1.343 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép
Mấy ngày qua, dịch COVID-19 hiện đã bùng phát trở lại ở nhiều địa phương và có diễn biến nhanh, phức tạp. Đáng chú ý, 1 số nguồn lây bắt nguồn từ những người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Trong các ca nhiễm mới đây có ca F0 là chuyên gia người Trung Quốc đã tiếp xúc và lây lan cho nhiều người.
Trong quá trình phòng, chống dịch bệnh, lực lượng chức năng cũng liên tục phát hiện nhiều nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, họ cư trú bất hợp pháp thành từng nhóm ở nhiều địa phương khác nhau. Điển hình những ngày qua, Hà Nội phát hiện nhiều vụ việc người Trung Quốc nhập cảnh với số lượng 64 người ở quận Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm, quận Hà Đông. Vĩnh Phúc cũng phát hiện 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, cư trú bất hợp pháp ở thành phố Vĩnh Yên…
|
Người Trung Quốc nhập cảnh trái phép được phát hiện ở Hà Nội. |
Một con số thống kê mới đây được Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cung cấp dựa trên báo cáo của công an 39/63 tỉnh thành, chỉ trong 4 tháng đầu năm có 199 vụ, với 1.343 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.
Hiện nay, các vụ việc nhập cảnh trái phép tại các địa phương đều được lực lượng công an khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Dư luận đặt câu hỏi về chế tài xử lý với các đối tượng này thế nào? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng như những giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên?
Chế tài pháp luật đầy đủ để xử lý
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập cảnh trái phép, trong đó chủ yếu là nhập cảnh để lao động bất hợp pháp và nhập cảnh để thực hiện các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia.
Luật sư Cường cho rằng, những đối tượng nhập cảnh trái phép có thể làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam.
Ông cho rằng, hiện pháp luật có đầy đủ chế tài để xử lý các hành vi liên quan nhập cảnh trái phép.
Đối với những hành vi vi phạm quy định về nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự kèm theo hình phạt bổ sung là trục xuất khỏi Việt Nam.
Với hành vi nhập cảnh trái phép, cư trú trái phép sẽ bị xử phạt hành chính với người cư trú trái phép theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy trong số người nhập cảnh trái phép đã có người từng bị xử phạt hành chính về hành vi nhập cảnh phải ở lại Việt Nam trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 347 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức phạt có thể lên đến 3 năm tù.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng phát hiện nhóm đối tượng này sang Việt Nam để thực hiện các hoạt động tội phạm thì tùy vào hành vi cụ thể mà sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm mà các đối tượng đã và đang thực hiện.
Đối với người tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 348 Bộ luật hình sự năm 2015 mà không có chế tài hành chính. Với hành vi môi giới, tổ chức cho từ 11 người nhập cảnh trái phép, người vi phạm có thể đối mặt với mức hình phạt lên đến 15 năm tù.
Ngoài ra, những người này không tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh, cách ly y tế nên cũng sẽ bị xử phạt hành chính về vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh. Trường hợp những người này dương tính với COVID-19 mà làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015.
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan công an cần làm rõ các đối tượng này sang Việt Nam nhằm mục đích gì, có phải là nhóm đối tượng thực hiện hoạt động tội phạm công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản hay không. Đồng thời cho rằng, việc người nước ngoài nhập cảnh, cư trú trái phép ở Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch bệnh, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng mà còn có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, việc phát hiện, xử lý nhanh chóng, triệt để là cần thiết.
Trách nhiệm của ai?
Bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an khi nói về trách nhiệm để người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã cho rằng, thứ nhất là của lực lượng bảo vệ biên giới, thứ hai là của các đơn vị chức năng từ Trung ương đến địa phương.
Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho biết, việc này cần vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bởi người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn mang mầm bệnh, nguy cơ dịch bệnh rất lớn, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Việt Nam. Do đó, chúng ta phải ngăn chặn một cách quyết liệt.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, khó có thể gắn trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong việc quản lý tại địa bàn nơi phát hiện các đối tượng nhập cảnh cư trú bất hợp pháp mà cần phải quy trách nhiệm cho lực lượng công an cấp cơ sở, nhất là công an khu vực.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
“Đây là trách nhiệm rất lớn của lực lượng này, đặc biệt là cảnh sát khu vực và trưởng công an phường nơi có các đối tượng người Trung Quốc cư trú bất hợp pháp. Trách nhiệm của anh làm gì, làm thế nào để nhiều người nhập cảnh cư trú bất hợp pháp mà không phát hiện sớm. Đối với các đối tượng môi giới cần phải trừng trị thích đáng, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng cũng cần kiểm điểm cảnh sát khu vực, trưởng công an phường” – đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Kiểm tra, rà soát trên phạm vi toàn quốc là cần thiết
Ngày 4/5, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát trên phạm vi toàn quốc đối với tất cả những người nước ngoài nhập cảnh để phát hiện người nhập cảnh trái phép.
Trung tướng Tô Ân Xô nói rằng, đối với những người nhập cảnh trái phép nếu không mắc COVID-19 sẽ được đưa trở lại nơi xuất phát. Những nhà nghỉ không thực hiện đúng các quy chế có thể rút giấy phép hoạt động, xử phạt hành chính, thậm chí là xử lý hình sự.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 4/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, người nhập cảnh. Thời gian tới, chúng ta sẽ triển khai đợt cao điểm rà soát tất cả người nhập cảnh theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” không được bỏ sót.
Phó Thủ tướng kêu gọi là lực lượng công an, bộ đội biên phòng, chính quyền, đoàn thể tất cả các tỉnh biên giới tiếp tục tăng cường kêu gọi nhân dân tiếp tục cùng với chính quyền quản lý thật tốt, không để nhập cảnh trái phép xảy ra, gây họa cho cộng đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt giữ 5 người từ Campuchia lội sông nhập cảnh trái phép vào Việt Nam
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.