Giác quan kỳ lạ của hiệp sĩ giao thông Ba Chúc

Google News

Việc Ba Chúc cứu người nổi tiếng hết thảy cái xóm nhỏ dưới chân cầu Bình Lợi không ai không biết.

Ba Chúc cứu người
Ông Nguyễn Văn Chúc vốn là người ít chữ nghĩa. Cả cuộc đời ông gắn liền với sông nước và lênh đênh trên chiếc ghe (thuyền nhỏ) neo ở sông Sài Gòn. Ông hành hiệp trượng nghĩa, cứu không biết bao nhiêu người có ý định quyên sinh, vớt rất nhiều cái xác trôi dạt. Bà con ở đây mến thương nên gọi thân mật là ông Ba Chúc.
Giac quan ky la cua hiep si giao thong Ba Chuc
Hành động của ông được trao bằng khen và được phong tặng là Hiệp sĩ giao thông. Ảnh: Kim Huyên. 
Vốn người gốc Bắc, nhưng từ năm 8 tuổi, ông đã theo cha vào miền Nam làm nghề chài lưới trên sông. Đến tuổi lấy vợ, ông có tài sản riêng là một chiếc ghe nhỏ, vừa làm nhà vừa làm công cụ kiếm cơm.
Trước đây, ngày nào vợ chồng ông cũng chèo ghe khắp con sông này để đánh cá. Bây giờ, khi sông ít tôm, ít cá mà vợ lại mắc bệnh tiểu đường, không thể lao động như trước nên ông chuyển sang vận chuyển người. Ông cho rằng, cả đời vợ đã vì ông mà khổ cực nên ở tuổi già ông không để bà làm gì hết và thường rất hay dí dỏm: “Mọi việc, bà cứ để tui lo”.
Gia đình ông có năm người con gái, người lớn nhất năm nay ngót nghét 40 tuổi, người nhỏ đã tròn 24 tuổi. Ai cũng có cuộc sống riêng nên tất cả đều muốn ông dọn lên bờ ở. Nhưng ông tin rằng mình không thể đi xa chiếc ghe này.
Ông tâm sự, từ đời của cha, việc cứu người đã ăn sâu vào máu thịt. Ông luôn được dạy: Không thể thấy chết mà không cứu. Một cuộc sống ổn định và đầy đủ hơn thì ai cũng mong. Nhưng nghĩ đến những người nghĩ quẩn sẽ gieo mình xuống sông để tự vẫn trong phút bồng bột nhất thời thì ông lại không muốn đi nữa.
Ông cũng kể thêm, những người có ý định quyên sinh ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Người trẻ thì thất tình, hoặc thất bại trong cuộc sống, người lớn hơn một chút thì nợ nần, bị dồn vào đường cùng, còn người già thì lại buồn chuyện con cháu, tán gia bại sản.
Mỗi khi cứu được ai, ông đều đem họ ra mạn ghe, lau khô người, đưa quần áo sạch cho mặc và đợi họ bình tĩnh để nói chuyện.
Ông luôn khuyên răn những người tự tử: “Cái quan trọng nhất chính là mạng sống. Còn sống là còn tất cả. Đừng vì phút bồng bột nhất thời mà bỏ đi thứ quý giá mình đã được ban cho. Biết bao người trong bệnh viện phải giành giật từng giây từng phút để được sống còn mình thì lại quăng cuộc đời đi một cách không thương tiếc”.
Mỗi lần như vậy, họ đều khóc, nói về trở ngại đang gặp. Rồi sau đó, khi quay lại đây, ai cũng khác hẳn. Rất nhiều người nói, ông đã cho họ thêm một cuộc đời.
Tiếng “ùm” và những linh cảm lạ
Tiếng “ùm” thật to như một vật gì đó rơi mạnh xuống mặt nước chính là tiếng báo hiệu cho ông mỗi lần có người quyên sinh. Hồi trước, lúc còn chèo ghe bằng tay, ông phải mất hơn 10 phút mới ra được đến giữa sông. Nhưng bây giờ khi có ghe máy, ông nhanh hơn rất nhiều, chỉ mất tầm 3 phút.
Giac quan ky la cua hiep si giao thong Ba Chuc-Hinh-2
Ông Ba Chúc cũng như người dân khác sống trên sông với cuộc đời vô cùng giản dị. Ảnh Kim Huyên 
Mạng sống con người lúc đấy chỉ còn đếm bằng giây, nên ông luôn lao ra nhanh hết mức có thể. Nếu ai may mắn còn chới với trên dòng nước thì ông kéo lên, còn ai chìm rồi thì phải xem họ sủi tăm ở đâu, dùng dây thừng cột vào tay và lặn xuống vớt.
Ông không nhớ mình đã cứu vớt được bao nhiêu người nữa. Ông nói: “Đếm cũng không để làm gì. Mình không mong ai trả ơn, chỉ mong cứu họ lần này và không gặp lại họ trong hoàn cảnh tương tự nữa”.
Ông cho biết, việc sợ nhất ông làm là vớt xác. Hồi mấy lần đầu, ông về còn run, không dám ăn cơm nhưng sau dần thì cũng quen. Thường thì ông đi ghe trên sông, nếu thấy thì vớt vào bờ còn không thì các xà lan trong khu vực thấy sẽ gọi ông đến.
Giac quan ky la cua hiep si giao thong Ba Chuc-Hinh-3
Chiếc thuyền nhỏ là ngôi nhà mà vợ chồng ông Ba Chúc vẫn sống bao năm qua. 
Đời ông Ba Chúc cũng đã gặp nhiều việc kỳ lạ rồi. Có lần, tự nhiên ông mất ngủ cả đêm. Cố gắng nhắm mắt như thế nào cũng trằn trọc mãi. Ông lồm cồm ra ngoài mạn thuyền hóng mát. Thế mà chưa được vài phút sau đã có người nhảy xuống sông tự vẫn. Ông liền nhảy vội lên chiếc ghe máy, tháo nhanh dây neo rồi phi ra giữa sông cứu người.
Hay một lần khác, họ hàng bên phía vợ có việc quan trọng, ông sửa soạn đồ đạc để đi thì thấy lòng bứt rứt không yên. Tuy nhiên, ông không thể chần chừ nữa. Khi xong việc trở về, hàng xóm mới cho ông biết là chiều nay có người gieo mình xuống sông mà không ai ra kịp để cứu.
“Rất nhiều khi có linh cảm lạ mà mỗi lần ấy nếu không cứu được ai thì tôi ân hận lắm. Tôi bực bản thân mình vì sao rời khỏi ghe để người ta gặp nạn. Bực vì mình bất lực để họ phải chới với đến kiệt sức trong dòng nước” - ông Ba Chúc nói.
Giac quan ky la cua hiep si giao thong Ba Chuc-Hinh-4
Ông Ba Chúc cười hiền hòa và kể về câu chuyện đời ông. Ảnh Kim Huyên 
Những người dân ở khu vực gần cầu Bình Lợi hay đùa rằng ông tranh ăn với Hà Bá và ví ông nhưng một con rái cá bơi sông. Ông cười xòa: “Làm gì đến mức to tát như thế. Hồi còn trẻ, tôi lặn được lâu lắm, bơi rành rọt ở từng khúc sông, thuộc lòng từng dòng nước lên nước xuống. Giờ đã già, phong độ kém hơn so với lúc trước”.
Nhưng ông Ba Chúc cũng nói thêm, ông sẽ ở đây, tiếp tục cứu người nếu còn có ai gặp nạn, đến khi nào không nổi nữa thì thôi, chứ bây giờ mà lên bờ thì lương tâm cắn rứt lắm.
Theo Kim Huyên/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)