Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa thông qua chủ trương điều chỉnh dự án xây dựng và kinh doanh Cảng nước sâu Cửa Lò tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2024.
|
Tổng vốn đầu tư của dự án Cảng biển nước sâu Cửa Lò là hơn 7.324 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 (2024-2028) với gần 5.251 tỷ đồng. |
Cụ thể, Cảng nước sâu Cửa Lò sẽ có ba bến cập tàu, bao gồm hai bến cho tàu có trọng tải tối đa 50.000 DWT và một bến cho tàu 100.000 DWT, với tổng chiều dài 800m và các công trình phụ trợ như: đê chắn sóng dài 1.550 m, cầu kết nối từ cầu dẫn ra bến, luồng tàu, khu quay trở và đậu tàu.
Dự án Cảng nước sâu Cửa Lò sẽ được xây dựng tại khu bến Bắc Cửa Lò (thuộc cảng Cửa Lò), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, và được gắn liền với Khu Kinh tế Đông Nam. Đặc biệt, dự án được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và các khu vực lân cận.
So với quy mô dự án đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thông qua vào tháng 2/2023, dự án sau khi được điều chỉnh sẽ thêm một bến tàu, kéo dài đê chắn sóng và nâng cao năng lực của Cảng biển nước sâu Cửa Lò, cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải tối đa từ 50.000 DWT lên đến 100.000 DWT sau khi dự án được hoàn thành.
Khu hậu phương cảng cũng sẽ được mở rộng diện tích sử dụng đất từ 20 ha lên 32 ha để xây dựng các công trình như: bãi container, trạm tập kết hàng hóa để đóng vào container, kho hàng, bãi hàng tổng hợp, bãi hàng rời, đường nội cảng, bãi đỗ xe, trạm nhiên liệu,…
Diện tích sử dụng mặt biển cho khu cảng nước sâu cũng tăng từ 200 ha lên 208,15 ha để xây dựng các công trình cảng xa bờ, bao gồm: bến cập tàu, đê chắn sóng, cầu kết nối cầu dẫn với bến cập tàu, khu quay trở và luồng hàng hải.
Trước đây, tổng mức đầu tư của dự án Cảng biển nước sâu Cửa Lò là 3.896 tỷ đồng. Tuy nhiên, để điều chỉnh quy mô cảng, tổng vốn đầu tư của dự án đã được nhà đầu tư điều chỉnh tăng lên 7.324,956 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 (2024 - 2028) có tổng vốn đầu tư gần 5.251 tỷ đồng sẽ tập trung vào xây dựng bến số 6 và bến số 7 (50.000 DWT), 1.200 m đê chắn sóng, cầu kết nối số 1, luồng tàu và các công trình hỗ trợ hàng hải, cùng với đường bãi, công trình kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật đi kèm.
Giai đoạn 2 (2029 - 2030) sẽ có vốn đầu tư hơn 2.074 tỷ đồng để xây dựng bến số 5 (100.000 DWT), mở rộng thêm 350 m đê chắn sóng, cầu kết nối số 2, đường bãi, và các công trình kiến trúc cùng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đi kèm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tiến độ dự án bất động sản hàng hiệu tại TP. Hồ Chí Minh: