Gần 3 tháng nay, nhiều người dân ở khu xóm trọ gần khu vực cổng Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) không khỏi xót thương mỗi khi nhắc đến hoàn cảnh của đôi vợ chồng trẻ là anh Vũ Văn Thành (SN 1988) chị Đỗ Thị Vui (SN 1996, trú tại thôn 4, xã Quảng Vọng, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) hàng tuần nay phải chạy vạy xin sữa nuôi con.
Nuốt nước mắt về quê xin từng bình sữa
Clip anh Thành chia sẻ về hành trình bắt xe về quê xin sữa nuôi hai con nhỏ.
Theo chia sẻ của anh Thành, năm 2014 anh và chị Vui kết hôn, nhưng mãi 4 năm sau vợ chồng anh mới có tin vui khi bác sĩ thông báo vợ anh mang thai 3 tự nhiên. Sau 29 tuần mang thai, đến ngày 26/2/2018 chị Vui sinh được ba cháu tại bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, lần lượt nặng 1,2kg, cháu thứ 2 nặng 1kg và cháu út nặng 0,7kg.
Tuy nhiên, do các cháu đều sinh non, đề kháng yếu, bị nhiễm trùng máu, không ăn được sữa mẹ nên gia đình đã chuyển cả ba sang Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục điều trị.
|
Anh Vũ Văn Thành chia sẻ với PV Kiến Thức. |
“Hơn nửa tháng sau, bác sĩ cho biết tình trạng các con tôi nặng hơn nên các cháu chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Một ngày sau khi ra đến Bệnh viện Nhi Trung ương thì cháu đầu mất, bác sĩ bảo lúc đi trên xe thì cháu đã ngừng hô hấp, tim ngừng đập rồi. Dù rất đau đớn nhưng tôi phải chấp nhận để ông bà đưa cháu về quê lo hậu sự", anh Thành kể.
Theo anh Thành, hai cháu còn lại, bác sĩ cũng trao đổi thẳng thắn là đều nhiễm trùng máu nặng, tiên lượng xấu. May mắn sau liệu trình 13 ngày điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương hai cháu được các bác sĩ tiêm thuốc, tận tình cứu chữa nên giờ đây sức khỏe đang dần ổn định trở lại. Đến ngày 4/5 hai cháu được ra viện, nhưng phải ở khám định kỳ”.
Điều đáng buồn hơn là khi hai con nhỏ của anh Thành đang dần phục hồi sức khỏe thì chị Vui lại bị mất sữa. Để có sữa cho con ăn hàng ngày anh Thành phải chạy khắp nơi xin từng giọt sữa cho con.
|
Ngồi phía sau nghe chồng chia sẻ câu chuyện gia đình mình, chị Vui thỉnh thoảng lấy tay gạt nước mắt mà thương chồng, thương con. |
“Ở ngoài này, các mẹ có con ở viện ai cũng muốn xin sữa cho con nên xin rất khó. Cứ khoảng 4 đến 5 ngày tôi lại phải bắt xe khách từ Hà Nội về quê ở Thanh Hóa, tìm đến các gia đình có người vừa sinh để xin sữa, rồi để vào tủ đông sau đó mang ra Hà Nội cho con”, anh Thành ngậm ngùi chia sẻ.
Trong suốt những ngày qua, anh Thành không còn nhớ mình đã lên bao nhiêu chuyến xe từ Hà Nội để về quê xin sữa, rồi lại mang sữa từ quê ra Hà Nội cho con.“Lần tôi xin được cho con ăn nhiều nhất là 7 ngày, ít nhất là 4 ngày. Những người tôi xin ở quê, khi nghe tôi chia sẻ hoàn cảnh họ đều thương và hứa giúp đỡ đến lúc nào thì hay lúc đó. Dù biết chặng đường phía trước còn vô vàn khó khăn nhưng hai vợ chồng chúng tôi sẽ cố gắng để giành giật sự sống cho hai con”, anh Thành chia sẻ.
Anh Thành cho biết, do phải ăn sữa ngoài, trong khi các cháu hấp thu kém nên các cháu đi ngoài rất khó khăn. Đến ngày mai (7/5), anh Thành lại hành trình lên xe khách về quê xin sữa cho con.
Cắm sổ đỏ vay tiền để chữa trị cho con
Theo chia sẻ của anh Thành, từ thời điểm vợ anh sinh con cho đến nay gia đình đã phải mượn anh chị em, bạn bè số tiền lên tới khoảng 120 triệu đồng. Đến nay, gia đình tiếp tục cắm sổ đỏ để vay tiền ngân hàng để lo cho con đến khi nào các cháu sức khỏe ổn định mới thôi.
|
Dù có vất vả đến mấy anh Thành cho biết, sẽ cố gắng để giành giật sự sống cho con. |
|
Anh Thành không ngại vất vả bắt từng chuyến xe về quê xin sữa nuôi con. |
“Mọi ngày tôi làm thợ hàn, vợ làm công nhân may. Thu nhập trung bình cả hai vợ chồng một tháng được khoảng 7 triệu đồng. Trước kia gia đình cũng không mấy khó khăn, nhưng từ thời điểm điều trị vô sinh cho vợ, tới lúc vợ mang thai và sinh các cháu đến bây giờ gia đình mới khó khăn như thế này”, anh Thành ngậm ngùi chia sẻ.
Ngồi trong phòng trọ nghe chồng chia sẻ câu chuyện, chị Vui (vợ anh Thành) thỉnh thoảng lại lấy tay gạt nước mắt thương chồng, thương con.
“Lúc tôi còn ở trong bệnh viện, thỉnh thoảng nghe mọi người nói con ăn sữa của bố (do chồng đi xin sữa nuôi con) tôi lại thấy lòng quặn thắt. Tôi mong hai con mau chóng khỏe mạnh để tôi sớm về quê thắp cho con cả nén nhang. Tôi hy vọng con trai ở thế giới bên kia sẽ hiểu được nỗi lòng của chúng tôi”, chị Vui vừa nói vừa khóc.
Chia sẻ với PV, về hoàn cảnh của gia đình anh Thành, ông Ngô Sỹ Ân -Trưởng thôn xóm 4 (xã Quảng Vọng, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) – cho biết: “Ở địa phương gia đình anh Thành đang ở tạm trong ngôi nhà cấp 4, công ăn việc làm thu nhập cũng không ổn định. Từ khi chị Vui chữa trị bệnh để có thể mang thai thì hoàn cảnh lâm vào khó khăn như bây giờ”.