Những anh hùng thầm lặng mang tên "Biệt đội hỗ trợ nhân dân"

Google News

Khi ánh đèn đường vừa lên cũng là lúc họ khoác lên mình trang phục của đội SOS tham gia biệt đội hỗ trợ nhân dân đến sáng hôm sau.

Quốc lộ 51 đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai từng là nỗi khiếp sợ của của những người đi đường bởi tình trạng cướp giật, đinh tặc và tai nạn nghiêm trọng. Tuy nhiên, từ khi Biệt đội hỗ trợ nhân dân Quốc lộ 51 - Đồng Nai (gọi tắt là SOS 117 - Đồng Nai) thành lập, tình trạng trên đã giảm đi rất nhiều.
Những thanh niên mê hoạt động xã hội
Đến từ nhiều nơi khác nhau, nhưng điểm chung của những thành viên Biệt đội SOS 117 - Đồng Nai là đều còn khá trẻ, chưa có gia đình và đam mê hoạt động xã hội để giúp người, giúp đời.
Nhung anh hung tham lang mang ten "Biet doi ho tro nhan dan"
Biệt đội SOS 117 - Đồng Nai đi tuần vào tất cả các tối trong tuần, bắt đầu từ 21h đến sáng hôm sau. 
Nhiều năm trước, các thanh niên ở các lứa tuổi khác nhau đã tập trung lại thành lập một nhóm chuyên đi hút đinh dọc Quốc lộ 51. Sau một thời gian hoạt động, thành viên trong nhóm là anh Nguyễn Hữu Lợi (26 tuổi, trú phường Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng nai) cảm thấy cần mở rộng hoạt động, không chỉ gói gọn trong việc hút đinh mà cần hỗ trợ, giúp đỡ người đi đường gặp sự cố, bị tai nạn giao thông.
Thế rồi anh kêu gọi những người bạn của mình thành lập một đội chuyên hỗ trợ người gặp sự cố trên đường, ban đầu đội chỉ có vài người, đến nay đội đã có 14 thành viên chính thức và trở nên quen thuộc với nhiều người thường xuyên lưu thông trên Quốc lộ 51.
Anh Lợi cho biết: "Ngày trước mình là thành viên đội hút đinh tình nguyện Quốc lộ 51, trong lúc tham gia việc hút đinh mình thấy có nhiều tai nạn giao thông, nên mình đã thành lập ra đội để hỗ trợ bà con khi gặp sự cố giữa đêm khuya".
Nhung anh hung tham lang mang ten "Biet doi ho tro nhan dan"-Hinh-2
Đội SOS 117 sửa xe cho người đi đường khi xe của họ gặp sự cố. 
Để hoạt động hiệu quả và thuận lợi, đội SOS đã tự chuẩn bị những dụng cụ để hút đinh, sửa chữa xe và trang phục chuyên dụng. Ngoài ra, các anh còn tự trang bị kiến thức về sơ cứu người bị thương, bảo vệ hiện trường các vụ tai nạn nhằm hỗ trợ lực lượng chức năng khi cần thiết.
Chia sẻ về việc tham gia đội, anh Phạm Văn Lắm Hòa (32 tuổi) kể: "Mình theo dõi facebook Lợi từ lâu rồi, nghĩ sao trên đời lại có người tốt đến vậy. Sau đó, mình liên lạc với Lợi xin gia nhập đội, và mình làm đến giờ là khoảng hơn 5 tháng. Ban ngày mình chạy xe ben, tối đến là ra lại đây chờ đến 21h đi tuần với đội".
Cũng giống anh Hòa, tất cả các thành viên trong biệt đội đều có công việc ổn định. Ban ngày, họ đi làm để kiếm tiền mưu sinh, nhưng khi ánh đèn đường vừa lên cũng là lúc họ khoác lên mình trang phục của đội SOS tham gia hỗ trợ người dân đến sáng hôm sau.
Địa bàn hoạt động của đội từ ngã ba Nhơn Trạch về ngã ba Vũng Tàu, lên đến cầu Đồng Nai, với chiều dài 33km. Cứ đúng 21h, các anh lại rong ruổi trên tuyến đường đã định, bất cứ nơi nào có tai nạn hay xe bị hư hỏng, chỉ cần gọi vào số điện thoại đường dây nóng của đội, lập tức sẽ có người đến hỗ trợ, không kể nắng mưa hay thời gian.
"Chúng tôi giúp bà con hoàn toàn miễn phí và bằng cái tâm của mình, chỉ cần gọi điện đến chúng tôi sẽ giải quyết nhanh chóng nhất có thể", anh Hòa nói.
Khó khăn vẫn làm
Không chỉ có vài trường hợp hiếm hoi, mà 33km dọc tuyến Quốc lộ 51 thường xuyên có tình trạng người đi đường phải dắt bộ vì xe thủng săm hay tai nạn giao thông liên tục. Tất cả những sự cố đó chủ yếu đến từ nạn "đinh tặc" đã tồn tại từ lâu trên địa bàn.
"Nhiều khi họ đang đi mà xe dằn phải đinh, nhiều người tay lái yếu chạy không vững rất dễ bị tai nạn. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên thực hiện các đợt ra quân hút đinh, số đinh thu về nhiều vô kể", anh Hòa chia sẻ.
Nhung anh hung tham lang mang ten "Biet doi ho tro nhan dan"-Hinh-3
Anh Nguyễn Hữu Lợi nghe điện thoại "cầu cứu" từ 1 người dân, đường dây nóng của đội luôn mở để mọi người có thể dễ dàng liên lạc. 
Riêng anh Lợi đã nhiều lần bị đe dọa, bị dằn mặt nhưng với mong muốn góp một phần sức lực cho sự bình yên của quê hương, chưa bao giờ anh có ý định bỏ cuộc. Để tránh nguy hiểm khi đối đầu với "đinh tặc", cũng như tiện hỗ trợ nhau khi có nhiều trường hợp cần giúp đỡ, mỗi lần đi tuần hay hút đinh, các anh đi theo nhóm 6 đến 8 người.
Bằng sự dũng cảm cũng như tinh thần quyết tâm của anh em trong đội, mọi thứ dễ dàng hơn so với giai đoạn đầu, nhưng khó khăn phía trước vẫn còn chồng chất. "Khó khăn vẫn còn nhiều, lực lượng thì mỏng mà đường lại dài nên nhiều khi anh em rất vất vả, chuyện thức trắng đêm là bình thường.
Rồi thiếu thốn về cơ sở vật chất khi chúng tôi hỗ trợ hoàn toàn miễn phí, chỉ những trường hợp phải thay ruột xe thì đội mới lấy 50 ngìn bằng tiền mua ruột chứ không tính công. Dù vậy, anh em vẫn động viên nhau cố gắng, khó khăn mấy vẫn làm", anh Lợi chia sẻ.
Anh Lực, một thành viên trong đội tâm sự: "Hồi xưa có đợt mình đi làm trên quận 7, tối không về đi tuần với anh em được cảm thấy bứt rứt, khó chịu lắm. Nhiều khi vất vả nhưng đam mê mà, không thể bỏ được".
Độ tuổi còn trẻ, nhưng bằng trách nhiệm với xã hội và đam mê giúp người, các anh như những siêu nhân trên đường, âm thầm xuất hiện bất cứ lúc nào người dân cần mà không một lần đòi hỏi quyền lợi cho mình.
Nhung anh hung tham lang mang ten "Biet doi ho tro nhan dan"-Hinh-4
Các anh vẫn thường tổ chức các đợt ra quân để thu gom đinh rải trên đường. 
Chia sẻ về mô hình của Đội SOS 117, anh Nguyễn Hữu Lợi cho biết, đây là một mô hình khá mới tại Việt Nam. "Nó giống lực lượng phản ứng nhanh của nước ngoài vậy, SOS là hỗ trợ khẩn cấp, còn 117 là số đuôi điện thoại của đội.
Thời gian tới mình hy vọng mô hình sẽ được mở rộng ở nhiều địa phương để người đi đường yên tâm hơn, thanh niên địa phương cũng có nơi để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng", anh Lợi chia sẻ.
Theo Nhật Linh - Thy Tuệ/VTC News

>> xem thêm

Bình luận(0)