Sự việc gần đây nhất là cụ ông 75 tuổi quyết giành bằng được xe bán hàng rong trái phép tại quận 1, TP.HCM. Cứ như thông tin cụ này cung cấp trên báo chí thì, cả hai vợ chồng cụ đều về hưu; hai đứa con đã lập gia đình và ra ở riêng.
Thế nhưng, cụ nói rằng, cả nhà mưu sinh bằng xe hàng rong. Mới đây, hai vợ chồng còn dành mãi mấy tháng lương hưu mới mua thêm được cái xe cá viên chiên, nên khi thấy nguy cơ bị tịch thu thì cả nhà ra ngăn cản, thậm chí to tiếng, cãi nhau với lực lượng chức năng do ông Đoàn Ngọc Hải (Phó Chủ tịch UBND Q.1) dẫn đầu đi dẹp vỉa hè, lòng đường.
Thực tình, nghe câu chuyện của cụ, có nhiều ý kiến trái chiều. Cá nhân người viết bài này thì thấy rằng, cái cách giải thích đó là sự bao biện, lấp liếm sẵn có trong hàng triệu con người quen bám víu vào cái cớ mưu sinh để “làm bậy”.
|
Cụ ông quyết giành xe vi phạm ở TP.HCM. |
Cụ ông ấy, cả gia đình ấy thừa biết, thậm chí biết rõ hơn tất cả những người khác rằng, cái vỉa hè ấy, cái lòng đường ấy, cái đoạn phố ấy là nơi cấm bán hàng rong từ bao lâu nay. Nó đã được ghi trong các văn bản mang tính pháp lý, chứ chả phải chuyện chơi, hay nói mồm.
Chả có ngày nào không có lực lượng chức năng đi tuyên truyền, kiểm tra, xử lý việc buôn bán trên vỉa hè, dưới lòng đường. Mà có khi chính cụ cũng từng nhiều lần bị nhắc nhở, có khi từng bị xử lý rồi cũng nên. Thế nhưng, cụ và bao người vẫn làm ngơ, vẫn một mực đẩy xe ra đấy bán hàng, cứ như chốn không người.
Hai cụ có lương hưu; con cái đã lập gia đình ra ở riêng mà vẫn kêu rằng, xe hàng là “cần câu cơm duy nhất”, “nếu bị tịch thu thì không biết sống bằng gì…”. Chẳng lẽ, lương hưu của hai cụ không đủ sống một cuộc sống đạm bạc, tử tế?
Dù ở góc độ nào đó, chúng ta có thể thông cảm với cụ và với những người bán hàng rong trên khắp các vỉa hè, lòng đường ở đất nước vì cuộc sống mưu sinh.
Thế nhưng, cả xã hội cứ lấy cớ là mưu sinh, là miếng cơm manh áo, rồi bất chấp tất cả, bất tuân cả luật pháp để “làm bậy” thì thử hỏi, xã hội này có còn là xã hội của loài người? Có còn là xã hội tiến bộ?
Lại nhớ đến câu chuyện cách đây chưa lâu cũng làm dư luận đặc biệt chú ý. Đó là chuyện một thương binh 53 tuổi quê ở Hà Nam lên Hà Nội làm nghề chạy xe xích lô chở hàng thuê. Hôm đó, ông này chở tôn, va vào xe đạp của cháu bé 9 tuổi, tôn cứa vào cổ khiến cháu bé tử vong.
Chuyện gì đến cũng đến. Cơ quan pháp luật vào cuộc, rồi truy tố ông này về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông theo khoản 1, điều 202, Bộ luật hình sự”.
Trên mạng dấy lên hai chiều thông tin: Một bên phẫn nộ vì ông này đã cướp đi tính mạng của cháu bé; bên kia là những nhà “cảm xúc học” cho rằng nên nương nhẹ với người đàn ông, bởi cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, vì mưu sinh cả thôi.
|
Chiếc xe chở tôn cồng kềnh gây tai nạn chết người. |
Vâng, vẫn biết cần phải thông cảm, thậm chí những cơ chức năng, rồi những người thành đạt trong xã hội cần phải phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”… nhưng ở góc độ pháp lý, chúng ta lại phải sòng phẳng với nhau.
Sòng phẳng ở chỗ: Chúng ta đang sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật, xây dựng “nhà nước pháp quyền”, nghĩa là mọi người, mọi hành vi đều phải theo quy định của pháp luật. Không ai được sống ngoài vòng pháp luật, không ai được sống trên pháp luật và càng không ai được chà đạp lên pháp luật.
Nếu chúng ta đều thống nhất nhau về quan điểm như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ hành xử đúng mực, chuẩn chỉnh hơn.
Quay trở lại câu chuyện của vị thương binh tội nghiệp kia. Nói tội nghiệp vì ông đã hy sinh một phần xương máu ở chiến trường cho đất nước này, nay về cuộc sống đời thường, ông phải lên thành phố lặn lội mưu sinh vất vả.
Tuy rằng, ông cũng không phải là người vất vả nhất và ông cũng không phải là người duy nhất vất vả trên thế gian này, trên đất nước này, và ngay cả trên làng quê nhỏ bé của ông.
Thế nhưng, nếu lấy lý do mưu sinh để chở cả những tấm tôn to tổ chảng, kềnh càng, chạy bất chấp trên khắp phố phường, gây nguy cơ mất an toàn cho bao người xung quanh thì sao có thể chấp nhận được?
Ai có thể bù đắp cho sự mất mát mà cha mẹ, người thân của đứa bé 9 tuổi đã ra đi kia?
Rồi nếu chúng ta cứ thỏa hiệp, thương xót hành vi chở tôn, chở sắt, cồng kềnh kia thì liệu một ngày, tai họa ập đến chính chúng ta, người thân của chúng ta thì chúng ta có còn thương xót được nữa?
Chúng ta cứ thương cảm, dung túng cho hành vi bán hàng rong trái phép của hàng vạn người ở phố cổ Hà Nội, ở vỉa hè Thủ đô, ở khắp phố xá Sài Gòn, rồi Đà Nẵng, Hải Phòng, Huế… thì bao giờ chúng ta mới có một con phố sạch đẹp, văn minh như chính mỗi chúng ta vẫn hằng mong ước?
Theo Bộ (LĐ-TB&XH, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tổng số hộ nghèo trên cả nước năm 2016 là 1.986.697 hộ (chiếm tỷ lệ 8,23%), tổng số hộ cận nghèo là 1.306.928 hộ (chiếm tỷ lệ 5,41%).
Nếu cứ lấy cớ vì nghèo, vì mưu sinh, hàng triệu người trong danh sách hơn 1,9 triệu hộ nghèo kia ra đường “làm bậy” thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Chắc chắn sẽ trở thành mối nguy cho cả xã hội…