Chiều 31-3, ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An (Phú Yên), cho biết các lực lượng chức năng cùng người dân địa phương đang tìm kiếm hai ngư dân bị mất tích do tàu chìm. Hai người mất tích là ông Nguyễn Sam (40 tuổi), cháu Trần Văn Thiện (14 tuổi, cùng ngụ xã An Hòa Hải, huyện Tuy An).
Cũng theo ông Khoa, sóng lớn gió mạnh đã đánh chìm 33 tàu thuyền ở địa phương này. Trong đó, nhiều nhất là xã An Hòa Hải với 27 chiếc, còn lại là xã An Chấn. An Ninh Đông.
Người dân cùng lực lượng bộ đội nỗ lực trục vớt, kéo tàu thuyền bị chìm ở Phú Yên vào bờ. Ảnh: CTV
Ông Khoa thông tin: Mưa to sóng lớn cũng gây thiệt hại nặng đối với hoạt động nuôi thủy sản ở huyện Tuy An.
Bước đầu ghi nhận có hơn 2.000 lồng, 600.000 con tôm ươm ở xã An Hòa Hải bị sóng đánh vỡ, mất trắng; hơn 100 bè nuôi tôm hùm ươm ở xã An Ninh Đông bị trôi dạt vào bờ, hư hỏng nặng, ước thiệt hại khoảng 125 tỉ đồng.
Người dân xã An Phú, TP Tuy Hòa, Phú Yên trục vớt, kéo tàu thuyền bị chìm vào bờ. Ảnh: CTV
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết hiện đã có hơn 90 tàu thuyền đánh cá ở tỉnh này bị sóng biển đánh chìm.
Trong đó, xã An Phú, TP Tuy Hòa bị thiệt hại nặng nhất với 30 tàu thuyền. Mưa to gió mạnh bất thường cũng đã làm hơn 10.380 ha lúa đông xuân ở tỉnh này bị ngập nước, ngã đổ, có nguy cơ mất trắng.
Xã An Phú, TP Tuy Hòa có đến hơn 30 tàu thuyền bị chìm. Ảnh: MINH KHÔI
Theo ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, mưa to, lốc xoáy như hiện nay là rất bất thường đối với Phú Yên trong nhiều năm qua.
Mặc dù đã được cảnh báo, người dân có biện pháp phòng ngừa như hạ lồng nuôi tôm hùm xuống đáy, kéo ghe thuyền vào nơi neo đậu nhưng nhưng thiệt hại vẫn rất lớn.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (thứ hai từ phải sang) kiểm tra tình hình thiệt hại do thiên tai tại xã An Hòa Hải, huyện Tuy An. Ảnh: MINH KHÔI
Hiện nay, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo nhiều tăng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Lực lượng bộ đội giúp ngư dân kéo tàu thuyền vào bờ ở Phú Yên. Ảnh: CTV
* Chiều 31-3, ông Nguyễn Ngọc Ý, Phó ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho hay từ chiều 30 đến ngày 31-3, địa phương này có mưa to gió lớn, gây thiệt hại một số vùng.
Thống kê ban đầu đã có 25 tàu thuyền đang neo đậu bị chìm, hư hỏng nặng. Trong đó, xã Vạn Long 14 chiếc, còn lại là xã Đại Lãnh. Chính quyền các địa phương đang huy động lực lượng trục vớt tàu thuyền bị chìm.
Sóng lớn đánh tàu thuyền dạt vào bờ ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Ảnh: THANH SƠN
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, do gió mạnh, sóng lớn bất ngờ lúc rạng sáng nên hầu hết người dân không kịp trở tay.
Nhiều tàu thuyền đang neo đậu tại cảng cá Đại Lãnh bị đứt dây neo, tấp vào bờ hư hỏng. Hiện nhiều tàu thuyền đang di chuyển đến tránh trú tại khu vực vịnh Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
* Trong khi đó ông Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn (Bình Định), cho biết có hơn 20 tàu thuyền đang neo đậu ở gần bờ địa phương này bị sóng lớn đánh chìm, có nguy cơ hư hỏng hoàn toàn.
Các lực lượng chức năng đang hỗ trợ người dân trục vớt tàu thuyền bị chìm, đưa vào bờ khắc phục.
Một chiếc thuyền bị sóng đánh vào bờ đá hư hỏng nặng ở TP Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: BẠCH DƯƠNG
Tại cửa biển ở TP Quy Nhơn, sóng lớn cuốn trôi, làm hư hỏng nhiều tàu cá, lồng bè nuôi thủy sản của người dân.
Theo UBND TP Quy Nhơn, mưa lớn kéo dài đã làm ngập lụt cục bộ một số khu vực thuộc phường Đống Đa. Đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng ngập lụt vào mùa khô ở các khu vực này.
UBND huyện Tuy Phước (Bình Định) cho biết mưa lớn kèm lốc xoáy đã làm gãy nhiều trụ điện, hư hỏng một số công trình, nhà dân ở địa phương này. Lốc xoáy bất ngờ đã làm bị thương hai người tại thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước.