|
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Trong ảnh: Một hộ kinh doanh cá thể tại Đà Nẵng. |
Nên hay không việc đưa “hộ kinh doanh” vào luật
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới). Luật này sửa đổi tại 66 điều; bãi bỏ 2 điều; bổ sung 8 điều và 1 chương (chương VIIa, gồm 5 điều, về Hộ kinh doanh) với các nội dung về: Đăng ký doanh nghiệp; Quản trị Cty trách nhiệm hữu hạn và Cty cổ phần; doanh nghiệp Nhà nước; hộ kinh doanh; tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Ủy ban Kinh tế của QH cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính tương thích với một số quy định của các luật mới ban hành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật.
Ủy ban Kinh tế của QH nhận thấy việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Trong thực tiễn, hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh cùng tồn tại với các loại hình Cty và doanh nghiệp khác và người dân có quyền lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh).
Một số ý kiến nhất trí với dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, trong đó bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh, khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu quan điểm, việc đưa loại hình “hộ kinh doanh” vào luật sẽ giúp quản trị và phát triển các hộ này theo hướng chuyên nghiệp và bền vững hơn. Các đối tượng hộ kinh doanh được đưa vào luật phải là những hộ có quan hệ lao động.
Không đồng tình với đại biểu Hoàng Văn Cường và một số đại biểu khác về việc bổ sung một chương về hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình, tên gọi Luật Doanh nghiệp có nghĩa là điều chỉnh toàn bộ quá trình thành lập, hoạt động, giải thể liên quan đến doanh nghiệp, nhưng hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp. Nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào dự án Luật thì tên gọi của luật nên là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Đại biểu nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH là không nên đưa hộ kinh doanh vào luật mà có một nghị định riêng. Sau một thời gian thực hiện, nếu nghị định này có hiệu lực và hiệu quả về mặt pháp luật và thực tiễn sẽ nâng lên thành một luật riêng về kinh tế hộ gia đình.
Về việc “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”
Cùng ngày, QH nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và thảo luận tại tổ về dự án Luật. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Dự thảo Luật sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014 nhằm xử lý một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư.
Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của QH nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư.
Về việc đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Điều 6 dự thảo Luật, có hai loại ý kiến. Thứ nhất là tán thành Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đồng thời, đề nghị có quy định xử lý chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay, làm rõ tác động và phương án xử lý đối với các doanh nghiệp này trong dự thảo Luật. Thứ hai là không nên đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Ủy ban Kinh tế của QH nhận thấy việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm TTATXH, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Vì vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương, kinh doanh có điều kiện, dù được quản lý chặt nhưng rất dễ nảy sinh những biến tướng như kinh doanh cầm đồ, Cty cho vay tài chính, cho vay hỗ trợ sinh viên... Bản chất những loại hình này là cho vay nặng lãi, có hoặc không có giấy tờ cũng được cầm đồ. “Nếu ta quản lý không chặt chẽ, những loại hình này sẽ trở thành mầm mống sinh tội phạm, đằng sau đó chính là xã hội đen”, đại biểu Bùi Văn Phương nói. Từ nhận định trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo đánh giá kỹ hiệu quả KT-XH, ANTT xã hội đối với nội dung kinh doanh có biểu hiện biến tướng trên.