Lưu giữ văn hóa làng nghề trăm năm
Được hình thành từ hơn trăm năm trước, làng chài Phước Hải (nay là thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có thể xem là làng chài thuộc dạng cổ xưa hàng đầu trong khu vực phía Nam và cũng là làng nghề biển lâu đời nhất của Bà Rịa – Vũng Tàu còn tồn tại và giữ nguyên được nhiều nét đặc trưng cho đến ngày hôm nay.
|
Thuyền thúng – nét đặc trưng của nghề biển tại Phước Hải (Ảnh tư liệu) |
Gắn bó với biển (hơn 70% dân số sống bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản) và biển cũng đã mang lại cuộc sống ấm no cho con người, vì vậy cư dân Phước Hải bao đời nay luôn biết ơn biển. Biển không chỉ mang lại những giá trị vật chất mà còn gắn liền với những nét đẹp văn hóa trong cuộc sống đời thường của người dân địa phương. Trong đó, đặc sắc nhất là các lễ hội dân gian gắn với đời sống tâm linh của người dân vùng biển.
Chính vì thế, nhằm lưu giữ những dấu ấn vật thể và phi vật thể của nghề cá tại Phước Hải nói riêng, huyện Đất Đỏ và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung, sau nhiều năm ấp ủ, nghiên cứu ... UBND huyện Đất Đỏ đã chính thức Quyết định triển khai xây dựng “Nhà truyền thống nghề cá tại thị trấn Phước Hải” trong khuôn viên nghĩa địa cá Ông, với diện tích 230 m2, tổng mức đầu tư dự án hơn 13,5 tỷ đồng từ ngân sách huyện; công trình được khởi công ngày 30/3/2022 và được cơ bản hoàn thành, bước đầu đưa vào hoạt động từ cuối năm 2023.
|
Ông Nguyễn Ngọc Thới, Vạn trưởng Dinh Ông Nam Hải thuyết minh cho các em học sinh nghe, về những giá trị của các hiện vật trưng bày trong Nhà truyền thống nghề cá Phước Hải. |
Ông Nguyễn Ngọc Thới, Vạn Trưởng Dinh Ông Nam Hải (thị trấn Phước Hải) cho biết, trước đây theo phong tục thì các đình, đền thờ các vị tiền hiền, Dinh Ông Nam Hải ... chính là nơi vừa sinh hoạt tín ngưỡng, vừa lưu giữ và lưu truyền cho thế hệ sau các văn hóa của cha ông. Tuy nhiên, với xã hội hiện đại ngày nay thì việc lưu giữ và truyền thừa văn hóa cũng cần có sự tiến bộ hơn kết hợp với truyền thống.
“Huyện Đất Đỏ đã quan tâm xây dựng được một nhà truyền thống khang trang, hiện đại, có thể xem như một bảo tàng thu nhỏ về nghề cá, về văn hóa biển... tôi thấy đó là điều rất đáng mừng, đáng quý. Chúng ta đã có một nơi để cho khách thập phương, đặc biệt là các con, cháu, thế hệ trẻ có thể dễ dàng đến tham quan, tìm hiểu về nghề biển, về những nét đẹp lao động của ông cha mình trong quá khứ”, Vạn Trưởng Dinh Ông Nam Hải Nguyễn Ngọc Thới chia sẻ.
Nhà truyền thống hiện trưng bày hơn 40 hiện vật theo từng giai đoạn phát triển của làng nghề cá Phước Hải, như: đèn măng xông, cân đồng, cân bàn, la bàn, cà mên đựng cơm, chong chóng quay cước, ghim ghềnh, đòn gánh, rổ đựng cá; đồng thời, phục dựng 1 chiếc đò gỗ thập niên 60, 1 chiếc xuồng buồm chèo thập niên 70, 1 chiếc sõng không có ca bin thập niên 80, 1 thúng câu mực thập niên 80, 1 chiếc ghe từ thập niên 90, cùng các ngư cụ ống câu mực, lưỡi câu kiều, tôm câu mực, bông câu mực, giỏ - khay đựng cá, lưới rê, neo...
Phát huy giá trị truyền thống
Đi vào hoạt động với thời gian không lâu, cùng bộn bề những khó khăn như: thiếu nhân lực chuyên môn, kinh phí hoạt động, công tác truyền thông, quảng bá... đặc biệt là việc sưu tầm bổ sung, phục dựng các hiện vật, hình ảnh... Tuy nhiên, bước đầu với sự chỉ đạo sát sao của huyện Đất Đỏ và nỗ lực của thị trấn Phước Hải cùng sự phối hợp, ủng hộ hết mình của các vị chức sắc Dinh Ông Nam Hải, các vị cao niên ở địa phương và bà con nhân dân, Nhà truyền thống nghề cá Phước Hải dần phát huy được giá trị, góp phần tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.
|
Các bạn trẻ say mê và thích thú khi được tận mắt nhìn thấy các hiện vật và được tìm hiểu về văn hóa biển truyền thống của quê hương. |
Bà Bùi Phương Thúy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Hải cho biết, thời gian qua, địa phương đã phối hợp với các hội đoàn thể, trường học trên địa bàn tổ chức hàng chục buổi ngoại khóa, sinh hoạt cho các em thiếu nhi, học sinh tại địa điểm Nhà truyền thống nghề cá, nhằm giúp các em – thế hệ trẻ, tương lai của đất nước, hiểu thêm về văn hóa, lịch sử quê hương mình.
“Không gian trưng bày phong phú với nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh quý giá, mang lại cho người xem cái nhìn tổng quát về lịch sử hình thành, phát triển của làng chài Phước Hải. Từ khi đưa vào sử dụng, Nhà truyền thống nghề cá Phước Hải đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tham quan và học tập”, bà Bùi Phương Thúy - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Hải cho hay.
Em Nguyễn Hồng Mỹ Yến, học sinh trường THCS Minh Đạm (huyện Đất Đỏ) chia sẻ, “em rất vui và rất tự hào vì trong dịp hè năm 2024 này đã được tham gia sinh hoạt ngoại khóa và được các thầy cô tổ chức cho tham quan Nhà truyền thống nghề cá Phước Hải. Qua đây, em biết thêm được rất nhiều điều, đặc biệt là cha ông mình ngày xưa đã mưu sinh trên biển cực khổ, vất vả như thế nào để nuôi sống con cháu, dựng xây quê hương”.
Em Nguyễn Ngọc Trường An, một học sinh tại huyện Đất Đỏ bày tỏ, “em sinh ra và lớn lên tại Đất Đỏ. Em đã được các thầy cô cho đến tham quan tại Nhà truyền thống nghề cá và khu mộ cá Ông. Em được biết thêm nhiều điều về văn hóa, lịch sử của địa phương mình, qua đó thêm yêu quê hương đất nước, thêm động lực để học tập, rèn luyện bản thân”.
|
Ông Phan Văn Hảo – Chủ tịch UBND thị trấn Phước Hải chia sẻ với phóng viên về kế hoạch quản lý và phát triển Nhà truyền thống nghề cá trong thời gian tới. |
Được biết, để Nhà truyền thống nghề cá Phước Hải có thể hoạt động xuyên suốt, phát huy giá trị và ngày càng phát triển, UBND huyện Đất Đỏ đã ban hành Thông báo kết luận số 244/TB-UBND, thống nhất bàn giao Nhà truyền thống nghề cá cho UBND thị trấn Phước Hải quản lý và tổ chức hoạt động.
“Hiện nay, UBND thị trấn liên tục mở cửa sáng, chiều tất cả các ngày trong tuần để phục vụ người dân, du khách đến tham quan và học tập tại Nhà truyền thống nghề cá Phước Hải. Đồng thời, sẽ tiếp tục sưu tầm các hiện vật, tư liệu nghề cá để trưng bày tại Nhà truyền thống, nhằm giúp cho người dân hiểu thêm về truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương, góp phần gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Hải Phan Văn Hảo cho biết.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử, Nhà truyền thống nghề cá Phước Hải thực sự là địa chỉ đỏ để nhân dân đến tham quan, tìm hiểu, từ đó thêm yêu, thêm tự hào về làng nghề biển lâu đời nhất của Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đẩy mạnh học tập, lao động sáng tạo, đoàn kết để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.