Dù có đi ngược với tâm lý của những người làm nghề sông nước nhưng chưa một lần anh cảm thấy hối hận vì những việc mình đã làm…
“Cướp cơm trong miệng Hà Bá”
Chúng tôi gặp Ca khi chiếc thuyền đánh cá bé nhỏ của anh cập vào khu vực bến Bính nghỉ ngơi sau thời gian dài lênh đênh sông nước.
Khuôn mặt đen sạm vì dầm sương dãi nắng của anh toát lên vẻ hiền hậu, chất phác dễ gần, khiến những ai dù mới gặp lần đầu cũng phải ấn tượng.
|
Cầu Bính nơi xảy ra nhiều vụ tự tử. Ảnh CTV |
Anh Ca cho biết, đã hơn 20 năm trong nghề, chứng kiến biết bao nhiêu chìm nổi, vận hạn của những người làm nghề sông nước, nhưng với anh, “dân sông nước không ngại cứu người”.
Trên tay cầm mẻ lưới tranh thủ lên bờ gỡ rối, anh vừa làm vừa kể với chúng tôi những lần “cướp cơm Hà Bá” ngay dưới sông cầu Bính.
Đó là một ngày mùa đông rét mướt, mới 18h30 nhưng trời đã tối om như mực. Như thường ngày, anh thu lưới và nghỉ ngơi trên mạn thuyền thì thấy rất đông người đứng trên cầu Bính ngó xuống mặt sông.
Biết là có chuyện chẳng lành, anh bật đèn pin lên soi thì phát hiện một vật thể đang trôi lập lờ trên mặt nước. Nổ máy tiến sát lại gần, anh thấy một cô gái đã ngất lịm, thân hình tím tái, lạnh ngắt.
Không ngần ngại những kiêng kỵ của nghề sông nước, anh vội vàng vớt nạn nhân lên thuyền. Linh tính mách bảo có thể chị vẫn còn sống, anh vội ép lồng ngực và hô hấp nhân tạo cho nạn nhân. Một lúc sau, cô gái bắt đầu những hơi thở yếu ớt. Anh Ca liên lạc với Hải đội 4 – Hải Quân vùng 1, cùng đưa nạn nhân vào bờ cấp cứu, sau đó cô gái này may mắn đã thoát khỏi miệng “Hà Bá”.
Cũng một lần khác, khi đang neo thuyền gần cầu Bính, anh Ca nghe thấy một tiếng động mạnh dưới mặt nước, ở trên cầu, người dân la to “có người nhảy cầu tự tử”. Quan sát khắp trên mặt sông không thấy động tĩnh nào, anh liền cho thuyền tiến sát vào gầm cầu thì phát hiện một người đang từ từ chìm dưới dòng nước chảy xiết.
Anh vội điều chỉnh cho thuyền tiến sát vào nạn nhân rồi kéo anh ta lên thuyền. Khi biết mình còn sống, nam thanh niên run như cầy sấy nắm chặt lấy tay anh cảm ơn: "Em nghĩ quẩn quá, chỉ vì thua cá độ bóng đá không có tiền trả mà nghĩ ra cách này để chạy nợ, nhưng còn người thân và gia đình nữa, họ sẽ sống làm sao…”.
Đưa nạn nhân vào bờ, anh Ca cảm thấy thật vui mừng vì mình lại làm thêm được một việc hết sức ý nghĩa trong cuộc đời.
Hơn 20 năm theo nghề sông nước, anh Ca đã vớt được rất nhiều xác nạn nhân xấu số. Có những lần thấy cái xác đang phân hủy vô cùng kinh sợ, nhưng vì cái tâm nên anh vẫn đưa họ vào bờ, sau đó báo cơ quan chức năng để người thân họ đến nhận diện, an táng. Anh cho rằng “đó chính là cái duyên với nghề, với người”.
Cứu người không phải để trả ơn
Mặc dù làm nghề sông nước có những điều kiêng kỵ rất riêng và tế nhị, nhưng anh Ca cho rằng, cứu được người là niềm hạnh phúc nhất trong cuộc đời anh.
“Tôi không quan trọng người ta sẽ trả ơn tôi thế nào, bởi tôi làm việc này với lương tâm và trách nhiệm của mình, nếu thấy người đang ở “cửa tử” mà không cứu vớt thì trong lòng tôi cảm thấy ân hận vô cùng” – anh Ca cho biết.
Chính vì vậy, có trường hợp được tôi cứu vớt, trong lúc bối rối bản thân họ và gia đình cũng không kịp hỏi han gì tôi, còn tôi cũng không biết họ là ai. Nhưng cũng có những trường hợp, sau khi xong việc, người thân của họ tìm hỏi tôi bằng được và có mong muốn giúp đỡ tôi, nhưng tôi đều từ chối.
“Làm nghề sông nước quen rồi, lênh đênh nay đây, mai đó cũng là thú vui, nhiều khi gặp những hoàn cảnh thương tâm đó, không ra tay cứu vớt thì thật nhẫn tâm, giúp người là để tạo phúc cho mình thôi chứ tôi không hề nghĩ đến lợi lộc” – anh Ca tâm sự.
Được biết, gia đình anh Ca có hoàn cảnh rất khó khăn. Anh thường xuyên xa quê đi đánh cá dài ngày, có lần cả tháng mới về nhà thăm vợ, thăm con. Tiền học hành của con cái và sinh hoạt cho gia đình nhỏ phụ thuộc chủ yếu vào nghề đánh cá của anh. Tuy nhiên, không vì thế mà anh quên đi cái tâm của mình. Anh cho biết “sẽ tiếp tục cứu người khi mình còn làm được”.