Gương mặt đờ đẫn, khóe mắt sưng húp sau một đêm nhận tin dữ, mẹ của hiệp sỹ Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Gò Vấp) từ chối trả lời tất cả các câu hỏi của phóng viên tại trung tâm pháp y TP.HCM, nơi tiếp nhận thi thể của con bà và một hiệp sỹ khác sau vụ việc kinh hoàng tối 13/5.
Điều duy nhất bà cứ nói đi nói lại khi tất cả ống kính của phóng viên hướng về phía mình là "Lúc nào tôi và gia đình cũng ngăn cản nó, nhưng nó nói nó thích cái nghề này thì biết làm sao bây giờ. Nó thích lắm, nó ưa cái nghề này lắm, nói nó mãi nó không nghe", bà Nhung mẹ của hiệp sỹ Nam chia sẻ.
|
Bà Nhung, mẹ của hiệp sỹ Nam đờ đẫn đứng chờ thi thể con trai. |
"Ảnh nói cưới em xong anh sẽ nghỉ bắt cướp"
Đứng bên cạnh mẹ Nam là Trang, bạn gái của anh. Từ lúc có mặt ở trung tâm pháp y để chờ nhận xác người yêu, Trang tách mình ra khỏi đám đông, ngồi một góc trong phòng chờ của Trung tâm. Đến khi nhận được thông báo thi thể của người yêu chuẩn bị được đưa lên xe về Đồng Nai an táng, cô mới bật khóc nức nở vì tất cả diễn ra trước mắt mình là thật.
Trang cho biết, tối hôm trước, Nam vẫn còn gọi điện cho cô hẹn đến đón đi chơi trễ vì bận đi gặp mấy người bạn trong nhóm hiệp sĩ Tân Bình. Và đó cũng là cuộc gọi cuối cùng mà Trang được nghe giọng Nam. "Anh nói gặp bạn một chút rồi sẽ về đón em, vậy mà.... Mấy lần em cũng khuyên ảnh nghỉ đi bắt cướp vì quá nguy hiểm, nhưng ảnh chỉ cười và nói cưới em xong anh sẽ nghỉ.", Trang nghẹn ngào chia sẻ.
Ngồi trên chiếc xe chở quan tài của Nam, Trang cứ hết gục đầu vào quan tài khóc nức nở rồi lại lấy tay xoa xoa vào quan tài như nói nhỏ "Giờ mình về nhà thôi anh nhé!". Gia đình Nam cho biết, thi thể anh sẽ được đưa về gia đình tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai để an táng.
|
" Mình về nhà thôi anh nhé!" |
"Tôi đưa con đến đây để nhìn ba nó lần cuối"
Đó là lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Thanh Dung, vợ cũ anh Nguyễn Văn Thôi, hiệp sỹ đường phố còn lại trong hai người bị băng trộm đâm chết tối qua. "Sáng sớm, tôi nhận được tin báo chồng cũ bị đâm, tôi cuống lên không kịp giải thích cặn kẽ cho con, chỉ hối con thay đồ thiệt nhanh để mẹ chở đến chỗ này gặp ba, ba bị người ta đâm chết rồi", chị Dung vừa ôm con vừa nói trong nước mắt.
Đạt, con trai của anh Thôi, chỉ mới 10 tuổi, cái tuổi có thể hiểu được nghĩa của câu "ba bị người ta đâm chết" nhưng chưa nhận thức rõ việc ba của em từ nay sẽ ra đi mãi mãi. Thấy có nhiều người vây quanh mình, Đạt nép sát vào mẹ và hỏi " Vậy từ giờ ba không đến đón con đi học nữa hả mẹ?"
Khi được phóng viên hỏi chuyện, em trả lời lí nhí "Con rất thương ba, ba hay đến đón con đi học. Ba con là một người dũng cảm vì ba thường hay đi bắt những người cướp trên đường".
Chị Dung cho biết, hai anh chị chia tay nhau từ khi Đạt mới 6 tháng tuổi, nhưng mỗi lúc rảnh, anh Thôi vẫn hay đến đón Đạt đi học và đi ăn nên tình cảm cha con rất thân thiết. Nghe tin dữ, chị cho con đến nhìn mặt ba lần cuối vì sau đó thi thể anh sẽ được đưa về quê ở Bình Định an táng.
Ở một góc khác, gần chục người thân của anh Thôi đang ngồi chờ để làm thủ tục nhận xác. Họ là cậu ruột, các anh chị em họ của anh Thôi đang sống và làm việc tại TP.HCM. "Ba mẹ của anh Thôi già cả, 70 tuổi rồi nên nghe tin anh ấy bị đâm chết không còn sức trụ vững để vào đây gặp anh ấy. Anh chị em tụi em phân công nhau trực từ tối qua giờ để chờ nhận xác ảnh. Hai bác ở ngoài quê thì liên tục gọi điện hỏi đã gặp được Thôi chưa con, tụi em nghe mà đau lòng quá!", chị Nguyễn Thị Phương, em họ của anh Thôi chia sẻ.
Trong ký ức của chị Phương, anh Thôi là người hiền lành, ít nói. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà anh phải rời quê Bình Định để vào TP.HCM mưu sinh. Trong những lần ít ỏi anh chị em gặp nhau ở quê, anh Thôi có nhắc đến việc mình đi bắt cướp nhưng cả chị Phương và những người khác trong họ hàng đều nghĩ anh nói đùa. "Ảnh nói đó là việc anh phải làm, tụi em không hiểu được đâu. Bây giờ khi ảnh ra đi vì chính công việc này, em mới thực sự hiểu công việc của ảnh nguy hiểm như thế nào".
Sau nhiều giờ chờ đợi làm thủ tục, vào lúc 14h30, thi thể anh Thôi cũng đã được đưa lên xe về với người thân ở quê nhà.