Những người “cầm bút” đi thẳng vào tâm bão COVID-19

Google News

Hằng ngày, những bản tin về COVID-19 liên tục được cập nhật, đăng tải 1 cách sớm nhất, đầy đủ và chính xác nhất. Đằng sau những thông tin đó là đội ngũ nhà báo, phóng viên, những người “cầm bút” đi thẳng vào tâm dịch, góp phần cùng cả nước chống giặc COVID-19.

Lao vào điểm nóng
23h ngày 6/3/2020, cả Hà Nội như ngồi trên chảo lửa khi ghi nhận ca mắc đầu tiên tại Thủ đô do lây lan trong cộng đồng. Chính quyền Hà Nội họp xuyên đêm để bàn giải pháp ứng phó, khoanh vùng, dập dịch. Và đêm đó, các nhà báo, phóng viên cũng không ngủ cùng Hà Nội.
Ba lô máy ảnh, laptop trĩu nặng trên vai, đeo vội chiếc khẩu trang, nhà báo Hoàng Giang Huy (báo điện tử VnExpress) lao ngay đến tâm điểm Trúc Bạch ngay đêm 6/3. Những bản tin cứ thế liên tiếp được gửi về trong đêm.
“Lúc ấy thật sự không nghĩ gì đến nguy hiểm, không sợ điều gì, chỉ có một suy nghĩ duy nhất, mình cần phải truyền tải những hình ảnh, thông tin mới nhất đến độc giả” – nhà báo Hoàng Giang Huy nói.
Nhung nguoi “cam but” di thang vao tam bao COVID-19
 Nhà báo Hoàng Giang Huy trong lần tác nghiệp đón các chiến sĩ mũ nồi xanh trở về khi hoàn thành nhiệm vụ. 
Phóng viên ảnh có thâm niên 15 năm trong nghề kể, những ngày đầu khi dịch mới khởi phát ở Việt Nam, bất chấp hiểm nguy từ virus SARS-CoV-2 có thể tấn công cơ thể bất kỳ lúc nào, anh và nhiều phóng viên đã không ngại ngần tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính. Anh em có mặt trong phòng cách ly đặc biệt, nơi chăm sóc những bệnh nhân COVID-19 nặng nhất để có được những bức ảnh chân thật về công tác chăm sóc người bệnh của các y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
“Lúc ấy, chúng tôi vẫn còn mơ hồ về dịch bệnh lắm, cũng chỉ nghĩ mình cứ bảo hộ tốt, thì sẽ không bị lây” - nhà báo Giang Huy tâm sự.
Khi dịch bùng phát mạnh, Hà Nội trở thành tâm dịch lớn, hiểu biết về con vi rút quái ác cũng nhiều hơn, anh và các đồng nghiệp bắt đầu cảm nhận được một nỗi sợ lan tỏa trong tâm trí. Anh thành thực: “Lúc đó tôi chưa chuẩn bị kịch bản nào cho một cuộc cách ly với những người thân của mình”.
Cuối tháng 3/2020, anh phải tự cách ly, theo dõi bản thân 14 ngày. 14 ngày phải xa vợ con, gia đình là điều chưa bao giờ anh nghĩ tới. Nhưng để an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội, đó là việc phải làm.
“Lần đi xa gia đình này không phải là cuộc đi lâu nhất trong đời làm báo. Nhưng đó là khoảng thời gian nhiều bất an nhất, vì lo cho gia đình, lo cho bản thân rất nhiều. Có đôi lúc mệt mỏi, cảm nhẹ và cũng mơ hồ mình có nguy cơ bị mắc bệnh. Nhưng may mắn những triệu chứng ấy lại đi qua rất nhanh. Mấy phóng viên tác nghiệp với nhau tự dặn, cố gắng bảo hộ tốt nhất để không ai mắc bệnh” – nhà báo Giang Huy xúc động.
Trong suốt 2 năm chống dịch COVID-19, nhà báo Hoàng Giang Huy đã có mặt tại nhiều điểm nóng nhất từ tâm dịch Sơn Lôi, Bạch Mai cho tới những Trung tâm cách ly ở Lạng Sơn, cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Kim Thành…
Những bữa cơm ăn vội, những đêm cách ly nhớ con chỉ biết gọi điện thoại, những khoảnh khắc vỡ òa cảm xúc của nhiều người khi hoàn thành cách ly đều được anh dồn nén, chất chứa trong những phóng sự ảnh “biết nói” của mình.
Đi thẳng vào tâm dịch
Tròn 10 năm gắn bó với nghề báo, đến thời điểm hiện tại với nhà báo Lê Bảo (báo Gia đình & Xã hội) thì chuyến công tác vào tâm dịch Đà Nẵng là đặc biệt, đáng nhớ và cũng tự hào nhất. Bởi, không phải ai cũng được may mắn chứng kiến, tác nghiệp trong một hoàn cảnh thật đặc biệt như thế.
Nhà báo Lê Bảo nhớ lại, chiều ngày 7/7/2020, lần đầu tiên anh bước vào khu vực điều trị đặc biệt dành cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để tác nghiệp. Nếu đợt dịch 1 tại Hà Nội, anh chỉ vào khu vực cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, mặc bộ đồ bảo hộ bình thường thì tại đây, lần đầu anh được mặc bộ đồ phòng dịch chuyên dụng.
Trời nắng nóng, bộ đồ kín mít từ đầu đến chân, khi còn chưa mặc xong thì toàn thân đã ướt đẫm mồ hôi. Thế mới biết, các nhân viên y tế phải chịu vất vả thế nào suốt nhiều giờ đồng hồ trong bộ đồ “xông hơi” ấy để điều trị bệnh nhân! Khi mặc bộ đồ trên mình anh mới hiểu được vì sao nhiều nhân viên y tế tại Đà Nẵng bị ngất xỉu sau khi cởi bỏ bộ đồ bảo hộ.
Nhung nguoi “cam but” di thang vao tam bao COVID-19-Hinh-2
Nhà báo Lê bảo - Báo Gia đình & Xã hội trong lần tác nghiệp tại khu điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, để nhận ra nhau, mọi người sẽ được ghi tên mình lên trước ngực và sau lưng. Bộ đồ của anh được một nữ nhân viên y tế viết nắn nót “PV Bảo”! Cứ thế, nhà báo Lê Bảo cùng các y bác sĩ đi thẳng vào tâm dịch.
Bác sĩ Trần Thanh Linh (BV Chợ Rẫy) dẫn anh vào khu điều trị, tại đây lần đầu được tận mắt chứng kiến các thầy thuốc thăm khám, điều trị cho bệnh nhân COVID-19. “Tách…tách…tách…” tiếng máy ảnh kêu liên hồi, bàn tay anh hơi run run!
“Tôi sợ! sợ không biết mình có bỏ lỡ khoảnh khắc nào hay không?” – nỗi sợ đầy trách nhiệm với nghề của nhà báo 10 năm cầm bút.
“Thực lòng mà nói, có những lúc tôi lo sợ và nghĩ đến tình huống xấu nhất là chẳng may bị lây nhiễm. Nhưng, liều thuốc tinh thần lớn nhất của tôi và đồng nghiệp trong suốt những ngày tác nghiệp tại Đà Nẵng là luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên của lãnh đạo Báo Gia đình & Xã hội, đồng nghiệp cũng như người thân trong gia đình” – nhà báo Lê Bảo nói.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, trực tiếp là Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, sự vào cuộc hết mình của đội ngũ thầy thuốc tăng cường từ các bệnh viện khắp cả nước đã giúp TP Đà Nẵng dần kiểm soát được dịch. Ngày 21/8/2020, nhà báo Lê Bảo cùng đồng nghiệp quay về Hà Nội sau kết quả âm tính. Ngày 23/9/2020, bệnh nhân mắc COVID-19 cuối cùng tại TP Đà Nẵng được xuất viện, nước mắt đã rơi trên mi anh và đồng nghiệp.
“Mỗi cá nhân là một chiến sĩ”
Trực tiếp tác nghiệp ở vùng dịch thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh vào tháng 3/2021, phóng viên Phạm Quốc Nam (Tạp chí điện tử Zingnews) chia sẻ: “Chúng tôi được lãnh đạo cơ qua quán triệt về các biện pháp phòng dịch, được trang bị đồ bảo hộ dung dịch sát khuẩn đầy đủ. Làm công tác tuyên truyền nên chúng tôi luôn hiểu rõ về công tác phòng dịch quan trọng như thế nào. Những ngày đầu bùng phát dịch, chúng tôi ở luôn trụ sở của các cơ quan chức năng để trực chiến, nhiều hôm đưa tin buổi tối, tham gia cùng lực lượng y tế truy vết vào nửa đêm”.
Phóng viên Quốc Nam chia sẻ: “Qua lần tác nghiệp này, tôi thấy việc an toàn tác nghiệp là điều quan trọng nhất, có đồ bảo hộ khi tác nghiệp sẽ giúp cho bản thân mình và người thân yên tâm. Mỗi cá nhân phải là một chiến sĩ, khi bản thân khỏe mạnh thì những người xung quanh mới an toàn được. Trải qua thời gian khó khăn này, anh em trong tòa soạn và đồng nghiệp càng hiểu nhau hơn, tích cực giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau nhiều hơn. Bản thân tôi cũng thấy mình được rèn luyện, nhanh nhạy và trưởng thành hơn rất nhiều”.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Triệu tập 3 đối tượng ở Thanh Hóa ném chất bẩn vào nhà Phóng viên

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp


Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)