Người bệnh luôn ở thế yếu, phụ thuộc vào đạo đức người khám, chữa bệnh

Google News

Theo đại biểu, cần quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh, vì người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá, nhiều trường hợp phụ thuộc hoàn toàn vào đạo đức thầy thuốc.

Cần quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh
Sáng 13/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Nguoi benh luon o the yeu, phu thuoc vao dao duc nguoi kham, chua benh
 Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang). Ảnh: QH.
Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho hay, bà tán thành cao với sự cần thiết sửa Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 vì sau một thời gian thực hiện đã nảy sinh vướng mắc, bất cập mà chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết nhiều vấn đề về quản lý người hành nghề quản lý cơ sở khám, chữa bệnh chưa điều chỉnh.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe được đảm bảo an sinh xã hội. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp tới quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước cũng như tài chính cùng mỗi người dân.
Do dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá,
Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.
Đối với khối tư nhân cần có cơ sở, cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo quyền của người bệnh.
“Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua”, đại biểu nêu quan điểm.
Người bệnh luôn ở thế yếu
Quan tâm tới quyền và lợi ích của người bệnh, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) dẫn nội dung từ báo chí cho hay, mới đây, trong một đơn thuốc được kê một bệnh viện tại Hà Nội, một bệnh nhân đã phải chi hơn 4,8 triệu đồng cho thực phẩm chức năng, trong khi chỉ phải chi 400.000 đồng cho thuốc điều trị.
Nguoi benh luon o the yeu, phu thuoc vao dao duc nguoi kham, chua benh-Hinh-2
 Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An). Ảnh: QH.
Bài báo này cũng đưa tin về các đơn thuốc ở bệnh viện này thường xuyên đắt đỏ như vậy, nên rất nhiều bệnh nhân đã phải bỏ việc ra về. Đáng lo ngại, đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người bệnh phải chịu thiệt thòi khi đi khám bệnh.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho biết, trước đây, dư luận đã nhiều lần biết đến các trường hợp bệnh nhân đã phải chi trả nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết, không được giải thích rõ ràng về kết quả khám bệnh, chữa bệnh và thậm chí là không được giải thích khi xảy ra sai sót trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đại biểu, một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng này là do chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
“Trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”, đại biểu nêu.
Do vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị về nguyên tắc pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh.
Tuy nhiên, ở dự thảo, các quy định này vừa thiếu lại vừa chỉ dừng lại ở quy định chung chung về quyền và nghĩa vụ trước, chưa có cơ chế cụ thể để bảo đảm người bệnh thực hiện được các quyền của mình.
Nếu chỉ dừng lại ở những quy định như vậy, dự thảo luật chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, chưa đạt được mục tiêu của việc sửa đổi luật lần này là người bệnh làm trung tâm như Tờ trình Chính phủ đã xác định.
Đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục tổng kết kỹ thực tiễn để bổ sung các quy định về mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với tính chất đây là mối quan hệ ủy thác giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, dự thảo Luật cần khẳng định trong mối quan hệ này người hành nghề phải thực hiện các công việc khám bệnh, chữa bệnh vì lợi ích tối đa của người bệnh.
Cụ thể, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh sẽ ba góc độ: Một là trách nhiệm trong việc khám bệnh, chữa bệnh. Hai là trách nhiệm bảo mật thông tin của người bệnh. Ba là trách nhiệm tránh xung đột lợi ích.
Về trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh, cần quy định rõ người hành nghề bắt buộc phải thông tin cho bệnh nhân về những ưu điểm, nhược điểm, những rủi ro và tác dụng phụ của phương pháp chữa bệnh. Giải thích về những phương pháp chữa bệnh khác nếu có chứ không chỉ dừng lại ở quy định chung như dự thảo hiện nay là tư vấn cung cấp thông tin về phương pháp khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời, cần phải khẳng định trách nhiệm này phải được tiến hành liên tục trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, nhất là khi có những diễn biến mới về tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Điều này bảo đảm người bệnh hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình và hiểu được kết quả của tiến trình khám bệnh, chữa bệnh mà bác sĩ đã thực hiện. Đây là một trong những nội dung được pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, các nước rất quan tâm.

Về trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của người bệnh, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho biết, hiện nay dự thảo chưa quy định rõ về thẩm quyền truy cập vào sử dụng thông tin của hệ thống này để bảo đảm nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân của người bệnh. Đề nghị dự thảo cần làm rõ hơn nữa nội dung này.

 
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)