Ngày xuân về Hải Phòng xem hội chạy đá, vật cầu

Google News

Hàng năm, cứ đến tháng Giêng, tại các địa phương của xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng người đân lại nô nức đổ về xem hội chạy đá, vật cầu.

Lễ hội chạy đá
Lễ hội chạy đá diễn ra vào mùng 9 tháng Giêng hàng năm tại đình Kỳ Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Do biến cố của lịch sử, sau một thời gian dài không tổ chức, lễ hội chạy đá được dân làng Kỳ Sơn khôi phục lại vào năm 2006. Từ đó đến nay, cứ cách 1 năm, dân làng lại tổ chức lễ hội 1 lần.
Mở đầu lễ hội, cụ cao tuổi trong làng trang phục tế chỉnh tề, đại diện dân làng vào đình khấn xin rước đá thiêng ra ngoài. Viên “đá thần” bầu dục, nhẵn, trơn (nặng hơn 10 kg), giấu dưới hồ nước cách đình làng nơi tổ chức hội chừng 10m.
Ngay xuan ve Hai Phong xem hoi chay da, vat cau
 Viên “đá thần” bầu dục, nhẵn, trơn (nặng hơn 10 kg), giấu dưới hồ nước cách đình làng nơi tổ chức hội chừng 10 mét. Ảnh: BHP
Sau khi tế lễ ở đình làng, 12 thanh niên trẻ khoẻ chia làm 2 giáp, mỗi giáp 6 người, khi vào cuộc chơi chạy ba lần theo tiếng trống để mò tìm đá. Cuộc thi mò đá diễn ra trong 3 hiệp, mỗi hiệp khoảng 15 phút. Bên nào tìm được đá phải khéo léo chuyền nhau đưa đá về đình. Các thanh niên này được chủ tế ban tặng mỗi người một chén rượu gừng và một miếng trầu cho ấm bụng. Đường về đình xa, đá lại nặng và trời rét nên rất khó trở thành người thắng cuộc. Mặc dù vậy, vẫn không ai nản chí vì càng chạy đá, họ càng hăng hái.
Sau đó là lễ hoàn đá vào đình và người mò được đá nhận giải thưởng của làng. Người xưa quan niệm ai mò được đá thì năm ấy gia đình và dòng họ làm ăn phát tài, phát lộc.
Nghi lễ chạy đá có ý nghĩa cổ vũ tinh thần thượng võ, khuyến khích con người rèn luyện thể chất để góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Lễ hội vật cầu Kim Sơn
Lễ hội vật cầu Kim Sơn (làng Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) được diễn ra vào mùng 6 tháng Giêng, 3 năm tổ chức 1 lần.
Lễ hội diễn ra nhằm suy tôn tinh thần luyện quân sỹ và công lao của tướng quân Phạm Ngũ Lão (đời Trần).
Lễ hội Vật cầu Kim Sơn mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Ngay từ 30 tết, dân làng đã rộn rã chuẩn bị, dựng cổng chào viết câu đối 'Kiến như đại tân, anh hùng trần lực, vật ngã giai xuân' (tạm dịch: Ngày gặp gỡ lớn, toàn sức vật cầu, quyết giành phần thắng).
Ngay xuan ve Hai Phong xem hoi chay da, vat cau-Hinh-2
 Hàng chục chàng trai lăn xả vào quả cầu tranh giành, mong đưa về được sân nhà. Ảnh: LT
Các họ trong làng vào Hội chia thành ba giáp: Giáp Đượng, giáp Nam và giáp Bắc. Quân của mỗi giáp gọi là giai cầu (gồm 5 chàng trai chưa vợ, khoẻ mạnh). Mỗi giáp có một tổng cờ mặc võ phục đầu chít khăn, chân quấn xà cạp, tay cầm cờ đuôi nheo chỉ huy giành giật cầu.
Quả cầu được làm từ củ chuối có đường kính 30 - 40cm, nặng gần 20kg, được bọc bằng giấy hồng điều có gắn hình tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng đặt trên mâm bồng trong kiệu.
Đúng giờ Thìn (10h sáng) người dân rước kiệu ra đình. Sới vật cầu diễn ra trên sân đình có hình con nhạn. Lỗ cầu cái đào ở giữa sân chính rốn con nhạn. Quả cầu được đặt vào lỗ cái. Sau tiếng 'cắc' trống vang lên; cuộc vật bắt đầu. Quả cầu từ dưới lỗ được rung lên.
Hàng chục chàng trai lăn xả vào quả cầu tranh giành, mong đưa về được sân nhà. Các chàng trai nhễ nhại mồ hôi, cơ bắp nổi lên cuồn cuộn. Tất cả chìm trong tiếng trống thúc, tiếng người hò reo không ngớt.
Thi vật gồm 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Giáp thắng cuộc là giáp đưa được nhiều số lần quản cầu về sân mình nhất. Kết hội, quả cầu được ném xuống hồ bán nguyệt trước cửa đình. Người dự hội thường ào xuống tranh giành lấy một miếng về ăn lấy “khước” của thần làng.
Với những nghi thức độc đáo, đặc sắc, lễ hội vật cầu Kim Sơn thu hút đông đảo các du khách từ nhiều địa phương trên cả nước tới tham dự và là niềm tự hào của người dân Kiến Thụy, Hải Phòng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sôi động 5 lễ hội đặc sắc trên thế giới trong tháng 1:
 
Thiên Di

>> xem thêm

Bình luận(0)