Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (GSO), trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở nước ta thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỷ lệ kết hôn giảm làm mức sinh giảm tới một nửa trong hơn 30 năm qua. Cụ thể, từ năm 1989 - 2023, trung bình độ tuổi kết hôn lần đầu của nam từ 24,4 và nữ là 23,2 đã tăng lên 29,3 tuổi với nam và 25,1 đối với nữ. Xu hướng không muốn hoặc sinh 1 con đang lan rộng trong các đô thị, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Mức sinh cũng giảm rõ rệt, từ 3,8 con vào năm 1989 xuống dưới 2 con vào năm 2023.
Trong giai đoạn 2013 - 2023, trung bình mỗi năm dân số Việt Nam chỉ tăng khoảng 1 triệu người. Đáng chú ý, tại TP HCM, số liệu thống kê từ báo cáo của GSO vào tháng 7 vừa qua cho thấy, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại TP HCM là 30,4 - mức kỷ lục tại Việt Nam. Số con trung bình của một phụ nữ thành phố trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32.
Không chỉ tại Việt Nam, xu hướng kết hôn muộn hoặc độc thân cũng đang không ngừng gia tăng, nhất là tại các quốc gia đang phát triển. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), có đến 89 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hiện có tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, trong khi cách đây 50 năm chỉ có 8 quốc gia. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của Nhật Bản (34), Italy (34), Pháp (32,9), Nauy (33,1), Đức (32,8).
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Một khảo sát nhanh trên fanpage VTV24 gần đây về lý do mong muốn kết hôn sau tuổi 30 cũng cho thấy, có đến 62% trong số khoảng 400.000 bạn trẻ tham gia khảo sát chọn kết hôn sau 30 vì vẫn còn những nỗi lo về cơm áo gạo tiền.
Việt Nam có xu thế giảm mức sinh thay thế, mặc dù chưa ở mức báo động nhưng điều này chắc chắn sẽ trở thành vấn đề lớn nếu chúng ta không có giải pháp can thiệp từ bây giờ.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết: “Hiện Bộ Y tế đang xin ý kiến, góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu để có báo cáo chính thức trình Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cặp vợ chồng, đối tượng có mong muốn sinh con. Mục tiêu làm sao để có chất lượng dân số, giống nòi tốt nhất”.
Theo các chuyên gia, mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh mục tiêu "duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng". Đây là những định hướng chính sách về dân số rất kịp thời, nhằm cải thiện thực trạng mức sinh thấp tại một số vùng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là nơi xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. Để đạt được điều này đòi hỏi phải có chính sách, chiến lược hỗ trợ công tác dân số trong thời gian tới.
>>> Mời độc giả xem thêm video Kỳ lạ bộ lạc không có đàn ông, phụ nữ sinh con theo cách lạ: