Nguyên hiệu trưởng thả tiền xuống đất khi đổ xăng: Có đáng làm thầy?

Google News

Thả tiền xuống đất để trả tiền xăng, dù có lý giải do sợ dịch COVID-19, nguyên hiệu trưởng một trường THCS ở Đắk Lắk cũng khiến dư luận bức xúc đặt câu hỏi, có đáng làm thầy?

Thả tiền xuống đất khi trả tiền đổ xăng khiến nhân viên bán xăng phải cúi xuống nhặt. Hành vi phản cảm của ông Phan Văn A. – nguyên hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn huyện Ea H’leo, Đắk Lắk khiến không ít người bức xúc, phẫn nộ.
Nguyen hieu truong tha tien xuong dat khi do xang: Co dang lam thay?
 Hình ảnh vụ việc.
Lý giải về hành động của mình, nguyên hiệu trưởng nói rằng, việc thả tiền qua cửa kính xe ô tô là do sợ dịch bệnh COVID-19. Lo lắng của ông A. xuất phát từ việc mới đây, huyện Ea H’leo ghi nhận một ca mắc COVID-19 và cách cây xăng tầm 300 m có một trường hợp F1.
Theo lời ông A., sau khi xảy ra sự việc, ông nhận thấy hành vi của mình không đúng nên gọi người nhà đến xin lỗi nhân viên cây xăng. Bản thân ông đã nói chuyện qua điện thoại để xin lỗi nhân viên cây xăng.
Tuy nhiên, giải thích trên của nguyên hiệu trưởng không thuyết phục được dư luận.
Dù thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, mỗi công dân cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh. Song, hành động thả tiền qua cửa kính ô tô xuống đất để trả tiền xăng của nguyên hiệu trưởng là rất cực đoan, thái quá dẫn đến hành động phản cảm, thể hiện thái độ coi thường người lao động rất đáng lên án.
Xem kỹ đoạn clip ghi lại vụ việc, có thể dễ dàng nhận thấy hai hình ảnh trái ngược nhau. Tương phản với hành vi "ném" tiền qua cửa kính ô tô của tài xế vốn là một nhà giáo là hình ảnh nhân viên cây xăng dù rất bất ngờ và bất bình với cách hành xử của tài xế vẫn bình tĩnh cúi xuống nhặt tiền, đóng lại nắp bình xăng xe ô tô.
Có lẽ khi xem lại đoạn clip trên, nguyên hiệu trưởng sẽ vô cùng cảm thấy xấu hổ. Khi người dạy cho ông bài học về các ứng xử nơi công cộng một cách văn minh lại chính là người bị ông khinh khi, coi thường.
Xét ở góc độ của một nhà giáo, hành vi của nguyên hiệu trưởng là thiếu chuẩn mực và không đúng quy tắc ứng xử cũng như đạo đức nhà giáo.
Theo quyết định số 16 Bộ GD&ĐT ban hành năm 2008 quy định về đạo đức nhà giáo nêu rõ: Có lối sống hoà nhập với cộng đồng, phù hợp với bản sắc dân tộc và thích ứng với sự tiến bộ của xã hội; biết ủng hộ, khuyến khích những biểu hiện của lối sống văn minh, tiến bộ và phê phán những biểu hiện của lối sống lạc hậu, ích kỷ; Quan hệ, ứng xử đúng mực, gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và người học; Xây dựng gia đình văn hoá, thương yêu, quý trọng lẫn nhau; biết quan tâm đến những người xung quanh; thực hiện nếp sống văn hoá nơi công cộng…
Là một nhà giáo, từng giữ cương vị người đứng đầu cơ sở giáo dục, vốn là người dạy bao thế hệ học sinh về đạo đức, nhân cách làm người cũng như cách ứng xử với cộng đồng, lẽ ra ông A phải là tấm gương sáng nhưng lại có hành động ứng xử vô cùng kém văn minh, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của nghề giáo cao quý.
Hành động của ông A. cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng Bộ quy tắc ứng xử “Người Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện - Mến khách” khiến dư luận đặt câu hỏi có xứng đáng làm thầy, làm một công dân gương mẫu?
>>> Mời độc giả xem video Nguyên hiệu trưởng thả tiền xuống đất khi mua xăng:
 

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)