Ông Phan Văn Tư (56 tuổi, ngụ khu vực Thới Trinh A, phường Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) tự tay xây dựng tới…80 ngôi mộ ngay trong khoảnh vườn đằng sau nhà mình nhiều năm nay khiến người dân nơi đây không ngớt bàn tán.
Khu đất rộng đến gần 10.000m2 được ông chia làm ba phần bằng nhau. Một phần để làm ruộng, một phần trồng cây ăn trái, và một phần giáp ranh với nhà ở thì được ông xây dựng thành một “thành phố buồn”.
“Thành phố buồn” là cái tên mà người dân nơi đây đặt cho cái diện tích đất vườn khá lớn mà ông Tư dành để xây dựng 80 ngôi mộ.
|
Ông Tư đã biến vườn nhà thành nghĩa trang chôn cất người nghèo. |
Những người được ông tự tay chôn cất trong vườn nhà mình là những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không người thân thích. Thậm chí, có cả những người mà ông còn không biết là ai như những người chết trôi sông mà không có thân nhân tới nhận..
Thương cảm cho hoàn cảnh của những con người khốn khổ, chết đi không có đất chôn, không có người khóc, ông đưa thi thể về nhà mình, tự tay xây cho họ những ngôi mộ, rồi ông viết tay những dòng chữ tên và ngày mất của người đã khuất.
Sau đó, thắp hương báo với các vị thần linh rằng vong hồn này là người thân trong gia đình ông, cầu nguyện cho linh hồn họ được che chở.
Ông giải thích nguyên do việc làm của mình: “Cách đây khoảng mười năm, gia đình tôi làm ăn khấm khá, tậu được miếng đất ruộng này. Cũng trong năm ấy, tôi tận mắt chứng kiến một cảnh tượng rất thương tâm. Chàng trai trẻ bị bệnh nặng mà chết trong căn nhà lụp xụp, mẹ già thì miếng thịt để ăn cũng không có chứ nói gì đến chuyện làm đám tang, mua đất chôn cất cho con.
Trong khi đó, nhà tôi còn thừa nhiều đất. Bởi vậy, tôi đặt vấn đề với bà cụ kia, xin phép được giúp bà chôn cất con trai trong vườn nhà tôi. Khi ấy, tự tay tôi làm tất cả, đóng một chiếc quan tài bằng những ván gỗ, tuy không đẹp nhưng chắc chắn. Tự tay tôi đào đất, đưa thi thể của chàng trai xuống chôn”.
|
Ông Tư chia sẻ cùng PV. |
Cũng vì người dân miền Tây có tục lệ chôn người thân đã khuất trong vườn nhà mình, nên ông Tư cũng “hợp thức hóa” cái tục lệ này bằng cách “xin phép” tổ tiên, các bậc thần linh, cho chàng trai trẻ xấu số kia về làm người trong nhà với mình. Cùng lúc đó, nghĩa trang của phường Thới An cũng bị di dời để quy hoạch thành các dự án khác. Người dân nghèo địa phương lao đao vì không có đất di dời mộ. Ông Tư tiếp tục ra tay giúp đỡ.
Cứ như vậy, “thành phố buồn” trong vườn nhà ông Tư càng ngày càng được mở rộng. Trước kia chỉ có khoảng 10 ngôi mộ, giờ con số ấy đã lên đến con số 80, và còn tiếp tục tăng nhiều hơn nữa. Có những người từ các tỉnh xa xôi như Vĩnh Long, Đồng Tháp, cũng tìm về nhà ông để xin một miếng đất xây mộ cho người thân.
Đưa người chết trôi về làm người thân trong nhà
Có khoảng mười ngôi mộ không tên chỉ ghi ngày mất trên những bia mộ bởi vùng sông nước, một năm phải có vài chục người chết trôi dạt vào bờ.
“Những xác chết trôi để vài ngày không có người nhận, rất mất vệ sinh. Vì thế, tôi mới đưa họ về nhà tôi để chôn cất. Bởi nếu không làm vậy thì người dân chúng tôi cũng không biết phải xử lý ra sao. Tôi ghi lại những dấu hiệu nhận biết trên cơ thể họ để đề phòng người thân đến muộn, sau đó tự tay mai táng cho họ”, ông Tư chia sẻ.
Ông Tư cho biết, khi ông mới bắt đầu xây mồ mả ở trong vườn nhà mình, ông nhận được nhiều sự phản đối. Những người hàng xóm xung quanh trước đây nhiều lần đề nghị ông dừng ngay việc này lại. Thế nhưng dần dần ông cũng đã thuyết phục được tất cả.
Những người hàng xóm đều đồng ý rằng, xét theo khía cạnh tâm linh, từ ngày ông Tư làm việc thiện, mọi người đều làm ăn phát đạt, gia đình ấm êm. Còn nhà ông Tư thì ngược lại, mười năm trước, ông Tư là “đại gia” có tiếng trong vùng. Mười năm trôi qua, ông Tư thay đổi hoàn toàn. Ông ăn mặc giản dị, đi chiếc xe máy cà tàng. Chỉ riêng những việc làm từ thiện của ông là tăng lên. Ngoài việc xây mộ cho người nghèo, ông còn dành ra một miếng đất để trồng các vị thuốc nam, tham gia vào các hội từ thiện xây nhà, mua xe cho người tàn tật,…
Cũng theo ông Tư, trong thời gian tới ông không ngại ngần “hy sinh” thêm đất để mở rộng “thành phố buồn”. Ông tâm sự: “Tôi hiến đất xây mộ cho người nghèo, khiến kinh tế gia đình đi xuống, không khấm khá được như trước. Nhưng bù lại, tôi luôn cảm thấy tâm hồn mình thanh thản, tự hào vì đã giúp đỡ được nhiều người”.
Suýt bị vợ bỏ vì chuyện chôn cất cho người dưng
Nói về cái ngày ông Tư bắt đầu đưa thi thể của những người lạ về nhà mình mai táng, không chỉ có hàng xóm e ngại, mà người vợ của ông mới là người phản đối kịch liệt nhất. Bà Nguyễn Thị Hồng (50 tuổi, vợ ông Tư) sinh ra trong gia đình kinh doanh, nên đặc biệt chú ý đến phong thủy. Ngày ông Tư đưa người lạ về chôn cất, bà Hồng ra sức ngăn cản, thậm chí đòi ly dị nếu ông cứ tiếp tục làm những công việc “kỳ dị” này.
|
Bà Hồng luôn ủng hộ việc làm “kỳ lạ” của chồng. |
Ông Tư kể: “Vợ tôi hoảng hồn vì tôi mang xác người lạ về chôn. Có lẽ bà ấy phản ứng như vậy là bình thường. Vì mấy ai chấp nhận được chuyện chôn người lạ hoắc trong đất nhà mình. Mới đầu, tôi thuyết phục mấy cũng không được. Bà ấy hiểu rằng tôi làm vậy là để giúp người nghèo, là việc thiện, là chia sẻ khó khăn, nhưng đều để ngoài tai hết. Bà ấy nói, tôi cần bao nhiêu tiền để đi giúp người nghèo thì có thể mang đi, nhưng mang người chết về nhà chôn thì không thể”.
Mâu thuẫn vợ chồng từ hành vi “quái dị” của ông Tư lên đến đỉnh điểm vào cái ngày ông mang một cái xác chết trôi về nhà. Bà Hồng thậm chí đã khóc ngất vì hoảng sợ. Ngay ngày hôm sau, bà Hồng đòi ly dị, mặc dù trước đó hai vợ chồng bà chung sống hết sức hạnh phúc, đồng vợ đồng chồng làm ăn thuận lợi, các con đều ngoan ngoãn, thông minh. Những tưởng niềm hạnh phúc ấy sẽ mãi trọn vẹn, nhưng tất cả đều đổ vỡ khi ông Tư bắt đầu lên kế hoạch xây dựng một nghĩa trang ngay trong chính ngôi nhà của mình.
“Bà ấy bỏ về nhà mẹ đẻ hơn một năm trời khi thấy tôi làm “lễ” để nhận những người chết xa lạ làm người thân trong nhà. Bà ấy đã không thể chấp nhận được nữa. Tuy nhiên, dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì tôi vẫn tin tưởng vào những việc mình đang làm. Lúc ấy, tôi cũng chỉ nghĩ rằng mình đang giúp đỡ những người nghèo khổ. Bản thân không đến mức quá giàu có, nhưng cũng đủ để san sẻ cho mọi người. Vợ tôi là người hiểu chuyện, là người biết lo nghĩ cho người khác, có tấm lòng nhân hậu. Chỉ là việc làm của tôi quá bất ngờ và kỳ lạ, cho nên mới bị vợ phản đối nhiều như vậy. Tôi tin rằng mình sẽ thuyết phục được vợ”, ông Tư kể.
Nếu như ông Tư hiện tại là một người đàn ông xuề xòa, giản dị, thì bà Hồng lại có một ngoại hình trẻ trung, xinh đẹp, dù đã bước sang tuổi 50. Giờ đây, mỗi khi nhắc đến “thành phố buồn” ngay đằng sau nhà mình, bà Hồng lại tỏ ra rất hãnh diện. Bà kể, trước đây, khi ông Tư mới bắt đầu xây mộ cho người nghèo, bà thật sự cảm thấy hoảng sợ mỗi khi hình dung ra hàng chục những ngôi mộ của những con người xa lạ đang ngự tại đất nhà mình. Thế nhưng, nhờ tấm lòng thiện nguyện của chồng, bà dần dần cảm thông và ủng hộ chồng.
Bà Hồng chia sẻ: “Hơn một năm về nhà mẹ đẻ và đòi ly dị, chồng tôi vẫn tiếp tục xây thêm nhiều ngôi mộ nữa, choán hết đất trồng cây, khiến tôi rất phiền lòng. Thế nhưng hơn một năm ấy, tôi cũng đã chứng kiến cảnh nhiều gia đình có người thân mất mà không có tiền mua đất chôn cất, không đủ tiền ma chay, hết sức thương tâm. Lúc ấy, tôi mới hiểu được ý nghĩa việc làm của chồng.
Khi trở về ngôi nhà quen thuộc đã dần biến thành một nghĩa trang, tôi cũng không còn cảm thấy lạnh lẽo nữa, mà còn hết sức tự hào về những việc thiện mà chồng đã làm. Ông ấy đã dạy cho tôi bài học về tình người”. Nói về dự định mở rộng thêm cái nghĩa trang tình người, bà Hồng hết sức vui vẻ: “Dễ gì mà có được người chồng như vậy. Dù ông ấy có định mở rộng đến đâu, nhận bao nhiêu người chết lạ mặt về làm người thân đi chăng nữa, tôi cũng đồng ý cả hai tay. Thực tế là nhiều năm nay, tôi đã cùng chồng làm tất cả những gì ông mong muốn”. Nói đến đây, hai vợ chồng ông nhìn nhau cười hạnh phúc.
Từ ngày suy nghĩ của bà Hồng trở nên tích cực hơn đối với việc làm của chồng, bà không còn than phiền về chuyện kinh tế gia đình đi xuống nữa. Hiện giờ, bà tập trung vào cửa hàng tạp hóa. Có những khi công việc bận bịu, ông Tư lại chạy tới chạy lui lo việc nhà người khác, bà cũng không phàn nàn. Thậm chí, bà còn cùng ông lo ma chay cho người nghèo, cùng ông tham gia vào các công việc từ thiện khác.
Cả hai vợ chồng ông Tư đều là những tấm gương khiến người dân địa phương khâm phục. Công việc của ông Tư giờ đây đã được nhiều người phụ giúp, ông không còn phải tự tay hì hục đóng ván làm quan tài, đào đất chôn rồi xây mộ cho mọi người nữa. Một người hàng xóm thân thiết làm nghề mộc đã giúp ông đóng những chiếc quan tài, mọi người trong địa phương thỉnh thoảng tìm đến ủng hộ ông tiền mua vật liệu, tiền phúng viếng, phần nào phụ giúp ông giúp đỡ người nghèo lo ma chay cho người thân.
|
Ông Hạnh – trưởng khu vực xác nhận việc làm của ông Tư. |
Trao đổi với PV, Ông Trương Hồng Hạnh, trưởng khu vực Thới Trinh A cho biết, tại địa phương, ông Tư sinh ra trong một gia đình khá giả, sau này cũng tự mình gây dựng cơ nghiệp mà tậu được nhiều đất. Tuy nhiên, ông lại dành một diện tích không nhỏ để xây nghĩa trang từ thiện, không ngại ngần giúp đỡ người khác. Thậm chí, ông còn coi những người đã khuất như người thân trong gia đình mình, chăm lo hương hỏa chu đáo. Việc làm này của ông Tư khiến mọi người nể phục. Trong các hoạt động từ thiện tại địa phương, ông Tư cũng tích cực tham gia đầy đủ. Mới đây, ông phụ trách xây được ba ngôi nhà cho người nghèo trong khu vực. Ngoài ra còn góp phần xây dựng cầu, đường phục vụ người dân.