Mùa tuyển sinh năm 2018, các nhóm ngành dự kiến sẽ thu hút nhiều thí sinh đăng ký do nhu cầu nguồn nhân lực lớn, bao gồm: Công nghệ thông tin, nhóm ngành khoa học xã hội, nhóm ngành ngôn ngữ và một số ngành tiêu biểu khác.
Bài toán kinh tế trong việc chọn ngành
Theo một số chuyên gia, việc học Cao đẳng, Đại học như một quá trình đầu tư sinh lợi. Sinh viên và gia đình sẽ đầu tư một khoản tiền với khoảng thời gian thích hợp để thu lại một lượng kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.
Quá trình này mang lại hiệu quả kinh tế hay trở thành rủi ro đều liên quan đến việc sinh viên chọn lĩnh vực nào để đầu tư. Hay nói cách khác là chọn ngành học phù hợp.
|
Học ngành gì để ra trường dễ xin việc là mối bận tâm chung của phụ huynh và học sinh - Ảnh: Đại học Văn Hiến.
|
Ông Jeff Strohl - Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Đại học Georgetown về Giáo dục và Lực lượng lao động (Hoa Kỳ) phát biểu: "Quyết định mình sẽ học chuyên ngành nào rất quan trọng. Nó không những ảnh hưởng đến chi phí giáo dục mà còn ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp sau này của chính sinh viên đó".
Liên hệ thực tế tại thị trường lao động Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thị trường lao động quý 1 năm 2018 có dấu hiệu khởi sắc, sinh viên ra trường dễ tìm kiếm được công việc đúng chuyên môn.
|
Sinh viên tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội việc làm trong thời gian tới - Ảnh: Đại học Văn Hiến.
|
ThS (nghiên cứu sinh) Nguyễn Duy Cường - Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Văn Hiến cho biết: "Những năm gần đầy, số lượng sinh viên tốt nghiệp tại trường có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn. Xuất phát từ việc các em chủ động hơn trong quá trình tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, nhà trường đã thiết lập kênh liên kết với các doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội được trải nghiệm các học kỳ doanh nghiệp khi còn đi học, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho nhà tuyển dụng ngay khi vừa ra trường."
Điểm danh một số ngành học dễ xin việc sau khi tốt nghiệp
Việc chọn ngành nghề của học sinh lớp 12 hiện nay chịu tác động của nhiều yếu tố. Trong đó, chọn nghề theo nhu cầu cấp bách của xã hội là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu.
Thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết trong giai đoạn tới, yêu cầu nguồn nhân lực ở nước ta vẫn đang cấp thiết ở các nhóm ngành: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ kỹ thuật, kinh tế dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, văn hóa - thể dục - thể thao, công nghệ cao trong công nghiệp.
Bên cạnh đó, thí sinh có thể tham khảo một số ngành nghề dễ kiếm việc làm khi ra trường dưới đây:
Nhóm ngành công nghệ
Cơ hội việc làm của các sinh viên thuộc khối ngành công nghệ khi ra trường luôn rộng mở với mức lương khởi điểm khá cao và nguồn thu nhập ổn định.
Thí sinh chọn theo học nhóm ngành công nghệ sẽ có nhiều sự lựa chọn trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử truyền thông, tự động hóa, điện - điện tử….
Em Nguyễn Hoàng Phúc (học THPT tại TP.HCM) cho biết: "Em có thế mạnh các môn khoa học tự nhiên nên có dự định chọn các ngành học như: Công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử - truyền thông, tự động hóa… để theo học. Theo em biết, những nghề này rất dễ xin việc khi ra trường".
Nhóm ngành xã hội
Quan niệm học các ngành xã hội sẽ khó xin việc khi ra trường đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Các ngành tâm lý học, xã hội học, công tác xã hội…dần trở thành xu hướng và sự lựa chọn tối ưu cho những thí sinh đam mê lĩnh vực xã hội.
|
Nhiều nhóm ngành xã hội trở thành những ngành nổi bật cho các thí sinh khi lựa chọn - Ảnh: Đại học Văn Hiến.
|
ThS Nguyễn Duy Hải - Phó trưởng Khoa - Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Văn Hiến cho biết: "Nhu cầu nguồn nhân lực đối với nghề tư vấn tâm lý rất lớn. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có thể công tác tại nhiều đơn vị khác nhau: Các cơ sở giáo dục, các trung tâm tư vấn tâm lý, viện nghiên cứu…Mức lương và chế độ phúc lợi đối với ngành nghề này cũng không thua kém gì những ngành nghề khác nếu các em thực sự dấn thân".
Ngành Marketing
Các doanh nghiệp đều cần đến bộ phận marketing để hỗ trợ hoạt động kinh doanh diễn ra một cách hiệu quả. Các công ty truyền thông, quảng cáo liên tục ra đời nhằm đáp ưng nhu cầu cấp thiết của thị trường hiện nay.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, từ nay đến năm 2020, nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành Marketing lên đến hơn 10.000 lao động mỗi năm. Đó là lý do lượng thí sinh chọn ngành Marketing tăng đột biến trong những năm gần đây.
Nhóm ngành quản trị
Có thể liệt kê những ngành tiêu biểu nổi bật trong nhóm ngành quản trị bao gồm: Quản trị kinh doanh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn…Sự phát triển của ngành công nghiệp không khói đã tạo điều kiện cho nguồn nhân lực trong lĩnh này phát triển vượt bậc. Trong lĩnh vực du lịch, nhu cầu nguồn nhân lực làm việc trong những môi trường chuyên nghiệp chất lượng cao vẫn không ngừng tăng lên.
Chị Nguyễn Kim Phượng - cựu sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành Đại học Văn Hiến cho biết: "Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Đây là ngành kinh tế trọng điểm ở nước ta. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng trong các ngành quản trị kinh doanh, quản trị trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch… vẫn sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới".
Nhóm ngành ngôn ngữ
Xu thế toàn cầu hóa đã nối liền khoảng cách không gian và thời gian giữa các quốc gia. Từ đây, các ngành ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Trung, ngôn ngữ Pháp… là sự lựa chọn khôn ngoan cho các thí sinh đam mê ngôn ngữ. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở các vị trí biên tập viên, phiên dịch viên, giảng viên hoặc nhiều vị trí ngành nghề quan trọng trong các tập đoàn đa quốc gia.
Có thể thấy, việc thí sinh chọn học ngành gì để dễ kiếm việc làm khi ra trường không còn là câu trả lời quá khó khăn trong thời đại hội nhập hiện nay.