Mê đọc sách từ nhỏ
Cô gái tuổi Dần (SN 1998) Phạm Thị Dịu với niềm đam mê sách, đang hằng ngày viết tiếp ước mơ chinh phục kho tàng tri thức của bản thân.
"Sinh ra ở vùng quê nghèo xã Đông Long (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), vì mê đọc sách từ nhỏ nhưng gia đình không có điều kiện. Từ khi 7 tuổi, trong nhà có vài ba quyển sách cứ đọc đi rồi đọc lại..." - nữ 9X chia sẻ.
Dịu nhớ lại, thời điểm đó, gia đình mình không có điều kiện, do ở vùng biển nên việc tiếp cận sách rất khó, chỉ có một vài quyển sách, báo xin từ ông bà ngoại. Lớp 1 mẹ đọc sách cho nghe, đến lớp 2 biết đọc là tự "ngấu nghiến" hết những sách, báo có trong nhà.
|
Phạm Thị Dịu đang là thành viên của dự án Sách và Hành động |
Với Dịu, mỗi thời điểm sẽ có những quyển sách gối đầu giường. Những năm lớp 4-5, lúc này việc tiếp cận sách dễ hơn, mình mượn của bạn nhiều sách để đọc. Bộ truyện mình đọc đi đọc lại lúc đó là Doraemon.
“Mình thích cánh cửa thần kỳ trong bộ truyện, nó có thể giúp mình đi khắp mọi nơi bằng một bước chân. Và nếu như có nó ở đây thật, chắc chắn mình sẽ bước về với gia đình. Cuối năm nhưng không được về đoàn tụ cảm giác khó tả lắm”, Dịu tâm sự.
Đến THCS, được tiếp cận những bộ sách “Hạt Giống Tâm Hồn” và “Đắc Nhân Tâm”. Thời điểm này mình rất thích đọc thơ của Nguyễn Bính. Những bài thơ như: “Ghen”, “Chân quê” luôn đi sâu vào tiềm thức của người con gái tuổi dậy thì.
“Mình thích thơ Nguyễn Bính vì giản dị, mộc mạc và rất gần gũi với đời sống”, Dịu bộc bạch.
|
Cô gái tuổi Dần với tâm nguyện đưa văn hóa đọc đến với bạn trẻ |
Đến độ tuổi hoài bão về những ước mơ, chuẩn bị sang một bước ngoặt lớn của cuộc đời, cô gái năm xưa chuyển mình tìm đến với những sách học thuật hơn.
Nhắc đến cuốn sách Dịu tâm đắc nhất ở độ tuổi THPT là cuốn “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân.
“Điểm ăn sâu vào trí nhớ của mình ở cuốn sách này là nội dung về phê bình nghệ thuật, nhưng với giọng văn, giọng điệu rất tâm tình, nhẹ nhàng và khá dí dỏm chứ không phê bình một cách gay gắt”.
Thời gian học ở Học viện Ngoại giao, bản thân được "thỏa đam mê" mỗi ngày. Những quyển sách về chuyên ngành Quan hệ quốc tế được Dịu đọc nhiều. Cùng với đó là những đầu sách về đạo Phật và kỹ năng sống được Dịu hướng đến.
“Cuộc sống có ý nghĩa chỉ khi mình có mục tiêu”
Cuốn sách gối đầu giường được Dịu bật mí là “Một đời như kẻ tìm đường”. Dịu kể, trong quyển sách này có một câu chuyện về nhân vật Từ Thức, vì quá vất vả nên mong muốn được lên cõi tiên sống để tận hưởng cuộc sống an nhàn.
Điều ước của anh ta trở thành sự thật, anh được lên cõi tiên có vợ đẹp, con ngoan, của cải và sống cuộc đời không lo nghĩ. Một thời gian sau, Từ Thức thấy chán nản về cuộc sống và muốn về lại thời điểm trước. Nhưng lúc này nhân vật chính đã không tìm được đường về...
|
Một số dự án về sách Dịu tham gia |
“Đọc xong câu chuyện này, bản thân mình suy nghĩ rằng, cuộc sống có ý nghĩa chỉ khi mình có mục tiêu để phấn đấu, mình có công việc để làm và bản thân phải sống để ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay”, Dịu đúc kết.
Cô gái tuổi Dần trải lòng, câu nói bản thân tâm đắc nhất đó là “Tốt là kẻ thù của vĩ đại” trong cuốn sách “Từ tốt đến vĩ đại”.
“Bản thân mình thích câu nói này vì chính nó đã khiến mình tư duy khác đi về khái niệm “tốt”. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, phần lớn chúng ta thường đặt mục tiêu hướng tới những cái “tốt”, và thường dễ thỏa mãn cũng như ngừng hướng tới cái “vĩ đại” khi mục tiêu ban đầu đã hoàn thành.
Sự hài lòng với cái “tốt” đôi khi giết chết động lực, sự sáng tạo và tiềm năng phát triển vô tận trong mỗi chúng ta. Để thực sự vươn tới những điều vĩ đại thì chúng ta cần để tâm và đặt cho mình mục tiêu về sự vĩ đại ngay từ những ngày đầu và phấn đấu vì mục tiêu đó”, Dịu bày tỏ.
Đọc sách để gột rửa tâm hồn
Từ đam mê đọc, nhận biết được kho tàng kiến thức sáng mang lại, Dịu đã tham gia nhiều dự án sách để hướng đến bạn trẻ...
Thông qua hoạt động của một số dự án sách, bản thân nhận biết thực tế nhiều bạn trẻ thời đại công nghệ số ít quan tâm đến việc đọc sách mà dành thời gian cho internet nhiều.
“Mình nghĩ đó là điều bình thường khi internet và mạng xã hội phát triển như hiện nay. Hiện có rất nhiều cách tiếp cận với sách, khi mình nấu ăn, lên xe buýt có thể nghe audio book, hoặc tranh thủ thời gian rảnh để làm bạn với sách. Điều quan trọng nhất vẫn là người đọc có mong muốn được đọc, được nghe hay không”.
|
Với Dịu “đọc sách cũng chính là để gột rửa tâm hồn mình” |
Để hướng các bạn trẻ đến những thói quen đọc sách, Dịu chia sẻ, việc tổ chức Ngày sách, đêm sách, tủ sách miễn phí, các hoạt động đánh giá sách…đã thu hút được nhiều bạn trẻ.
Từ đó, các bạn trẻ sẽ tiếp cận được nguồn sách tốt, chất lượng, phù hợp với mình và có thể áp dụng những kiến thức từ sách vào cuộc sống.
Nói về dự định cho năm mới, điều mong mỏi nhất của cô gái tuổi Dần sẽ tiếp cận nhiều hơn về sách công nghệ. Dịu đăm chiêu, đây là xu thế chung nên mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết ở giai đoạn này.
Cùng với đó, Dịu vẫn mong sẽ có nhiều bạn trẻ tiếp cận đến sách hơn: “Đặc biệt, đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm để mọi hoạt động trong xã hội được hoạt động bình thường trở lại...”.
Với Dịu, đọc sách cũng giống việc bạn mang một chiếc giỏ đựng than đi lấy nước. Có thể bạn sẽ không hiểu hoặc không nhớ được mọi thứ mình đã đọc, như chiếc giỏ than chỉ có thể lấy được rất ít nước hoặc thậm chí không lấy được chút nào.
“Nhưng khi đọc sách, sách sẽ thay đổi mình từ bên trong tâm hồn, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy. Đọc sách cũng chính là để gột rửa tâm hồn mình”, Dịu tâm sự.