Chật kín đồ cầm
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các đường Láng, Bạch Mai, Cầu Giấy, Mỹ Đình, Bưởi (Hà Nội)..., các cửa hàng cầm đồ luôn tấp nập người ra vào. Trong đó, đoạn đường Láng dài gần 4 cây số có một đoạn đường san sát tiệm cầm đồ. Những ngày này, các cửa hàng tấp nập người vào, ra.
Nhiều quán để chật kín xe máy được cầm cố, choán hết vỉa hè. Thậm chí, nhiều cửa hàng phải thuê thêm kho hay gửi xe của khách hàng ngoài điểm trông giữ phương tiện.
|
Các cửa hàng cầm đồ trên đường Láng tấp nập trong mùa Euro
|
Chúng tôi ghé vào một cửa hàng cầm đồ trên đường Láng khi có 3 khách hàng đang chờ làm thủ tục. Người cầm cố điện thoại, người cầm xe máy, và người cầm cả ô tô. Chiếc ô tô màu trắng được cầm cố 100 triệu đồng là của một nam thanh niên.
Chủ cửa hàng đưa phiếu cầm đồ màu vàng, nam thanh niên cầm bút nhưng lưỡng lự, tay run run, thở một hơi dài mới quyết định ký. Qua trao đổi với chủ cửa hàng, được biết, nam thanh niên này thua cá độ bóng đá.
“Mùa Euro, khách vào cầm đồ nhiều hơn. Như thằng em vừa rồi cũng là khách chơi bóng. Những xe của khách cầm, tôi phải yêu cầu giấy tờ, thủ tục đầy đủ. Lượng xe nhiều, không còn chỗ để nên phần lớn đều gửi ngoài bãi”, chủ cửa hàng nói.
Theo một chủ cửa hàng khác trên đường Láng, từ đầu mùa Euro, lượng khách đến ký gửi tài sản đã tăng dần. Điện thoại, laptop, ô tô, xe máy, sổ đỏ… được khách hàng ký gửi. Theo dự báo của chủ quán này, trong và sau vòng chung kết Euro tới, lượng khách sẽ tăng đột biến.
“Nhiều vị khách, 2h sáng cũng gọi anh ơi cầm giúp em cái này, cái kia để em gỡ trận bóng với. Mùa này, cửa hàng tôi phải mở cửa sớm hơn thường lệ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, chủ cửa hàng cho biết.
Theo khảo sát, mỗi cửa hàng cầm đồ có lãi suất khác nhau và tuỳ theo giá trị, thời gian cầm đồ; thấp nhất là 1.500 đồng/triệu đồng/ngày, cao nhất là 3.000 đồng/triệu đồng/ngày. Các cửa hiệu cầm đồ thường tính lãi suất cao hơn khi số tiền cầm cố thấp, ngắn ngày.
Cầm cố quần áo, giày dép hàng hiệu
Không chỉ cầm cố những tài sản thông dụng như ô tô, xe máy, điện thoại, một số người còn cầm cố đồ hiệu đắt đỏ trong mùa Euro.
Họ thường là những khách “VIP”, có điều kiện kinh tế. Những món đồ hiệu họ cầm có giá trị đến vài chục triệu đồng như quần, áo, balo, túi xách, thắt lưng, ví da... hàng hiệu.
Chủ một cửa hàng chuyên thu mua, ký gửi, cầm đồ hiệu trên phố Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Những món đồ mang thương hiệu Gucci, Louis Vuitton, Chanel, Hermes… hay những đôi giày Nike, Adidas phiên bản giới hạn được nhiều khách hàng mang đến ký gửi hoặc bán thẳng”, chủ cửa hàng nói.
Theo những chủ cửa hàng chuyên mua bán, ký gửi đồ hiệu, thường ngày, khách chủ yếu đến để trao đổi, như bán một món đồ đã dùng để mua món đồ mới, mẫu mới ra. Tuy nhiên, từ đầu mùa Euro, lượng khách tới cầm đồ tăng mạnh.
“Khách đến thời gian gần đây thường chỉ cầm ngắn ngày. Có khách mới cầm ngày hôm trước, hôm sau đã đến lấy luôn. Nhưng cũng có những khách, phải bỏ lại những món đồ mà họ yêu thích khi không thể lấy lại được”, một chủ cửa hàng nói.