Mưa lớn sau bão, nhiều nơi ngập lụt, giao thông chia cắt

Google News

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hoàn lưu cơn bão số 3 (bão Sơn Tinh) đã gây mưa diện rộng khiến nhiều địa phương lâm vào cảnh ngập lụt. Nhiều tuyến giao thông bị chia cắt vì ngập và sạt lở.

 QL7 ngập sâu trong nước lũ khiến giao thông tê liệt trong ngày 19/7
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, ngày 19/7 tại khu vực tỉnh Hòa Bình, phía Nam Sơn La có mưa rất to. Lượng mưa đo được tại nhiều nơi lên tới hơn 100mm. Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh; ngập lụt tại vùng trũng và đô thị ở các tỉnh: Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nội.
Từ sáng 19/7, tuyến QL7 đoạn qua 3 xã Bảo Thành, Khánh Thành, Công Thành của huyện Yên Thành, Nghệ An bị chia cắt hoàn toàn do ngập sâu trong nước lũ. Ông Nguyễn Việt Phương, Chi cục trưởng Chi cục QLĐB II.2 cho biết: Tính đến 18h, nước vẫn ngập mặt đường khoảng 50cm khiến người và phương tiện không thể lưu thông. Hiện tại, Chi cục vẫn cử người phối hợp với lực lượng CSGT địa phương tổ chức cấm đường và phân luồng cho phương tiện đi theo tuyến khác.
Theo thống kê của Sở GTVT Nghệ An, hiện có 7 điểm trên QL48E; 4 điểm trên QL15; 1 điểm trên QL48 bị nước ngập sâu từ 0,3 - 1m nước. QL16, QL48 và 48D xảy ra tình trạng sạt lở ta luy dương khiến mặt đường bị bồi lấp gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiều ngầm tràn trên các tuyến đường tỉnh, cống trên các tuyến đường huyện, đường liên xã bị ngập, hư hại chưa được khắc phục do nước lũ vẫn đang dâng cao.
Trong khi đó, nước đầu nguồn đang đổ về mạnh khiến các nhà máy thủy điện, các hồ chứa phải mở thêm cửa xả lũ. Đến cuối giờ chiều 19/7, hồ thủy lợi lớn thứ hai tỉnh Nghệ An là hồ Sông Sào đã mở đến cửa xả thứ hai. Nhà máy thủy điện Khe Bố, huyện Tương Dương và nhà máy thủy điện Chi Khê, huyện Con Cuông đang xả qua tràn và phát điện qua 2 tổ máy với lưu lượng bằng lưu lượng về hồ. Nhà máy thủy điện Châu Thắng (Quỳ Châu) đã mở 5 cửa xả lũ với lượng nước 1.200m3/s.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông vào chiều tối 19/7, trên địa bàn tỉnh Nghệ An mưa lớn đã bắt đầu giảm về cường độ. Tuy nhiên, lũ từ các sông, suối vẫn đang không ngừng lên cao gây thiệt hại lớn về hoa màu và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương.
Tại Thanh Hóa, mưa lớn kéo dài cũng khiến 465 hộ dân và 16 điểm dân cư ngập, 6 ngôi nhà bị đổ sập và hư hỏng nặng. 365ha lúa bị ngập trắng, thiệt hại hoàn toàn; 9.212ha lúa bị ngập phất phơ; trên 1.500ha ao nuôi trồng thủy sản bị ngập; 200 con gia cầm bị chết; 2 đập bị hư hỏng… Trên nhiều tuyến đường giao thông QL15C, QL217, đường tỉnh 114 (từ Cầu Thiều đi Thượng Ninh), đường tỉnh 512D (từ thị trấn Mường Lát đi xã Mường Lý) bị sạt ta luy ở nhiều điểm, khiến giao thông bị ách tắc.
Riêng ở Hà Tĩnh dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão nhưng vào rạng sáng 19/7 đã xảy ra lốc xoáy ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân làm 15 ngôi nhà bị tốc mái. Các địa phương khác xảy ra ngập lụt cục bộ ở các vùng trũng, khu ven sông huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ. Dù mực nước trên các sông trên địa bàn Hà Tĩnh đang xuống, song vẫn có gần 10.000ha lúa và hoa màu các loại bị ngập úng. Lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương đang tiếp tục bơm tiêu úng và cử người về giúp nhân dân sửa chữa nhà cửa, khắc phục hậu quả lũ lụt.
Theo Báo Giao Thông

Bình luận(0)