Nghẹn lòng cảnh con trai cản mẹ vào viện thăm, 9 năm đón Tết cô độc

Google News

Sợ mẹ lo cho con ảnh hưởng sức khỏe và có thể gặp nguy hiểm bởi căn bệnh hiểm nghèo của mình, người con trai năn nỉ mẹ nếu nhớ thì chỉ cần gọi điện nói chuyện, đừng bao giờ vào viện thăm nữa.

9 năm, anh D. (52 tuổi, ngụ TP.HCM) phải đón Tết tại Bệnh viện Nhân Ái (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước).
9 mùa xuân không một lần về nhà dù có đôi lần đủ sức khỏe được bác sĩ cho về, người đàn ông vẫn một mực từ chối.
Nghen long canh con trai can me vao vien tham, 9 nam don Tet co doc
Anh D. tại khoa Săn sóc đặc biệt, Bệnh viện Nhân Ái.
5 ngày, 4 đêm đối diện tử thần
D. nói, đó là cả một câu chuyện dài. Bây giờ ân hận cũng muộn màng, anh chỉ muốn sống những tháng ngày bình dị phía trước với các nhân viên y tế, với núi rừng tịch mịch xa xôi. Và với những bệnh nhân HIV, người cùng cảnh ngộ với anh.
Ngày ấy, D. là một doanh nhân thành đạt. Đi đâu anh cũng có kẻ cơm bưng, người nước rót.
Kiếm tiền quá thuận lợi, những cuộc ăn chơi đàn đúm, giao hoan thâu đêm suốt sáng xuất hiện với tần suất ngày một nhiều hơn.
Rồi cũng đến ngày cơ thể anh phát hiện triệu chứng lạ lùng. Cứ về chiều là D. lên cơn sốt. Anh sụt đến vài chục ký mà không rõ nguyên nhân.
Một hôm, người bạn của anh D. biết chuyện liền buột miệng: "Coi chừng mày bị SIDA đó".
Quá bất ngờ và tức giận, người đàn ông chửi bạn mình một trận nhưng cũng quyết định vào Viện Pasteur TP.HCM kiểm tra.
Kết quả xét nghiệm khiến tất cả bàng hoàng: D. bị HIV, đã chuyển sang giai đoạn AIDS.
"Tôi không tin mình bị, vì tôi nghĩ mình đâu có hút chích gì. Bác sĩ khuyên tôi đi xét nghiệm lao, tôi cũng không đi.
Tôi quyết định quay lại Viện Pasteur kiểm tra lần nữa, và kết quả vẫn vậy. Lúc này thì không còn nghi ngờ gì. Tôi suy sụp thật sự" - D. kể tiếp.
Vậy là người đàn ông được điều trị bằng ARV khẩn cấp với phác đồ nặng nhất. Đến ngày thứ 8 của cuộc điều trị, D. lên cơn tai biến nặng.
Vào bệnh viện Nhân dân 115, các bác sĩ tại đây lại tiếp tục phối hợp với ekip Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn cho bệnh nhân.
Nghe mang máng bác sĩ nói tình hình của mình quá nặng rồi, D. lấy hết sức bình sinh trong cơn vô thức, thì thào với mẹ: "Mẹ ơi cho con về, có chết thì con cũng chết trong lành lặn ở nhà mình".
Xe cấp cứu về đến nơi, cả gia đình dòng họ đã tề tụ. Thầy tụng cũng đến tự lúc nào, chỉ chờ giờ lành, rút ống rồi khấn cho bệnh nhân.
"Một bà chị có đạo còn đến đọc kinh cho tôi liên tục 3 giờ. Nhưng đọc mãi mà không đi.
Qua 5 ngày 4 đêm vẫn chưa chết, tôi tự nhiên tình lại, hỏi người nhà sao không cho mình uống thuốc. Thấy vậy sao hồi bàn bạc, cả nhà quyết định sẽ đưa tôi lên Bệnh viện Nhân Ái điều trị.
Phía bệnh viện yêu cầu phải có giấy chứng nhận nhiễm HIV mới tiếp nhận, nhà tôi lại một lần nữa quay lại Viện Pasteur xin trợ giúp" - người đàn ông thuật lại.
Khi mọi thủ tục xong xuôi, chuyến xe đưa D. từ trung tâm TP.HCM đến huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) cách đó hàng trăm cây số lăn bánh.
Đến nơi, D. đã trong tình trạng liệt nửa người, hơi thở yếu ớt. Nhưng bằng cách nào đó của số phận, anh thoát chết ngoạn mục.
"Thời gian đầu tôi không tự ăn uống, đi vệ sinh được, toàn phải mặc tã. Nếu không có các y bác sĩ chăm sóc đàng hoàng, không có các sơ lo lắng, cầu nguyện chắc tôi đã chết rồi" - anh D. khẳng định.
"Mẹ thương con xin đừng vào đây nữa"
Và kể từ đó, bóng dáng người đàn ông với mái đầu điểm bạc mỗi ngày lặng lẽ ra trước tượng Chúa Trời cầu nguyện đã dần trở nên quen thuộc với nhân viên y tế tại khoa Săn sóc đặc biệt.
Tết về, chuyện xưa lại hiện ra trong trí nhớ của người đàn ông hoài cổ. D. tâm sự, có năm sức khỏe anh đột ngột lao dốc, nghĩ khó qua khỏi.
Có lần đang điều trị song song giữa ARV và thuốc lao, hai mắt anh tối sầm lại tưởng đã mù lòa. Ấy vậy mà sau khi uống dầu cá, ánh sáng từ từ trở lại.
Phóng viên hỏi lại, giờ chọn lựa giữa ăn Tết với gia đình với ăn Tết tại viện, anh sẽ chọn thế nào?
Và người đàn ông đáp lời ngay, rằng vẫn chỉ muốn ở Nhân Ái thôi. Tết ở đây vui hơn, có bạn bè cùng cảnh ngộ, có người tâm sự. Về nhà mà không điều trị đàng hoàng, anh lại ói mật xanh mật vàng, lại ám ảnh cái chết thêm lần nữa.
Nhưng còn một lý do khác lớn hơn: D. sợ, anh lại làm khổ mẹ mình.
Mẹ D. năm nay 89 tuổi rồi, gần Tết cứ nằng nặc đòi lên thăm nhưng anh không chịu. Có lần bất ngờ thấy bà trong viện, D. gọi về trách móc người nhà sao lại để mẹ đi như vậy.
"Thấy mẹ lên thì tôi vui lắm, nhưng sợ mẹ có chuyện gì mình sẽ ân hận cả đời. Nên tôi năn nỉ mẹ, mẹ ơi nếu thương con thì gọi điện cho con được rồi. Xin mẹ đừng vào đây nữa..." - giọng D. trầm xuống.
Và anh cũng không muốn gặp người đầu gối tay ấp với mình trước khi lâm cơn bạo bệnh. D. nói, mình không có tư cách để đòi hỏi tình thương. Cô ấy giờ đã có cuộc sống mới, bên chồng và đứa con sau.
Con trai duy nhất của anh giờ đang chạy xe ôm công nghệ, và D. giờ đã lên chức ông nội. Thấy người thân yên ổn, D. lấy đó làm niềm an ủi cho cuộc đời.
Đã có lúc người đàn ông nảy lên suy nghĩ sẽ quay về chốn cũ, làm lại từ đầu khi sức khỏe ổn định. Biết rằng nó dường như là chuyện "hái sao trên trời" nhưng vẫn hơn việc chờ ngày trút hơi thở lìa đời.
Suy nghĩ lạc quan, chọn đối mặt với thực tế là cách mà anh D. cầm cự gần chục mùa xuân ở vị trí một bệnh nhân HIV.
Không chỉ riêng người đàn ông, hơn 400 bệnh nhân khác đang diều trị tại Bệnh viện Nhân Ái cũng sẽ đón Tết Kỷ Hợi 2019 xa gia đình.
Theo Hoàng Lê/Toquoc

>> xem thêm

Bình luận(0)