TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Phan Thúy Mai (SN 1961, nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc công ty An Phát) ra xét xử tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
"Hô biến" tài sản công ty thành của riêng
Liên quan đến vụ nữ "đại gia" trên, theo cáo buộc, dự án Khu du lịch 79 Mùa Xuân được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận cho phép đầu tư từ năm 2003. Chủ đầu tư khi đó là Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Toàn Thắng (trụ sở ở TP.HCM), do bà Mai đứng đầu.
Nhận thấy việc cấp phép đầu tư cho một doanh nghiệp ở TP.HCM sẽ khó khăn trong quản lý Nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu phía chủ đầu tư phải là một pháp nhân ngay tại địa phương.
Do đó, tháng 4/2004, bà Mai đã đứng ra thành lập công ty An Phát với 3 cổ đông sáng lập gồm bà Mai, ông Trần Thế Tôn và công ty Alfa, vốn điều lệ 30 tỷ đồng.
|
Bị cáo Phan Thúy Mai tại tòa. |
Sau khi công ty Toàn Thắng rút lui, An Phát tiếp nhận toàn bộ quyền và nghĩa vụ thực hiện dự án.
Năm 2007, An Phát được giao 973.839,8m2 đất để xây dựng Khu du lịch 79 Mùa Xuân, trong đó có 2 thửa đất (5.045m2 và 1.529m2) xây biệt thự.
Lợi dụng tư cách giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT công ty, bà Mai đã lập chứng từ khống, hợp thức hồ sơ chuyển nhượng 2 nền đất biệt thự có giá trị 30,5 tỷ đồng từ sở hữu công ty sang tài sản cá nhân của bà ta với giá 9,8 tỷ đồng.
Ngoài việc tự ý áp giá chuyển nhượng đất, nữ "đại gia" này không trả tiền cho doanh nghiệp mà còn phát hành phiếu thu tiền khống để che đậy hành vi gian dối. Năm 2010, khi các cổ đông phát hiện hành vi sai phạm, bà Mai mới nộp lại số tiền 9,8 tỷ đồng.
Bà Chủ tịch không chịu xuất tiền túi
Như đã nói ở trên, để được tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép đầu tư, công ty An Phát ra đời. "Đại gia'' Mai cam kết góp 60% vốn điều lệ, tương đương 19,8 tỷ đồng nên được bầu làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc công ty.
Cam kết là vậy, nhưng trên thực tế, bà Chủ tịch HĐQT chưa hề góp một đồng vốn nào. Dù vậy, bà Mai vẫn rao bán 21% cổ phần “ma” của mình cho các cá nhân bên ngoài, thu được 19,5 tỷ đồng.
Khi phát hiện hành vi khuất tất của bà Mai, các cổ đông sáng lập phản đối và đề nghị rút vốn. Để trấn an, nữ "đại gia" cam kết nhận mua lại số cổ phần của họ.
Cùng lúc này, các cổ đông mới nhận ra việc mua lại cổ phần của bà Mai chỉ là mua nợ và đã bị chiếm dụng vốn nên đòi lại tiền. Bà Mai xoay sở trả được 10 tỷ đồng.
Để có tiền mua lại 40% cổ phần như hứa hẹn, bà Mai lấy danh nghĩa đại diện công ty ký hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Long Việt.
Thực chất của hợp đồng này, bà Mai tranh thủ tiền vốn của Long Việt lấp vào tiền vốn góp của An Phát. Ngay sau khi Long Việt chuyển 23 tỷ đồng, bà Mai lấy số tiền trên thanh toán cho các cổ đông.
Nhận thấy dự án không hiệu quả, Long Việt thoái vốn. Lúc này, bà Mai tìm đối tác mới là công ty cổ phần Đầu tư quốc tế An Thành để thế chỗ.
Tuy nhiên, không lâu sau, An Thành cũng nhanh chóng tháo chạy khỏi dự án.
Để đắp đổi khoản tiền cho công ty An Thành, bà Mai tìm cách bán 33% cổ phần cho bà Trương Kim Bích (tương đương 33 tỷ đồng). Ngoài thanh toán số tiền trên, bà Bích còn đóng góp chi phí hàng năm vào An Phát khoản tiền 9,3 tỷ đồng. Tổng cộng bà Bích đưa cho bà Mai số tiền 43,5 tỷ đồng.
Năm 2006, bà Mai tiếp tục bán cho một lãnh đạo ngân hàng TMCP Đông Á 5% vốn điều lệ với giá 7,5 tỷ đồng.
Sau một loạt những "trò ma", cuối cùng dòng tiền góp vốn thực của bà Mai là âm 2,7 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, quá trình điều hành công ty, bà Mai có hành vi chiếm dụng tiền vốn, sử dụng tài sản công ty không đúng mục đích, lập chứng từ kế toán khống, ký các hợp đồng vay ngân hàng vượt quá quyền hạn, một số nghiệp vụ chi tiền nghi ngờ không có thật....
Do những hành vi này cần được điều tra làm rõ nên năm 2016, cơ quan điều tra tách rút tài liệu để tiếp tục xác minh.
Sau một ngày xét xử, nhận thấy vụ án còn một số vấn đề chưa rõ, chiều 15/6, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.