Hình ảnh người đàn ông co quắp, cơ thể gầy gò ngồi trước cửa nhà, dùng đôi chân vót từng đoạn tre bằng những con dao sắc nhọn đã trở nên gần gũi với người dân thôn Kỳ Lợi (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) suốt 30 năm nay.
Ông Phạm Văn Cẩm (48 tuổi) sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, cha mẹ ông đều là những người nông dân nghèo nên cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả. Ông sinh ra vốn lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng 1 trận ốm đã khiến ông mất đi khả năng sử dụng đôi tay.
Cụ Phạm Thị Cương (80 tuổi, mẹ ông Cẩm) kể: "Hồi đấy hắn ốm một trận gần chết, nhà không có tiền đưa đi bệnh viện nên đưa lên trạm xá. Cứ ngất tưởng chết nhưng một hồi lại tỉnh dậy khóc, khóc xong lại ngất tiếp, một đêm rứa chết đi sống lại 6 lần. Cả nhà tưởng hắn không sống được, nhưng 2 vợ chồng cũng cố gắng vay mượn để cứu con".
Khi cả gia đình gần như tuyệt vọng, buông xuôi cho số phận thì ông hồi tỉnh. Người y sĩ tại trạm xá sau khi bắt mạch đã tỏ ra ngạc nhiên vì nghị lực sống của cậu bé Phạm Văn Cẩm. Có thể sống sót qua trận ốm "thập tử nhất sinh" nhưng cả cơ thể ông bị co quắp lại, đi đứng không thể bình thường như trước, đôi tay cũng không thể cầm nắm bất cứ cái gì.
|
Ông Cẩm luôn muốn tự làm mọi việc, việc gì quá khó ông mới nhờ người giúp đỡ. |
Chân tay bị khoèo, cầm nắm, đi lại đều rất khó khăn nhưng vì thương cha mẹ, ông Cẩm vẫn quyết tâm kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình.
Ông Phạm Ngọc Cường (52 tuổi, anh trai ông Cẩm) cho biết: "Hắn học đan lồng chim được 30 năm rồi. Hồi bố còn sống thì 2 bố con làm với nhau, giờ còn hắn làm".
Ngày đó, ông Cẩm thấy người ta làm lồng chim bán, ông liền quan sát rồi về tự mày mò tìm hiểu để đan lồng chim bằng chân. Người bình thường học đan lồng đã khó, với ông còn khó hơn gấp trăm lần khi chỉ có thể sử dụng đôi chân để làm.
|
Ông Cẩm sử dụng đôi chân thành thạo như tay. |
Nhiều lần trong lúc vót tre, đục lỗ để làm lồng chim, những con dao sắc nhọn cứa vào chân ông những vết thương sâu hoắm, chảy máu. Nhưng tất cả những khó khăn đó không ngăn nổi quyết tâm tự kiếm tiền nuôi sống bản thân của người đàn ông tật nguyền.
Tất cả những dụng cụ làm lồng chim ông có đều do ông đi xin của hàng xóm hoặc mấy bà buôn bán đồng nát. Mỗi lần nhìn thấy dụng cụ gì có thể phục vụ cho việc làm lồng mà người ta không còn sử dụng nữa, ông đều lân la đến để xin về.
Mỗi ngày, từ sáng ông thức dậy, lúi húi vệ sinh bằng đôi chân không nguyên vẹn rồi ra trước hiên nhà để ngồi làm lồng chim bán cho khách.
|
Nhiều người đặt làm lồng chim vì nể phục nghị lực phi thường của ông. |
Chỉ bằng đôi chân khoằm khoèo, hàng trăm chiếc lồng chim, chiếc bằng gỗ, chiếc bằng sắt đã được tạo ra với đủ kích thước, kiểu dáng khác nhau. Bằng sự khéo léo của mình, ông tự sử dụng chân để vót tre, đan thép, xâu dây. Việc nào khó quá không thể tự làm, ông mới nhờ đến mẹ hoặc anh em giúp đỡ.
Mỗi khi có khách đến đặt mua lồng chim, họ trả bao nhiêu ông cũng lấy chứ không đòi hỏi. Nhiều người thấy thương nên trả cao hơn hoặc đặt hàng thêm cho ông làm.
"Mỗi cái lồng hắn làm từ 10 đến 15 ngày, bán cũng được 250 - 300 nghìn. Thôi thì mong hắn khỏe mạnh để làm mà ăn thôi", Cụ Cương chia sẻ.
Nhìn người đàn ông gầy gò, ốm yếu ngày ngày ngồi đan lồng chim bằng chân người ta càng cảm phục hơn về nghị lực sống của người đàn ông này. Nhiều người thương ông, thỉnh thoảng đi đánh bắt cá về lại đem cho ông con cá, con tôm.
|
Những chiếc lồng chim do ông Cẩm làm ra bằng đôi chân kỳ diệu của mình. |
Được biết, hiện tại ông Cẩm là đối tượng chính sách tại xã Kỳ Xuân, mỗi tháng ông được chính quyền địa phương hỗ trợ 540 nghìn đồng. Ngoài ra, vào các dịp lễ tết, đại diện các ban ngành của địa phương cũng quan tâm, xuống thăm và tặng quà cho ông.
Tuy phải chịu thiệt thòi nhưng ông Cẩm đã sống đời tàn mà không phế suốt 30 năm, khi ông có thể dùng chân thay tay để tự lao động kiếm sống.