Người tù oan nửa thế kỷ: “Chỉ mong nhận được bồi thường trước khi mất“

Google News

Từ khi được tổ chức xin lỗi công khai vào tháng 8/2016, đến nay ông Trần Văn Thêm (82 tuổi) vẫn chưa được nhận tiền bồi thường.

Chỉ mong nhận được bồi thường trước khi mất
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, phóng viên có dịp đến thăm gia đình người tù oan Trần Văn Thêm (SN 1936, ở thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).
 Cụ ông 2 lần bị kết án oan ngày ngày chờ tiền bồi thường.
Sau gần nửa thế kỷ bị kết án oan về tội giết em họ, cướp của, ngày 11/8/2016, ông Thêm được minh oan, xin lỗi công khai.
Trong buổi trò chuyện với phóng viên, ông Thêm cho biết: "Sức khỏe tôi năm nay đã yếu quá rồi. Không biết có chờ đến ngày nhận tiền bồi thường nữa không? Đời tôi ở tuổi này chỉ mong sớm nhận được bồi thường oan sai trước khi nhắm mắt để đỡ đần con cháu bao năm phải gánh chịu nổi cơ cực. Đã gần 2 năm trôi qua, ngày nào tôi cũng mòn mỏi trông đến ngày được bồi thường. Không biết, khi tôi mất có được bồi thường nữa không?".
 Hằng ngày, mọi sinh hoạt của ông Thêm đều nhờ vào người thân.
Người thân trong gia đình cho biết, gia cảnh nghèo khó lại phải lo thêm tiền chữa bệnh cho ông nên khó khăn chồng chất. Gia đình chỉ trông chờ vào mấy mảnh ruộng, ban ngày vợ chồng phải đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống qua ngày, lo tiền thuốc thang cho ông. Chỉ mong cơ quan chức năng sớm bồi thường tiền ông Thêm để có thể đưa ông đi khám lại vết thương cũ tái phát mỗi dịp đông về.
Chờ giải quyết đến bao giờ?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hòa (Đoàn luật sư Hà Nội, người tham gia bảo vệ quyền lợi cho ông Thêm) cho biết: "Tại buổi công khai xin lỗi 11/8/2016, đại diện liên ngành tư pháp Trung ương phát biểu: “ông Thêm tuổi cao nên việc giải quyết oan sai sẽ được giải quyết sớm. Từ sau buổi công khai xin lỗi, chúng tôi đã làm đơn yêu cầu bồi thường oan sai gửi đến TAND tối cao, TAND cấp cao tại Hà Nội nhưng đến nay vẫn đang chờ giải quyết”".
 Căn nhà, cửa ngõ gia đình ông Thêm ở đã xuống cấp.
Qua các lần làm việc với TAND cấp cao do ông Trần Trần Văn Tuân – Phó Chánh án TAND cấp cao chủ trì, đến 17/4/2017, tổng số tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần, thu nhập bị mất... là 6,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 28/7/2017, Vụ Giám đốc kiểm tra I ra công văn số 302/HT – V1, về việc thẩm định bồi thường cho ông Trần Văn Thêm gửi Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội.
 Ông cho biết, chỉ mong nhận được bồi thường trước khi mất để bù đắp cho các con.
Công văn nêu: "Sau khi nghiên cứu báo cáo kết quả thương lượng bồi thường thiệt hại với ông Thêm của TAND cấp cao tại Hà Nội, Vụ Giám đốc kiểm tra I đã thẩm định, báo cáo lãnh đạo TANDTC. Chánh án TANDTC chỉ đạo yêu cầu TAND cấp cao tại Hà Nội tiến hành thương lượng lại đối với ông Thêm để thống nhất mức bồi thường theo đúng quy định. Việc thương lượng thành các khoản thu nhập thực tế bị giảm sút từ ngày 1/2/1076 đến ngày 10/8/2016 và thiệt hại về tinh thần cho thân nhân là không đúng quy định của pháp luật hiện hành".
Ngày 6/9/2017, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục thương lượng với luật sư Nguyễn Văn Hòa nhưng hai bên lập biên bản thương lượng không thành.
Biên bản nêu rõ: "Ngày 28/7/2017, ông Vụ trưởng Vụ I thừa lệnh Chánh án TANDTC ký công văn số 302/HT – V1 chỉ đạo TAND cấp cao tại Hà Nội thương lượng lại với ông Thêm về khoản thu nhập thực tế bị giảm sút trong thời gian từ 1/2/1976 đến 10/8/2016, thiệt hại về tinh thần cho thân nhân của ông Thêm, bởi lẽ theo quan điểm của Vụ I, các khoản này gần 4 tỷ đồng chưa đúng quy định pháp luật hiện hành. Các khoản còn lại gần 3 tỷ đồng, TANDTC không yêu cầu thương lượng lại".
Tại buổi thương lượng lại, đại diện của ông Thêm là luật sư Nguyễn Văn Hòa không nhất trí với nội dụng thương lượng lại, bảo lưu ý kiến theo biên bản thương lượng ngày 17/4/2017.
Vì sau 1 năm ông Thêm ở tù, bố ông tuổi cao sức yếu bị sốc về tinh thần ốm chết, vợ ông Thêm phải nuôi năm người con nhỏ, lam lũ vất vả, bị sốc về tinh thần cũng ốm chết, các con phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn không được học hành, xóm làng xa lánh, đó chính là tổn thất lớn về tinh thần.
Trong thời gian sống ở địa phương ông Thêm vẫn là bị can, về pháp lý vẫn trong vòng tố tụng, phải chịu sự mặc cảm, dị nghị từ người ngoài, không có cơ hội để lao động kiếm sống như người khác. Vì vậy, ông Thêm vẫn bị tổn thất về tinh thần cũng như vật chất trong thời gian này...
Sau khi thương lượng lại không thành, ông Nguyễn Văn Hòa (người đại diện hợp pháp cho ông Thêm) tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị sớm giải quyết bồi thường oan sai cho ông Trần Văn Thêm, vì hiện nay ông đã già yếu.
Ngày 13/10/2017 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hòa tiếp tục làm đơn đề nghị giải quyết bồi thường oan sai cho ông Trần Văn Thêm gửi Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Chánh án TANDTC. Ông Hòa đề nghị TANDTC, TAND cấp cao tại Hà Nội sớm xem xét giải quyết bồi thường cho cụ Thêm vì cụ đã tuổi cao, sức yếu./.
Theo nội dung vụ án, năm 1970, ông Thêm và người em họ Nguyễn Khắc V. từ Bắc Ninh lên huyện Tam Dương, Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) để thu mua trám.
Lúc này, trời đã tối nên hai anh em nghỉ tạm tại lều cắt tóc ven đường thì bị kẻ xấu dùng búa đánh đập, cướp tài sản.
Sau khi tên cướp bỏ chạy, do vết thương quá nặng nên ông V. tử vong sau đó, ông Thêm cũng bị thương vào đầu nay vẫn để lại sẹo.
Theo Lê Tùng/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)