Tự hào về truyền thống quê hương, người dân làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) hôm nay đang ra sức gìn giữ và phát huy giá trị di sản, coi đó là nền tảng tinh thần, là động lực thúc đẩy sự phát triển của quê hương.
Làng cổ “600 tuổi” có 3 di sản thế giới
Làng Trường Lưu gồm có 4 thôn: Đông Thạc, Phúc Trường, Phượng Sơn và Tân Tiến của xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Làng có diện tích 362,4ha; 574 hộ dân với 1.644 nhân khẩu, thuộc 23 chi họ Nguyễn Huy và 14 họ khác.
|
Làng Trường Lưu (trước thuộc xã Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) có tuổi đời hơn 600 năm.
|
Giữa thế kỷ 18, làng Trường Lưu là trung tâm văn hóa lớn ở Việt Nam với Trường học Phúc Giang, “Trường Lưu bát cảnh”, hát ví phường vải... Nơi đây cũng đã sinh ra nhiều bậc danh nhân nổi tiếng như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ...Vì vậy, Trường Lưu được xem là cái nôi, là nơi lưu giữ nhiều di sản vật thể, phi vật thể đặc sắc, phong phú và có giá trị.
Theo GS.VS Nguyễn Huy Mỹ, hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy làng Trường Lưu cho biết, dòng họ Nguyễn Huy đi các nơi, người Trường Lưu đi các nơi học tập kinh nghiệm đưa về để xây dựng Trường Lưu trở thành một trung tâm văn hóa. Cùng đó là sự kết hợp với lịch sử, cha truyền con nối, hoạt động xã hội tạo thành hệ thống di sản văn hóa Trường Lưu.
|
Mộc bản Trường học Phúc Giang được đánh giá là những cổ vật quý hiếm về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam. |
Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay tại Trường Lưu vẫn còn lưu giữ nhiều di sản vật thể, phi vật thể đặc sắc, giàu giá trị văn hóa với hệ thống 37 nhà thờ các dòng họ, 10 ngôi nhà cổ, 4 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là đền thờ các danh nhân Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), Nguyễn Huy Cự (1717-1775), Nguyễn Huy Tự (1743-1790) và Nguyễn Huy Hổ (1783-1841).
Đặc biệt, Trường Lưu còn nổi tiếng thế giới với 3 Di sản Tư liệu Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, hệ thống Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.
|
Giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Ngô Đức Kế, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, xem di sản Văn bản Hán Nôm được trưng bày tại Nhà Văn hóa Trường Lưu.
|
Người dân Trường Lưu luôn tự hào về di sản văn hóa của quê hương và gắn với đó là sự trân trọng, gìn giữ và mong muốn những giá trị tốt đẹp ấy sẽ được khẳng định và lan tỏa. Với suy nghĩ đó, hàng chục năm nay, ông Nguyễn Huy Thiện, Trưởng Ban Hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu luôn trân trọng, bảo vệ các hiện vật, cảnh quan của Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Nhà thờ Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Huy Tự (còn gọi là nhà thờ Lục Chi).
Ngoài ra, ông Nguyễn Huy Thiện cũng là một trong những người đóng góp nhiều công sức, tâm huyết để đưa các di sản của dòng họ, quê hương trở thành các di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và trở thành di sản được thế giới công nhận.
|
Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Nhà thờ Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Huy Tự, hay còn gọi là nhà thờ Lục Chi. |
Ông Nguyễn Huy Thiện, cho biết: “Việc bảo tồn, gìn giữ các di tích, di sản, ngoài giá trị để con cháu trong dòng họ biết được truyền thống tổ tiên, đây cũng là nơi đón các đoàn đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống, phong tục tập quán, lối sinh hoạt của các danh nhân xưa…”.
Bảo tồn các di sản gắn liền với phát triển du lịch
Trong hành trình phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Song Trường luôn xác định, cùng với kinh tế, truyền thống văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực thúc đẩy sự phát triển của quê hương. Vì vậy, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, địa phương đã huy động nguồn lực để bảo vệ, tôn tạo lại các di tích, di sản. Nhờ vậy, các di tích lịch sử, di sản văn hóa ở Trường Lưu luôn được bảo tồn, phát huy giá trị và được quảng bá, nâng tầm giá trị.
|
Di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương được trưng bày ở trụ sở Ban Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu.
|
Làng cổ Trường Lưu hiện đang là điểm đến của các nhà nghiên cứu, khách du lịch, đặc biệt là nơi giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương được các trường học trên địa bàn huyện lựa chọn.
Thầy giáo Nguyễn Thế Hiển, Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc cho hay: “Hoạt động giáo dục lịch sử, truyền thống địa phương rất được nhà trường quan tâm, chú trọng. Buổi tham quan, trải nghiệm tại làng văn hóa Trường Lưu, giúp các em học sinh hiểu rõ hơn công lao của các bậc tiền nhân, giá trị của các di sản và giúp cán bộ, giáo viên nhà trường tích lũy thêm kiến thức để phục vụ công tác dạy học được tốt hơn”.
|
Đình làng Trường Lưu được xây dựng vào thế kỷ XVII, gồm hai phần chính là thượng điện (nơi thờ các vị thần) và hạ điện (nơi người dân sinh hoạt văn hóa tâm linh). |
Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý cho UBND huyện Can Lộc phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan, tiến hành khảo sát, lập quy hoạch phân khu xây dựng Làng văn hóa du lịch Trường Lưu tại xã Kim Song Trường, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn liền với phát triển du lịch của địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, khẳng định: “Sự quan tâm của các cấp, các ngành sẽ là nguồn lực lớn để hình ảnh và những giá trị văn hóa của làng Trường Lưu vươn xa hơn…”.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử với sự tàn phá nghiệt ngã của thời gian, di sản đồ sộ của dòng họ Nguyễn Huy và làng cổ Trường Lưu vẫn luôn được thế hệ con cháu, chính quyền và nhân dân nơi đây giữ gìn bằng tất cả tấm lòng tự hào, tôn kính, để Trường Lưu luôn là nơi chốn tìm về của mạch nguồn ký ức và những giá trị truyền thống.
>>> Mời độc giả xem thêm video TP HCM bảo tồn biệt thự cổ: