Nếu cuối những năm 80 phương tiện được người dân Thủ đô sử dụng chủ yếu là xe đạp thì sau hơn hai thập kỷ xe máy, ô tô đã lên ngôi. Cho đến nay, phương tiện cá nhân tăng, tốc độ đô thị hóa tăng từ 10- 12%/năm nhưng hạ tầng chỉ tăng 1%.
Đây chính là nguyên nhân mà theo TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) gây ra tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra giữa Thủ đô.
|
TS Nguyễn Xuân Thủy.
|
Phương tiện tăng 10%, hạ tầng chỉ tăng 1%
TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết, giao thông Hà Nội được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất từ những năm 80 của thế kỷ XX, Hà Nội là thành phố không có nhiều phương tiện giao thông cơ giới. Phương tiên của người dân Hà Nội lúc đó chủ yếu là xe đạp. Thời điểm này Hà Nội có khoảng 1,5 triệu xe đạp.
Kể từ năm 1986 (giai đoạn 2), nhờ chính sách Đổi mới và sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng (khoảng 7 đến 8% mỗi năm trong những năm đầu của thế kỷ 21, rất nhiều cư dân thành thị đã có thể mua và sử dụng xe máy và xe hơi. Đây được xem là thời kỳ mô tô hóa, toàn thành phố có khoảng 5,5 triệu xe máy.
“Từ 2005 đến giờ (giai đoạn 3), bắt đầu phát triển ô tô cá nhân. Mỗi năm tăng 10- 15%, thậm chí có năm tăng lên 20%. Hiện nay Hà Nội có khoảng độ 55 vạn xe máy. Song song với đó, giao thông công cộng những năm 80 đáp ứng nhu cầu sử dụng khoảng 0,4%, những năm 90 đáp ứng được khoảng 6% hiện nay là 8- 10%” – TS nói.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, ở Hà Nội diện tích dành cho giao thông chỉ chiếm 4%. Các con đường trong nội đô Thành phố thường ngắn và hẹp: trong số những tuyến đường nội đô hiện nay có gần 70% là những con đường rộng không tới 11 mét. Nhiều tuyến đường còn rộng không tới 5 mét, đặc biệt ở những vùng lân cận được xây dựng trong thời bao cấp nơi năm 2004 có khoảng 79% tổng dân số thành phố sinh sống. Việc các phương tiện giao thông lưu thông trên những tuyến đường này thường rất khó khăn, và chỉ các loại xe 2 bánh có thể ra vào.
“Phương tiện cá nhân tăng, tốc độ đô thị hóa tăng từ 10- 12%/năm nhưng mà hạ tầng chỉ tăng 1% cho nên hạ tầng và giao thông công cộng gây ra sự bất cập giữa cung và cầu. Cuối cùng là đưa đến vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông” – TS Thủy nhấn mạnh.
Ùn tắc là hệ quả tất yếu
TS Thủy cho rằng, việc ùn tắc giao thông trong những năm qua được thống kê như sau: Năm 2012 trở về trước thì TP HN có khoảng hơn 100 điểm đen về ùn tắc giao thông, khoảng 2014 còn 80 điểm ùn tắc, hiện nay còn khoảng 45- 50 điểm ùn tắc. Ùn tắc từ 15 phút trở lên có những điểm ùn tắc tới 4 tiếng đồng hồ.
“Ùn tắc, TNGT gây cho TP HN và HCM thiệt hài mỗi năm không ít hơn 15.000 -20.000 tỷ đồng. Mỗi thành phố mỗi năm chứng kiến 300 – 400 người chết. Tổn thất này không thể tính được gây ra sự tang thương, mất mát” – TS Thủy nhấn mạnh.
Ngoài ra, những vụ tai nạn giao thông khiến mỗi năm có hàng trăm ô tô, hàng nghìn xe máy bị hư hỏng. Và cái thứ ba, theo TS Thủy thì cái này quan trọng nhất, đó là sự ùn tắc đã gây mất quỹ thời gian của mỗi công dân.
“Quỹ thời gian đó để làm gì? Thứ nhất, sản xuất ra tạo ra sản phẩm xã hội, thời gian bị ùn tắc khiến giảm năng suất lao động trong xã hội, giảm năng lực học tập nghiên cứu của sinh viên của các nhà khoa học. Làm giảm khả năng sáng tạo của các nhà quản lý kể cả Thủ tướng, Chủ tich nước nếu đi bị ùn tắc cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ Hà Nội một ngày người dân mất khoảng 20- 30 phút bị ùn tắc nhân với số người và tổng số thời gian trong năm thì tạo ra quỹ thời gian bị mất. Quỹ thời gian đó ở Hà Nội tôi ước tính phải mất hàng triệu ngày công. Tổng toàn bộ chi phí đó mỗi năm mất hàng chục nghìn tỷ" – TS Thủy phân tích.
Ngoài ra, TS Thủy cũng chỉ ra rằng việc ùn tắc cũng khiến người dân mất tinh thần. Bởi nếu cuối ngày khi trở về nhà họ không bị tắc đường thì thời gian đó được nghỉ ngơi nhưng cuối cùng lại chịu kẹt cứng giữa đường… khiến họ không còn thời gian phục hồi sức khỏe và tái tạo sức lao động cho ngày hôm sau.
Đô thị Hà Nội khác biệt với TP Hồ Chí Minh – sôi động, nhịp độ đi lại cao hơn nên nếu ùn tắc cao hơn ở Hà Nội. Tuy nhiên, TS Thủy cho rằng, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị, nhiều cơ quan đầu não đóng trên địa bàn, việc ùn tắc gây nên bức xúc ảnh hưởng đến chất lượng làm việc của các vị tham mưu, lãnh đạo. Sự ảnh hưởng không thể tính hết được.
Để giải quyết được bài toán giao thông đô thị ở Hà Nội, TS Thủy cho rằng Chính phủ cần tăng cường đầu tư, có chính sách đặc biệt và những chế tài mạnh mẽ, quyết liệt nhằm phát triển giao thông công cộng.