Nữ đại gia lái BMW đâm chết người: Không bằng lái, chủ xe có trách nhiệm gì?

Google News

Theo luật sư, nữ đại gia lái BMW lái xe gây tai nạn nhưng không có bằng lái, nếu chiếc xe thuộc sở hữu của công ty bà làm chủ thì sẽ không có người liên đới, còn nếu có chủ xe thì người giao xe sẽ bị xử lý thế nào?

Ngày 17/6, bà Nguyễn Thị Nga (47 tuổi) – nữ đại gia lái BMW gây tai nạn tại ngã tư Hàng Xanh bị kết án 3 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Khoản 2 Điều 260 BLHS 2015.
Theo HĐXX, có đủ cơ sở xác định bị cáo Nga đã thao tác không đúng khi lái ôtô BMW. Đồng thời, nữ tài xế đã uống rượu bia, nên gây tai nạn nghiêm trọng. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bất chấp pháp luật, biết trước hậu quả nhưng vẫn thực hiện là coi thường tính mạng người khác.
Trước đó, vào khoảng 23h ngày 21/10/2018, bà Nguyễn Thị Nga lái ôtô BMW từ nhà hàng trên đường Pasteur (quận 3) về nhà ở quận 12, sau khi uống rượu bia. Đến vòng xoay ngã tư Hàng Xanh, ôtô của bà Nga đâm vào 5 xe máy dừng đèn đỏ phía trước, kéo lê người phụ nữ một đoạn dài. Chiếc BMW chỉ dừng lại khi húc vào taxi.
Hậu quả khiến 1 người tử vong và 5 người bị thương. Ngoài ra, 5 xe máy và 2 ôtô bị hư hỏng nặng. Kết quả đo nồng độ cồn của bà Nga lên đến 0,94 mg/l khí thở, bà Nga không có bằng lái xe.
Sau tai nạn bà Nga tích cực bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân và được gia đình nạn nhân đề nghị bãi nại.
Về mức án dành cho nữ tài xế BMW luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Với hành vi không có bằng lái xe ô tô, sử dụng rượu bia khi điều khiển ô tô, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ gây tai nạn giao thông khiến 1 chết và 5 người bị thương,…. hành vi của bà Nga đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội danh: Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điểm a, b,e khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”. 
Nu dai gia lai BMW dam chet nguoi: Khong bang lai, chu xe co trach nhiem gi?
 

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;”
Theo đó, khung hình phạt được áp dụng trong trường hợp này sẽ là từ 3 năm đến 10 năm tù. Do đó, về hành vi của bà Nga thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng theo quy định tại Điều 9 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, để quyết định hình phạt trong trường hợp này thì Hội đồng xét xử sẽ phải căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự trên cơ sở xem xét đầy đủ tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo.
“Với các tình tiết bà Nga đã bồi thường thiệt hại cho bị hại, thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, bị hại có đơn giảm án, bà Nga sẽ được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ tại điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Đây là một trong các căn cứ để Hội đồng xét xử quyết định mức hình phạt đối với bà Nga” – luật sư phân tích.
Theo luật sư, điều kiện hưởng án treo được quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự và được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân tối cao. Theo đó, trong trường hợp bị cáo bị xử phạt không quá 3 năm, có nhân thân tốt; có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của BLHS; bị cáo có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
Hơn nữa, xét thấy không cần áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo vì bị cáo có khả năng tự cải tạo và việc cho bị cáo hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì mới đủ điều kiện áp dụng án treo.
Trong trường hợp này, bà Nga đã bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên mức hình phạt 3 năm 6 tháng tù (quá 3 năm tù), do đó không đủ điều kiện được hưởng án treo theo quy định pháp luật. Việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, gây hậu quả rất nghiêm trọng với mức hình phạt áp dụng từ 3-10 năm tù khó có thể được hưởng án treo dù là lỗi vô ý.
Ngoài ra, luật sư cho biết thêm, cơ quan chức năng đã xác định bà Nga không có giấy phép lái xe ô tô. Nếu chiếc xe thuộc sở hữu của công ty do bà Nga làm chủ, bà Nga lái sẽ không có người liên đới vì việc giao xe.
Còn nếu chiếc xe không phải của bà Nga, người giao xe biết rõ bà Nga không có bằng lái nhưng vẫn giao xe, dẫn đến hậu quả tai nạn giao thông nghiêm trọng thì người giao xe có thể bị xử lý hình sự theo Điều 205 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cụ thể điều luật quy định: Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ như sau:
“1. Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến ba năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.”
Theo Bảo Yến/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)