Chiều qua, trời Phong Xuân rả rích mưa, chiếc xe cứu thương số hiệu 75C-000.19 lặng lẽ đưa thi thể của ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền - TT-Huế, rời Trạm kiểm lâm 67 và hướng thẳng về Bệnh viện Quân y 268.
Đây cũng là lúc người thân, bạn bè vỡ òa nước mắt trong tuyệt vọng, khi thân nhân của họ đã mãi mãi ra đi. Ông Bình là một trong 13 nạn nhân hy sinh sau chuyến đi cứu trợ, cùng đoàn công tác vào hiện trường sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 để cứu những nạn nhân mất tích do sạt lở núi.
Vị chủ tịch huyện gần dân
Sáng nay, chúng tôi đến nhà ông Bình (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, TT-Huế), khi trời đang mưa tầm tã. Nước sông Bồ trước mặt nhà ông Bình lại lên cao và chảy xiết.
|
Người thân, hàng xóm đang chuẩn bị tổ chức đám tang cho ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền.
|
Trong căn nhà cấp 4 đã cũ của ông Bình, vẫn còn nguyên lằn nước ngập hơn cả mét trong trận lũ vừa qua. Rất đông bà con làng xóm tập trung để cùng nhau phụ giúp lo đám tang cho ông Bình.
Ai cũng đau buồn, thương xót cho sự ra đi đột ngột của ông. Theo họ, ông Bình vừa nhậm chức Chủ tịch UBND huyện Phong Điền 45 ngày, rất năng nổ trong công việc và gần dân.
Bà Thu (hàng xóm) cho biết, từ khi nghe tin ông Bình mất tích rồi tử nạn khi đang cùng đoàn cứu hộ các công nhân ở Thủy điện Rào Trăng 3, bà rất đau buồn, thương xót và dường như không tin đây là sự thật.
“Từ khi biết ông Bình mất, tôi lui tới nhà để phụ gia đình lo đám tang. Ông Bình là người hiền lành, sống trong xóm làng ai cũng thương. Vậy mà, vì người dân nên liều mình đi cứu hộ rồi hy sinh. Sao mà tội thế!”, bà Thu rưng rưng.
|
Nhà ông Bình vẫn còn nguyên lằn nước ngập hơn cả mét trong trận lũ vừa qua.
|
Bà Thu kể, cả tuần nay, nước lũ dâng cao khiến cả làng chìm trong biển nước, nhà ông Bình nước ngập hơn cả mét.
“Tuần rồi, tôi không thấy ông Bình ở nhà mà chỉ thấy Ny (vợ ông Bình) tất bật kê đồ đạc khi lũ lên, rồi dọn dẹp nhà cửa khi nước rút. Hỏi ra mới biết, nhiều xã ở huyện Phong Điền lũ ngập sâu, ông Bình phải đi cứu trợ cho bà con nên không thể về lo cho gia đình. Một người vì nước vì dân thế”, bà Thu ngậm ngùi.
Trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ không có đồ vật gì giá trị, nhiều người đồng nghiệp cứ kể về vị chủ tịch huyện trẻ trong những cuộc họp gần đây luôn thúc giục anh em rà soát toàn bộ những điểm lũ, không để người dân thiếu đói.
Một cán bộ huyện Phong Điền cho biết, trước khi hy sinh, ông Bình đã kinh qua các chức vụ như: Phó giám đốc; Giám đốc Ban đầu tư - xây dựng huyện Phong Điền; Bí thư Đảng ủy xã Phong An, Trưởng Phòng kinh tế hạ tầng UBND huyện Phong Điền, Phó Chủ tịch UBND huyện và Phó Bí thư Huyện ủy Phong Điền.
“Anh Bình là người trưởng thành từ cơ sở và đi lên bởi năng lực của bản thân, nên anh em rất nể. Anh Bình mới làm chủ tịch khoảng một tháng rưỡi thôi, từ trước giờ anh làm việc gì cũng rất trách nhiệm, chúng tôi học hỏi từ anh ấy rất nhiều", vị cán bộ huyện nói.
“Bình còn trả nợ tiền chữa bệnh cho ba, lấy đâu ra xây nhà”
Là hàng xóm cùng lớn lên với nhau, ông Nguyễn Xuân Đức cho biết, ông Bình là chủ tịch huyện nhưng vẫn đang ở ngôi nhà cấp 4 của cha mẹ xây từ những năm 1990. Ông Bình là con trai duy nhất, hiện sống với mẹ già 75 tuổi, vợ cùng 2 con (một học lớp 7, một học lớp 8).
“Mẹ ông Bình đang nằm điều trị tại bệnh viện vì bệnh xương khớp. Tối qua, gia đình đã đưa bà vào Bệnh viện Quân y 286 để gặp mặt con trai lần cuối, đi theo còn có 2 y tá. Nhưng khi chưa gặp mặt được con, do quá đau buồn bà đã ngất xỉu nên chuyển đi bệnh viện”, ông Đức kể lại.
Theo ông Đức, dù là quan chức nhưng khi về làng, ông Bình luôn thân thiện, sống rất được lòng bà con lối xóm. Ai trong làng có việc nhờ giúp đỡ, ông Bình luôn giúp đến nơi đến chốn.
“Ai thấy nhà ông Bình cũng không tin đây là nhà của một vị chủ tịch huyện. Nhưng chú thấy đó, nhà đã cũ lại thấp, nước tràn qua sông Bồ thì nhà cũng ngập theo, trong nhà thì không có gì giá trị. Từ khi ba ông Bình xây nhà này đến nay, tôi chỉ thấy có một lần sơn lại nhà rồi thôi”, ông Đức bộc bạch.
Ông Đức kể, cách đây 8 năm ba ông Bình bị bệnh ung thư, gia đình đưa ông vào chữa trị tại TP.HCM. Thời điểm đó, mỗi tuần ba ông tiêm thuốc gần 50 triệu đồng. Nhưng bệnh tình chuyển nặng, ông mất sau đó 1 năm.
“Nói chủ tịch huyện cho oai thể thôi, chứ Bình vẫn đang còn trả nợ tiền chữa bệnh của ba, lấy đâu ra tiền mà xây nhà. Tôi đang lo, nhiều ngày tới Huế mưa to nước sông Bồ lên lại ngập nhà của Bình...”, ông Đức thở dài.