Sau án cải tạo, Năm Cam thêm bạn
Trở lại Sài Gòn, Năm Cam bị cơ quan công an theo dõi và quản thúc sát sao. Năm Cam tạo cho mình vẻ bề ngoài đầy chất lương thiện, khôn khéo đến mức nham hiểm như con cáo, biến hóa linh hoạt như con kỳ nhông biết thay đổi màu sắc phù hợp với môi trường sống của mình sau khi rời trại cải tạo. Hàng ngày Năm Cam có lịch sinh hoạt rất lành mạnh chơi thể thao, xem phim nghe nhạc, thi thoảng thoảng “nể tình” anh em thân hữu mới đi đánh vài ván bài hoặc xóc đĩa.
Thực chất Năm Cam sau khi dính “vố” đã tỉnh táo và khôn khéo hơn rất nhiều, mạng lưới làm ăn, các sòng bạc của Năm Cam vẫn trải dài từ quận 1,3,4,10,11, Phú Nhuận, Bình Chánh. Năm Cam dùng nguồn thu bất chính này nuôi dưỡng đàn em và giao tế để che chắn họat động phạm pháp của y.
Ngoài hàng chục sòng bạc do đàn em Năm Cam làm chủ, y “đầu tư” trực tiếp 4 sòng bạc lớn tại số 4 đường Đồn Đất quận 1; phường 3 quận 4; ngã 3 Biên Hòa - Xa lộ Hà Nội và một sòng tại Hóa An (Biên Hòa). Các sòng bạc này chủ yếu là xóc đĩa và binh xập xám, mỗi ngày Năm Cam thu được ít nhất 200 triệu.
Ngoài “đầu tư đỏ đen” Năm Cam còn hùn vốn nhà hàng Cánh Buồm 300 triệu đồng, nhà hàng Ra Khơi 1 tỷ, Thanh Vy 200 triệu, và có 50% cổ phần ở vũ trường Monaco, Metropolis. Nhiều nhà hàng, vũ trường rất mong được Năm Cam góp vốn, thậm chí là “vốn khống” cũng được, miễn làm sao có được cái tiếng có “có phần hùn vốn của anh Năm” là được. Cái vỏ bọc kinh doanh như thế nâng Năm Cam từ một tên tội phạm lên hàng “đại gia”, uy thế bản thân ngày càng được củng cố, thanh danh lẫy lừng.
Sau lần cải tạo, mối quan hệ của Năm Cam với giang hồ đất Bắc càng thêm khăng khít. Để dọn đường, Thắng “tài dậu” mời Năm Cam cùng bộ sậu gồm Long “đầu đinh”, Hiệp “phò mã”, Hồ Việt Sử ra Bắc lập kế hoạch liên minh. Thắng đưa cả đám này xuống casino Đồ Sơn để học tập kinh nghiệm, rồi xuống Hải Phòng theo lời mời của Dung Hà để đám em út đất cảng ra mắt ông trùm Năm Cam. Thắng phác thảo mạng lưới cá độ bóng đá Hà Nội-Hải Phòng-Sài Gòn, và tất nhiên nhân vật số một của đường dây này không ai khác hơn là “phù thủy” Thắng “tài dậu”. Tiềm năng to lớn của nghề tổ chức cá độ bóng đá đã mê hoặc Năm Cam trước khi đi học tập cải tạo, nhưng vốn thận trọng y thu mình quan sát để chờ thời cơ.
|
Bảy Việt |
Vụ án 2 mạng người
Tối đó, Phan Lê Sơn (SN 1976, là Trung sĩ Cảnh sát hình sự - Công an TP.Hồ Chí Minh) ngồi nhậu cùng một số bạn ở quán Cấm Chỉ số 4 đường Hải Triều (quận 1). Nguyễn Hữu Thịnh, con trai của Thọ “đại úy” cùng vài người bạn ngồi bàn kế phía gần đường Nguyễn Huệ, cách bàn của Phan Lê Sơn khoảng không xa.
Dù còn rất nhỏ tuổi nhưng Thịnh, gọi Năm Cam bằng ông và sớm tỏ ra bất cần đời, học lối sống buông thả, phóng túng của giới trẻ. Ban ngày Thịnh cùng các bạn mình sống dật dờ, hoặc thu mình trong phòng ngủ, cuộc sống của gã thanh niên mới vào đời nầy chỉ thật sự bắt đầu khi màn đêm buông xuống. Lối sống khác thường đó bắt rễ trong tâm hồn Thịnh do ảnh hưởng của cha và đại gia đình Năm Cam. Đi chơi thâu đêm, chẳng với mục đích gì cả, ngoài thỏa mãn nhu cầu la cà tạo ấn tượng cá nhân bằng những lần quậy phá.
Từ Anh Kiệt là một gã oắt con bạn của Thịnh đến sau, rọi pha đèn vào mặt Phan Lê Sơn. Thấy khó chịu nên Sơn đứng dậy gây sự: “Mẹ! Mày là thằng nào vậy!”. Thịnh đứng dậy, bước đến gần Sơn: “Còn mày là thằng nào!” Sơn đập chai bia, tát vào mặt Thịnh: “Thằng nào hả?”.
Hai tên đi xe vừa nhảy ra lãnh luôn một cú đá như trời giáng của Sơn, ôm bụng ngồi tại chỗ. Sơn đạp luôn chiếc xe đổ kềnh ra đường. Tên bị đá nhăn nhó nói: “Mày không biết tao là ai hả? Mày có ngon ở đây chờ tao!”. Sơn thách thức: “Ừ, tao sẽ ở đây chờ coi tụi bây cỡ nào”.
Năng - tên giang hồ lọc lõi, em ruột Dũng “chùa”, nhận ra Thịnh là con của Thọ “đại úy” nên đã vội khuyên: “Tụi này dữ lắm đó, đừng giỡn chơi nghen anh Sơn! Anh về đi”. Hai cặp nam nữ bạn của Sơn sợ tai bay vạ gió cũng vội cáo từ.
|
Thọ đại úy |
Bàn tiệc 9 người chỉ còn 5, trong đó có Sơn và Phạm Phước Hưng (cũng là chiến sĩ công an). Thịnh chạy ra ngoài, vừa tìm trợ thủ trong nhóm bạn bè lau nhau lóc nhóc, vừa gọi điện cho Bảy Việt, đệ tử ruột của Năm Cam đang nhậu với Thọ “đại úy” cầu cứu. Sau đó, Bảy Việt, Thọ “đại úy” dẫn đàn em mang hung khí theo Thịnh chỉ đường tới quán Cấm Chỉ. Tại đây, một cuộc ẩu đả đã diễn ra đẫm máu, phe Bảy Việt, Thọ “đại úy” cậy thế đông người trong lúc hỗn chiến đã lấy mạng 2 chiến sĩ công an, trong đó có Trung sĩ Phan Lê Sơn. Còn Thọ “đại úy” bị đồng bọn đâm nhầm cũng phải đi cấp cứu.
Sau khi gây án, nhóm côn đồ bỏ trốn khỏi hiện trường. Bảy Việt chở Kim Anh tới quán Tân Hải Vân (số 162 Nguyễn Trãi) gặp Hiệp “phò mã” và kể lại toàn bộ sự việc đã xảy ra. Sau khi biết 2 nạn nhân tử vong đều là chiến sĩ công an, Hiệp tức tốc gọi điện cho Năm Cam đang ở Hà Nội. Hiệp “phò mã” bấm số gọi Năm Cam liên tục nhưng không liên lạc được vì thời điểm đó Năm Cam đang nằm cạnh cô học viên trường múa xinh như mộng trong khách sạn LasVegas số 7 Lê Văn Hưu (Hà Nội).
Tới sáng hôm sau, Năm Cam mở máy và nhận được lời nhắn của Hiệp: “Ba gọi điện về ngay, nhà có chuyện, gọi ba từ khuya tới giờ không được!”. Năm Cam vội gọi cho Hiệp, y biết nếu không có chuyện trọng đại, chẳng ai trong gia đình y lại gọi điện trong lúc nửa đêm. Hiệp “phò mã” kể lại vụ đánh nhau ở quán Cấm Chỉ dẫn đến án mạng làm 2 người chết. Năm Cam toát mồ hôi lạnh. Y lật đật tìm chủ khách sạn đặt vé máy bay về Sài Gòn.
Còn nữa...