Ngày 19/6, trên một trang fanpage Facebook đăng bài thơ kèm theo những dòng chia sẻ rất xúc động dành tặng cho phi công Su-30MK2, Đại tá Trần Quang Khải nhân Ngày của Cha.
Tác giả bài thơ là Vũ Phương Trang ở Thái Bình. Phương Trang viết bài thơ để thay lời người con gái nhỏ gửi đến Đại tá Trần Quang Khải - người đã hy sinh ngày 14/6 khi lái máy bay Su-30MK2 thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.
|
Bài thơ gửi phi công Trần Quang Khải đăng trên Facebook. Ảnh chụp màn hình. |
Nguyên văn bài thơ như sau:
“Bố Khải ơi... con hỏi bố chuyện này:
Sao bố cứ nằm im mãi thế?
Xong chuyến bay lần nào bố cũng kể,
Sao hôm nay bố chẳng nói câu gì?
Bố Khải ơi... Bố mở mắt ra đi...
Bố đã ngủ mấy ngày rồi đó!
Bố kể rằng kỉ cương quân đội khó...
Ăn ngủ, nghỉ ngơi, phải đúng giờ mà?
Bố Khải ơi... Nhà mình có ít người
Bố bảo con sẽ có thêm em bé...
Bố con mình sẽ cùng thương yêu mẹ
Và cả em con... em sắp chào đời!
Bố bảo rằng mẹ đã quá thiệt thòi
Bố con mình phải chở che cho mẹ,
Vợ bộ đội, mẹ can trường mạnh mẽ,
Gánh vác việc nhà mẹ chẳng được nghỉ ngơi,
Bố Khải ơi... Qua nay rất nhiều người,
Đến nhà chơi... Sao lạ lùng đến thế?
Toàn hỏi bố thôi... con tự hào khoe, kể,
Bố của con tung cánh sắt giữ trời...
Họ nhìn con... ôm ấp... rồi cười,
Xong lại khóc ... Nói thương con bé bỏng,
Con chẳng hiểu sao họ nói : chờ, trông,ngóng?
Bố bay bao lần... Họ có đến thế đâu?
Bố Khải ơi... vải chưa hái hết đâu,
Ông bảo rằng chờ bố về thu hoạch,
Bắc Giang mình vải ngọt thơm chín mọng,
Ông chẳng thu... nhất quyết đợi bố về,
Bố Khải ơi... bố công tác xa quê,
Nhiều chuyện quá chừng... chắc rằng bố muốn kể,
Ông với mẹ và con chỉ mong có thế
Bố về, ăn cơm, kể chuyện bầu trời...
Bố Khải ơi... mọi người đến đủ rồi,
Hay nhà mình hôm nay mở tiệc?
Chắc bố khoe con, chăm ngoan, đoàn kết,
Nên các cô, các chú đến chúc mừng,
Nhưng bố ơi con thấy lạ quá chừng,
"Hoa họ tặng"... sao to đùng thế nhỉ?
Rồi mắt ai cũng đỏ ngoè, đẫm lệ,
Con thưa, bố Khải ngủ rồi, con gọi mẹ tiếp thay!
Bố Khải ơi... trời nóng có lạnh đâu,
Sao bố cứ đắp chăn, trùm kín mặt?
Bố kéo xuống đi,rồi nằm nghiêng cho dễ thở,
Con dễ ôm hôn, dễ ngắm bố cười,
Bố Khải ơi... hôm nay chủ nhật rồi,
Bố có biết hôm này ngày của bố?
Bố hứa con ngoan, bố về cho đi phố,
Con ngoan mà... bố dậy cõng con đi,
Bố Khải ơi... Sao bố chẳng nói gì?
Con đã nói ngàn lời: "Con Yêu Bố!"
Bố không nghe thấy, hay giận con gì vậy?
Sao bố lặng im... Sao bố chẳng nói gì?”.
|
Đại tá Trần Quang Khải sau một lần hoàn thành chuyến bay. Ảnh: Zing News. |
Cùng với bài thơ là những dòng tâm sự xúc động của tác giả Vũ Phương Trang:
“Chú Khải, trước kia con không biết chú là ai, và có lẽ nhiều người cũng vậy, nhưng giờ này cả Tổ Quốc hướng đến chú và đồng đội, những con người đã cống hiến cả đời cho sự bình yên của dân tộc!
Chú mãi mãi trẻ đẹp ở tuổi 43, chú bằng tuổi mẹ con, năm nay con đã 18 tuổi rồi, con cứ nghĩ rằng "bạn" nhà chú có lẽ chừng tuổi con. Nhưng hôm qua đọc báo con mới biết, đau đớn lắm chú ơi, chú mải miết cống hiến cho đất nước mà lập gia đình muộn, em còn quá nhỏ bé chú ơi, 3 tuổi vẫn còn quá khờ dại, vẫn còn bé bỏng lắm, em làm sao có thể hiểu được hết nỗi đau này, lớn rồi làm sao em có thể chịu được đây?
Con được sống đủ đầy trong tình thương của cha mẹ và của anh trai, nhưng nhà con cũng có 1 người em mất cha từ sớm, lúc cậu con qua đời em con nó mới tròn 4 tuổi, cũng là độ tuổi ngây thơ như em gái bây giờ, lúc bố nằm đó nó không hề khóc, nó cứ loanh quanh bên bố bảo sao bố ngủ say thế, bố dậy dẫn con đi buông diều, mọi người đến chia buồn em cũng hỏi sao nhà đông vui mua nhiều hoa thế, lúc đó cả nhà con khóc ngất cả đi, lúc đưa tang em không chịu chống gậy mặc áo trắng, cứ nằng nặc đòi đeo cái khăn vàng cho đẹp, đưa bố vào quan thì em gào lên rằng sao bắt nhốt bố, trời nóng sao các chú bắt nhốt bố cháu không để bố cháu nằm giường, em còn quá ngây thơ khờ dại, thấm thoắt đã 8 năm rồi nhưng con còn nhớ như in cảnh đó, tội nghiệp lắm chú ơi.
Hôm nay là ngày của cha, con nói yêu bố con, bố con bảo "chẳng ai ở với bố mẹ mà sướng như mày, được chiều chuộng chẳng phải lo nghĩ gì, bé đến lớn chưa bị bố mắng câu nào".
Con bỗng nhiên nghĩ đến em nhà chú, xót xa quá chú à, phải dùng từ nào để diễn tả nỗi thương đau này đây? Em gọi bố chú sẽ chẳng trả lời, em nói yêu cha chú cũng không ôm hôn em được nữa, nghĩ mà quặn thắt trái tim chú ơi...
Viết bài thơ này chú không thể đọc được, gia đình chú cũng không chắc có ai đọc được, nhưng con chỉ viết lên dòng cảm xúc của con thôi, bằng nước mắt, tấm lòng, trái tim và tất cả niềm tôn kính với công ơn của chú, của các chú với đất nước mình,Tổ Quốc ghi công các chú - những người con ưu tú!
Có lẽ nhiều người nghĩ con câu like, mặc kệ họ đi, tấm lòng con con không thẹn, nếu như nhiều like mà giúp những con người ưu tú như chú và đồng đội trở về, con nguyện dùng những lời lẽ hoa mĩ nhất kể cả là giả tạo để được nhiều like, các chú sẽ về.
Nhưng chẳng còn gì để thay đổi mọi chuyện, chú ơi, an nghỉ chú nhé!
Nếu gia đình người thân chú có ai đọc được, con xin gửi lời chia buồn sâu sắc, xin gia đình hãy vững tâm, vượt qua đau thương này, Tổ Quốc khắc ghi công ơn của chú, chú là niềm tự hào của đất nước!
Ngủ ngon chú nhé, hãy trở về và mỉm cười trong những giấc mơ của con trẻ, chú đừng lặng im…”.
Bài thơ của Phương Trang đã được rất nhiều người chia sẻ và đồng cảm.
Facebooker Đào Tiên viết: “Một ông bố vĩ đại trong hàng triệu ông bố vĩ đại. Chú chưa bao giờ mất, chú đã, đang và sẽ sống mãi trong trái tim những người ở lại. Bài thơ xúc động từ những câu chữ đầu tiên. Cảm ơn tác giả!”.
Thành viên có tên Ngọc Thúy chia sẻ: “Thật xúc động khi đọc những vần thơ viết về sự ra đi của người lính thời bình, về nỗi niềm, tình cảm của người con với người cha. Dù là thay lời con bố Khải nhưng bài thơ rất hay, ý nghĩa vô cùng”.
“Tôi đã khóc rất nhiều khi đọc bài thơ và những dòng tâm sự của bạn. Những ngày qua từng giờ, từng phút cả dân tộc đau đớn xót xa trước sự ra đi của anh Khải. Và thêm nữa những đồng đội đi tìm anh chưa một ai trở về. Nỗi đau này không phải của riêng ai. Cầu cho anh Khải sớm siêu thoát! Hy vọng 9 đồng đội của anh sớm trở về!”, Facebooker Pham Bich Ngoc nghẹn ngào.
Bạn Hạnh Nguyễn viết: “Cám ơn Trang nhiều lắm, ở tuổi này mà cháu có những suy nghĩ như thế quả là đáng khâm phục. Cô đã khóc khi đọc bài của cháu đấy, cô đã gần tuổi 40 rồi mà việc bố mất đi vẫn còn là nỗi nhớ không nguôi huống gì nhà chú Khải. Chính vì thế, đó không còn là nỗi đau của riêng gia đình chú ấy nữa mà đó còn là nỗi đau của Tổ quốc khi mất đi những người con ưu tú của mình”.