Nghi cô dâu siêu lừa 17 tỷ: Chỉ “bóc phốt” trên mạng có bị điều tra?

Google News

Một cô gái bị tố thuê Rolls Royce, biệt thự…lừa đảo hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là thông tin “bóc phốt”. Trường hợp nào cơ quan chức năng sẽ vào cuộc?

Cô gái bị tố thuê Rolls Royce, biệt thự...lừa cả gia đình chồng
Mới đây, mạng xã hội lan truyền bài đăng tố cáo một cô gái tên N.T.V.A. (Tina Duong, SN 1995, quê Bắc Giang) lừa đảo nhiều người với những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi.
Theo tài khoản Facebook N.L. đăng bài tố cáo V.A, năm 2018, V.A. đã tiếp cận gia đình chị với vẻ ngoài giàu sang, hào nhoáng để hẹn hò với em chồng chị. Cô gái nhiều lần chủ động tặng quà cho gia đình bạn trai, thể hiện sự hiểu biết về những tài sản xa xỉ, đắt tiền.
Điều khiến chị L nghi vấn khi thấy V.A. sau mỗi lần tặng quà cho nhà bạn trai lại đề nghị được vay tiền. Số tiền V.A. vay từ vài trăm triệu đến nhiều tỷ đồng.
Nghi co dau sieu lua 17 ty: Chi “boc phot” tren mang co bi dieu tra?
Hình ảnh được cho là đám cưới của V.A. với em chồng của chị N.L. 
Đáng chú ý, thông tin cho biết, đám cưới giữa V.A. với em chồng chị L. rất xa xỉ, diễn ra tại một khách sạn 5 sao ở Hà Nội. Khách mời của V.A. lên tới vài trăm người, của hồi môn là chiếc Rolls Royce trị giá hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên chị L. cho rằng đây hoàn toàn là chiêu trò lừa đảo của V.A. Cô gái này đã thuê biệt thự, căn hộ hạng sang, thuê xế hộp sang trọng để "làm màu"; thuê người đóng giả bố giàu sang; thuê người tham gia dự tiệc đám cưới; thuê người đóng giả nhân viên công chứng để giao dịch bất động sản... Tổng số tiền mà người tố cáo nói đã bị V.A. lừa là khoảng 17 tỷ đồng.
Trao đối với báo chí, chị L cho biết, chị không tố cáo V.A. vì cô gái 27 tuổi nói có thai, gia đình mình chấp nhận bỏ qua cho V.A., không khiếu kiện. Tuy nhiên, khi nắm bắt được việc V.A. có dấu hiệu lừa đảo nhiều người khác, chị L. muốn cảnh báo mọi người, cũng như muốn có sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
Sau khi bài viết trên được đăng tải có thêm một số người tố V.A lừa đảo như trường hợp một người đàn ông tên N.H.N. (38 tuổi, ở TPHCM) tố về việc bị V.A. lừa khoảng 1,5 tỷ đồng.
Chỉ “bóc phốt” trên mạng…cô gái có bị điều tra
Bài đăng trên thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung tố cáo chưa được kiểm chứng, một số nội dung không thực tế, mâu thuẫn và có thể bị thổi phồng.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, thông tin tố cáo vụ siêu lừa xuất hiện trên mạng xã hội là một chiều, chưa được kiểm chứng, chưa được cơ quan chức năng xác minh. Do đó, chưa thể rõ thực hư đến đâu và nếu các nạn nhân không tố cáo sẽ không có căn cứ để các cơ quan chức năng vào cuộc.
Luật sư Cường cho rằng, dưới góc độ pháp lý, lừa đảo là hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi lừa đảo khác với hành vi "lừa dối".
Trong quan hệ dân sự là hành vi lừa dối làm cho giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không có yếu tố chiếm đoạt mà có thể chỉ là gây thiệt hại. Hành vi lừa đảo là đưa ra thủ đoạn gian dối khiến người khác trao tài sản rồi chiếm đoạt tài sản. Nếu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên, người thực hiện hành vi lừa đảo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, người bị hại, nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch dân sự, kinh tế phải trình báo sự việc với cơ quan chức năng, đưa ra các tài liệu chứng cứ và phối hợp với các cơ quan chức năng để chứng minh mình là nạn nhân của vụ việc lừa đảo thì mới có căn cứ để xử lý.
Còn trường hợp trở thành nạn nhân bị lừa dối, bị chiếm đoạt tài sản nhưng không trình báo, không yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết cũng không có căn cứ để giải quyết.
Như trong sự việc trên, thông tin “bóc phốt” đưa lên mạng xã hội chưa được xác thực, cơ quan chức năng cũng chưa vào cuộc xác minh nên chưa thể kết luận được sự việc này là đúng hay không.
Nếu trường hợp, người bị tố cáo đề nghị xem xét xử lý về hành vi đưa tin sai sự thật, cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc hoặc nếu người đưa thông tin lên mạng xã hội là nạn nhân, nội dung là tố cáo cụ thể và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xem xét xử lý, lúc đó cơ quan chức năng mới có căn cứ để xem xét xử lý.
Đối với nội dung chung chung, không có yêu cầu cụ thể nào, không chỉ rõ hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân nào sẽ không có căn cứ để cơ quan chức năng thụ lý tin báo để xác minh.
Theo nội dung đăng tải, chị L cho biết gia đình mình không tố cáo, đã bỏ qua và không đề nghị cơ quan chức năng xem xét, việc đưa thông tin lên chỉ là có tính chất cảnh báo. Do đó, cơ quan chức năng sẽ không vào cuộc để xác minh đối với vụ việc này.
Trường hợp các nạn nhân có đơn trình báo tố giác tội phạm, cơ quan điều tra sẽ xem xét phân loại đơn. Nếu nội dung đơn và các tài liệu chứng cứ kèm theo đơn có căn cứ cho thấy vụ việc có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ thụ lý tin báo để tiến hành xác minh. Trường hợp đơn thư trình bày về việc vay mượn tiền, vay mượn tài sản, chưa trả lại nhưng không có căn cứ cho thấy có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì cơ quan điều tra cũng không thụ lý tin báo.
Trường hợp nhận tài sản thông qua giao dịch dân sự sau đó gian dối, bỏ trốn, sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản hoặc có điều kiện trả nhưng cố tình không trả lại tài sản thì cũng có thể xem xét thụ lý về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Do đó, trong vụ việc này nếu những người đã từng trao tiền cho cô gái này làm đơn tố cáo và kèm theo các tài liệu chứng cứ để chứng minh có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà có căn cứ, cơ quan điều tra mới thụ lý xác minh để làm rõ.
Luật sư Cường cho rằng, trong quan hệ tình cảm, việc đưa ra những thông tin không đúng sự thật để "lừa gạt tình cảm" là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra nhưng thuộc về đạo đức xã hội và liên quan đến kỹ năng sống, kinh nghiệm sống của mỗi người. Khi đã lừa được tình, các mối quan hệ dân sự tiếp theo có thể là hợp tác làm ăn, tặng cho tài sản hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy nhiên hành vi lừa tình và các quan hệ dân sự là tách bạch. Hành vi lừa tình không có chế tài để xử lý, còn các giao dịch dân sự bị lừa dối thì có thể bị tuyên bố vô hiệu, nếu là hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản, có thể xem xét xử lý hình sự.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt đối tượng truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Nguồn: ATV

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)