đội truy tìm chứng cứ, tháo gỡ những mâu thuẫn của vụ án. Kết thúc chuyên án, chị được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen về những thành tích xuất sắc trong chuyên án này.
Những bữa cơm vắng mẹ của thành viên tổ hòa giải
Nhắc đến thiên chức của một người mẹ, vai trò của người vợ trong gia đình, Trung tá Nguyễn Thị Thu Thủy tâm sự, làm công tác điều tra đối với phụ nữ là một sự hy sinh rất lớn. Làm một điều tra viên thì những chuyến công tác xa nhà hay chuyện đi sớm về muộn là không tránh khỏi, việc chăm sóc con của chị đều nhờ cậy vào bố mẹ và những người thân trong gia đình.
Khi tham gia chuyên án cũng là lúc hai con chị đang ôn thi chuyển cấp, là giai đoạn cần sự động viên, chăm sóc của người mẹ nhất nhưng vì công việc nên những suất cơm hộp hay những chiếc bánh mỳ vội vàng ăn trên xe của 3 mẹ con cho kịp giờ học trở nên thường xuyên hơn khi chị bắt đầu tham gia chuyên án. Tuần đầu tiên khi mới bắt đầu nhận nhiệm vụ, cuối ngày bố mẹ chị đều gọi hỏi thăm để chờ cơm nhưng từ khi bắt đầu chuyên án, tần suất chị về muộn ngày càng nhiều, bố mẹ chị cũng quen dần với điều đó nên chẳng gọi điện hỏi nữa.
Chị may mắn khi có người bạn đời làm cùng nghề nên rất hiểu về những vất vả, áp lực công việc mà chị đang theo đuổi. Vì thế, suốt một năm tham gia chuyên án, chồng chị nhiều khi trở thành người nội trợ thay vợ chăm lo con cái, nhà cửa.
Chị kể rằng thời gian tham gia chuyên án này, nhiều khi chị còn trở thành người... tư vấn và hàn gắn tình cảm gia đình. Chị tâm sự, ban đầu khi mới bắt đầu tham gia chuyên án, nhiều gia đình cán bộ trẻ xảy ra mâu thuẫn vì không hiểu điều gì khiến chồng cứ đi biền biệt, thậm chí nhiều ngày liền không về nhà. Vậy là chị phải gặp gỡ riêng để giải thích và tâm sự chuyện đời, chuyện công việc để vợ con đồng chí, đồng đội mình hiểu rõ hơn những khó khăn, vất vả mà chính người thân họ đang phải gánh vác. Nhờ những lần tư vấn tình cảm ấy, những người vợ trẻ đã hiểu và thông cảm với lịch trình thất thường của chồng.
Trung tá Thủy kể rằng hơn 20 năm làm công tác điều tra, chị gặp gỡ, tiếp xúc rất nhiều đối tượng, nhiều hoàn cảnh nhưng có lẽ chi tiết chị ấn tượng nhất đó chính là hình ảnh giọt nước mắt hối hận lăn trên khóe mắt Phan Sào Nam, một đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong chuyên án. Trong những lần làm việc với điều tra viên, Phan Sào Nam là đối tượng rất thành khẩn, có trình độ rất cao về công nghệ thông tin, đây cũng là đối tượng giao nộp được gần như toàn bộ số tiền phạm tội cho cơ quan điều tra.
Nhìn giọt nước mắt ấy tại phiên tòa, chị hiểu đó là giọt nước mắt của sự hối hận nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm nữ điều tra viên ấy an tâm vì trong chính giọt nước mắt hối hận muộn màng, chị nhìn thấy một mầm thiện đang nảy nở trong con người lỗi lầm ấy.