Tuy nhiên bà vẫn kiên quyết từ chối lời mời của các con. Bà chọn một viện dưỡng lão ở Hà Nội để gắn bó lúc tuổi già. Căn biệt thự - nơi ở của hàng trăm cụ già, đã được bà Bích coi là căn nhà thứ 2 của mình.
Ở đó, bà có thêm bạn, có thêm hàng chục người con (là những nhân viên của viện dưỡng lão) để chia sẻ những thú vui giản dị của tuổi già.
Quan trọng hơn, những người bạn ở đây còn có thể giúp bà vơi đi nỗi nhớ về người chồng đã sang bên kia thế giới…
“Tôi vừa về nhà để làm giỗ đầu cho chồng. Làm giỗ xong, tôi lại quay về viện dưỡng lão. Bao giờ có việc quan trọng, tôi mới về nhà”, bà Bích bắt đầu câu chuyện của mình.
|
Bữa cơm của những người già trong viện dưỡng lão. Ảnh: Viện dưỡng lão |
Nhà bà đông con nhiều cháu nhưng khi các con khôn lớn trưởng thành, lấy vợ gả chồng và xây dựng nơi ở mới, hai ông bà vẫn ở lại căn nhà cũ ở Tây Hồ.
“Tôi ở với ông ấy kết hôn từ năm 19 tuổi, bao nhiêu năm chúng tôi chưa xa nhau 1 ngày nào. Chồng tôi rất thương vợ quý con. Lần nào tôi ốm, ông ấy cũng hoảng hốt, gọi điện cho các con thông báo, bắt các con phải mua cháo, thuốc cho mẹ thật chu đáo…
Khi ông ấy ốm, nằm liệt giường, các con đến chăm sóc phục vụ nhưng ông ấy không thích, lúc nào cũng muốn vợ ở bên cạnh. Vì thế những tháng cuối đời của chồng, tôi luôn là người chăm sóc ông ấy tận tình”, bà Bích nói khi nước mắt đã lăn dài trên má.
Bà bảo, trước khi ông mất, ông trăng trối với các con phải chăm sóc mẹ thật chu đáo và cẩn thận. Sau đó, ông nắm lấy tay bà rồi nói một câu khiến bà vẫn nhớ mãi trong lòng: “Tôi chỉ sợ khi tôi mất, bà sẽ khổ”.
“Cái khổ ở đây không phải vì không có cơm ăn áo mặc, cũng không phải khổ vì lo các con sẽ để tôi cô đơn mà ý ông ấy là “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Khi tôi ốm đau, sẽ không có ai chăm tôi bằng ông ấy”, người phụ nữ này giải thích.
Chính vì tình cảm ấy nên sau khi người chồng mất đi, bà Bích bị suy sụp tinh thần.
“Tôi cứ ngồi cả ngày trước di ảnh rồi khóc. Đôi lúc tôi nói chuyện với ông ấy như thể ông ấy đang ngồi trước mặt tôi. Các con tôi lo lắng, sợ tôi suy sụp mà sinh bệnh nên muốn đón tôi về ở cùng”, người phụ nữ 80 tuổi nhớ lại.
|
Hoạt động giải trí của các cụ tại viện dưỡng lão. Ảnh: Viện dưỡng lão |
Vài người khuyên bà đừng nghe lời các con về ở chung vì lo sợ quan hệ mẹ chồng nàng dâu không tốt đẹp, không khí gia đình sẽ căng thẳng. Nhưng bà bảo trong gia đình bà con dâu tình cảm với mẹ chồng còn hơn con trai.
“Tôi luôn quan niệm phải thương con dâu như thương con đẻ của mình. Nếu con dâu và con trai cãi nhau, tôi sẽ chỉ bênh con dâu. Bởi tôi hiểu con dâu tôi ít khi làm sai điều gì. Tôi từ chối lời đề nghị sống chung của các con.
Một phần là vì tôi thấy các con đi làm cả ngày nếu đến ở cũng chỉ làm bạn với những bức tường. Phần khác tôi không muốn làm xáo trộn cuộc sống của các con, các cháu”, bà Bích nói.
Cái “xáo trộn” theo bà là khi có thêm bà, các con sẽ phải lo cho mẹ nhiều hơn và cuộc sống riêng tư sẽ bị ảnh hưởng.
“Nếu không có mẹ, cuối tuần vợ chồng con cái có thể đưa nhau đi chơi, đi ăn hàng. Hoặc ngày bình thường đi làm về muộn, chúng có thể nấu tạm bợ một món nào đó nhưng có mẹ ở cùng, các con sẽ không thể làm thế. Như vậy thời gian vợ chồng dành cho nhau sẽ ít đi…”, người mẹ 80 tuổi giải thích lý do không muốn dọn về ở cùng các con.
Tuy nhiên vì các con không yên tâm khi để bà ở nhà một mình nên bà đã nghĩ tới viện dưỡng lão.
“Tôi đề nghị các con phải đi tìm hiểu thật kỹ các viện dưỡng lão trên địa bàn. Đến khi dọn đến viện dưỡng lão này, con dâu tôi còn dặn: “Nếu thấy ở đây không vui thì mẹ về sống với chúng con”. Nhưng ở đây rồi, tôi thấy phù hợp nên quyết định gắn bó”, bà Bích nói.
Bà cũng khẳng định kể từ khi đến đây, vì có thêm những người bạn và các nhân viên chia sẻ, trò chuyện nên cuộc sống của bà thoải mái hơn. Các con của bà cũng yên tâm công tác hơn…