Nghi ăn trộm, trói bé 12 tuổi vào xe tải: Phương pháp phản giáo dục tổn thương con trẻ

Google News

(Kiến Thức) - Việc bé gái 12 tuổi lấy trộm tiền của người lớn là hành vi sai trái. Tuy nhiên, việc mẹ bé trói tay chân con vào thùng xe tải cùng tấm biển “phạt trộm” là hành vi phản giáo dục, thậm chí vi phạm pháp luật khiến nhiều người bức xúc.

Nghi bé 12 tuổi ở Quảng Bình lấy trộm tiền, mẹ đẻ bé cùng ông ngoại đã cột chân, trói tay bé vào thùng xe tải với tấm bảng ghi “phạt trộm”, Cách răn dạy con như trên đã vấp phải sự phản ứng của dư luận cả trên mạng xã hội và dư luận tại địa phương.
Theo lời những người trong gia đình, việc cháu bé lấy trộm tiền của người lớn là hành vi sai trái cần phải được giáo dục răn đe để cháu không tái phạm. Tuy nhiên, phương pháp đe nẹt, cột chân, trói tay bé ven quốc lộ cùng tấm biển “phạt trộm” là hành vi phản giáo dục, sẽ dẫn đến bé bị tổn thương về tinh thần, ảnh hưởng đến tâm lý của cháu bé.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội khi nêu ý kiến về hành vi trên của mẹ và ông ngoại cháu bé cho rằng, đây là cách giáo dục đầy bạo lực của gia đình cháu bé và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Nghi an trom, troi be 12 tuoi vao xe tai: Phuong phap phan giao duc ton thuong con tre
 Hình ảnh bé gái bị mẹ trói tay vào xe tải.
Theo quy định của Hiến pháp và các quy định của pháp luật đều ghi nhận tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền trẻ em. Mọi hành vi xâm hại đến thân thể, danh dự nhân phẩm của trẻ em đều là hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí, quy định của Luật trẻ em 2016 nêu rõ, cha mẹ, người giám hộ của trẻ em có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nghiêm cấm hành vi bạo lực, bạo hành trẻ em.
Do đó, với hành vi bắt, trói, mắng chửi đe nẹt cháu bé nơi công cộng như vậy đã khiến bé bị tổn thương tinh thần, xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý, danh dự nhân phẩm của trẻ em, quyền tự do thân thể của trẻ em.
Dưới góc độ pháp luật, đây là hành vi bắt giữ người trái pháp luật, làm nhục và hành hạ người khác. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ, hành vi và hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Nếu có căn cứ cho thấy mẹ và ông bà ngoại của cháu bé thường xuyên đối xử tàn ác với cháu bé, những người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác theo quy định của Bộ luật hình sự. Hành vi bắt trói cháu bé vào xe nơi công cộng (ven quốc lộ nơi nhiều người qua lại) cũng có thể bị xem xét về hành vi bắt, giữ người trái pháp luật. Nếu hậu quả được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm quyền tự do thân thể của cháu bé đến mức độ nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này.
Trong trường hợp hậu quả chưa được xác định là nghiêm trọng, chưa tổn thương nặng nề đến tâm lý, sức khỏe của nạn nhân, chưa làm ảnh hưởng lớn đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân, những người này sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi xâm hại trẻ em.
Luật sư Cường cho rằng, việc này cơ quan chức năng cần phải can thiệp kịp thời, cho cháu bé đi thăm khám, kiểm tra sức khỏe. Nếu cháu bé bị tổn thương về tâm lý, sức khỏe thì cần phải điều trị kịp thời để cháu dần ổn định trở lại. Đồng thời, xem xét làm rõ hành vi của những người thân trong gia đình cháu bé để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Luật sư Cường nêu ý kiến, trường hợp cháu bé có thực sự ăn trộm tiền của ông bà, của mẹ, hành vi này cũng không thể trừng phạt, giáo dục theo kiểu như thế này được. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng bạo lực, hành hạ trẻ em để giáo dục. Việc gia đình cháu bé trói tay, chửi bới xúc phạm bé gái nơi công cộng do nghi ngờ ăn trộm tiền... đây là hành động nhằm mục đích giáo dục nhưng là một hành động rất thiếu giáo dục, phản giáo dục và có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho xã hội.
Bởi ở độ tuổi này, trẻ đã bắt đầu ý thức được về danh dự, nhân phẩm của bản thân, những hành động xúc phạm, uy hiếp tinh thần của cháu bé có thể làm tổn thương nặng nề đến tâm lý khiến bé bị trầm cảm hoặc có thể sẽ xảy ra những phản ứng tiêu cực như tự tử, bỏ nhà đi...
Bởi vậy, cùng với việc can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ cháu bé theo quy định của Luật trẻ em và các văn bản có liên quan, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hành vi để xử lý những người lớn này theo quy định pháp luật, có hình thức răn đe, tuyên truyền, phổ biến để tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra, bảo vệ quyền trẻ em theo quy định pháp luật.
Nghi an trom, troi be 12 tuoi vao xe tai: Phuong phap phan giao duc ton thuong con tre-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Đọc thông tin liên quan đến vụ việc trên, nhiều phụ huynh đã tỏ ra bức xúc và cho rằng, không nên giáo dục trẻ em bằng những phương pháp phản giáo dục như vậy.
“Ở độ tuổi 12, nhất là các bé gái, các em có lòng tự trọng rất cao. Do vậy, nếu phát hiện con lấy trộm tiền phải tìm hiểu xem con lấy tiền vào mục đích gì? Dùng để học tập hay ăn chơi, mua sắm vật dụng cần thiết hay không cần thiết. Từ đó, người lớn có phương pháp để uốn nắn các em không tái diễn những hành vi sai trái như vậy. Có nhiều phương pháp để giáo dục răn đe con cái như giảng giải cho con hiểu việc lấy tiền của người lớn khi chưa xin phép là hành vi sai trái, xấu xí không được tái diễn. Không nên sử dụng những phương pháp đe nẹt thái quá như trên sẽ dẫn đến trẻ tổn thương, khiến khoảng cách giữa người lớn và trẻ ngày càng xa dễ dẫn trẻ đến hành vi tiêu cực” – chị Đỗ Thu Huế một độc giả và cũng là một phụ huynh nêu ý kiến.
Không đồng ý với phương pháp giáo dục trên, độc giả Trần Mạnh Hà cho rằng, dạy trẻ vốn không phải việc dễ dàng nhưng người lớn sẽ sai lầm khi cho mình quyền dạy bảo một cách thái quá khi sử dụng bạo lực hay những phương pháp gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
“Dù biết rằng, khi phát hiện trẻ có hành vi sai trái, lại tái diễn nhiều lần, người lớn dễ bức xúc mà không kiềm chế được bản thân, sử dụng những biện pháp răn đe một cách thái quá. Nhưng những phương pháp giáo dục trên đã lạc hậu, nhất là ở thời điểm mạng xã hội phát triển, có thể làm tổn thương đến trẻ nhất là trẻ ở độ tuổi đã biết suy nghĩ, biết xấu hổ dễ dẫn trẻ đến hành vi tiêu cực như bỏ nhà đi, hoặc hành động mà người lớn không lường trước được” – anh Hà nêu ý kiến.
Nhiều độc giả khác cho rằng, việc phạt bằng cách bêu xấu con cái trước thiên hạ như vậy sẽ làm tổn thương tinh thần của đứa trẻ và đây là cách làm phản giáo dục, vi phạm pháp luật. Thay vì phạt một cách tàn nhẫn như vậy, người lớn nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến trẻ có hành vi sai trái để từ đó có cách uốn nắn, giáo dục bằng những phương án mềm, vừa hiệu quả lại không làm trẻ bị tổn thương.
Chiều 30/5, thông tin từ Công an huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, đơn vị này đã vào cuộc, lập hồ sơ để xử lý vụ việc một cháu bé bị trói vào thùng xe tải.
Sự việc xảy ra vào khoảng 17h ngày 29/5, tại địa bàn xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch), nhiều người đi đường đã phát hiện bé gái 12 tuổi bị gia đình trói 2 tay sau thùng xe dựng ngoài đường cùng tấm biển “phạt trộm”.
Qua xác minh ban đầu của cơ quan công an, cháu bé bị cột chân, trói tay vào thùng xe tải là N.T.T. (12 tuổi), trú xã Lý Trạch. Người dùng dây thừng trói bé gái này là mẹ của cháu bé.
Mẹ của cháu khai nhận, do con gái hay trộm vặt trong gia đình nên chị đã cột chân, trói cháu bé vào đuôi xe tải của gia đình nhằm mục đích răn đe. Người phụ nữ này cũng đã nhận thức rõ việc làm sai trái của mình và cam kết không tái diễn sự việc. Cơ quan công an cũng xác nhận không có chuyện người mẹ và người thân đánh đập bé gái như cộng đồng mạng lan truyền. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Điều tra vụ bé gái 4 tuổi nghi bị bố mẹ bạo hành tử vong tại Hà Nội

Nguồn: ANTV

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)