Chiều 17/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam khu vực phía Nam cùng một số cơ quan, đơn vị tại TPHCM, tổ chức buổi họp báo về việc tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì dịch COVID-19.
Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TPHCM, thông tin, buổi lễ nhằm thể hiện nỗi buồn sâu sắc, sự sẻ chia trước những mất mát, đau thương của hàng vạn gia đình đã mất người thân, đồng thời khích lệ tinh thần các lực lượng đã và đang tham gia cuộc chiến với đại dịch COVID-19.
Tại buổi họp báo, PV Dân trí đặt câu hỏi cho đơn vị tổ chức, thành phố đã thống kê được bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì COVID-19 trên địa bàn. Ngoài ra, thân nhân của người dân, cán bộ, chiến sĩ qua đời trong đại dịch sẽ dự buổi tưởng niệm bằng hình thức nào.
|
Buổi họp báo về lễ tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì COVID-19 (Ảnh: Quang Huy). |
Đề xuất truy tặng liệt sỹ cho 3 nhân viên y tế tử vong
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông tin, tính đến hết ngày 16/11, cả nước có 23.270 trường hợp tử vong vì COVID-19. Số bệnh nhân COVID-19 tại TPHCM là 17.263 trường hợp, chiếm 74% tổng số ca tử vong trên cả nước.
Phân tích rõ hơn số liệu ca mắc COVID-19 tử vong tại TPHCM, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, số trường hợp trên 50 tuổi chiếm đa số với 86,5%. Trong đó, hầu hết là người trên 65 tuổi.
|
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM (Ảnh: Quang Huy). |
"Trong số các trường hợp tử vong do COVID-19 tại TPHCM, có 38 trẻ em, 62 phụ nữ có thai. Đối với ngành y tế, có 3 trường hợp là nhân viên y tế mất vì dịch COVID-19, trong đó, một bác sĩ, một điều dưỡng lây nhiễm trong khi chăm sóc bệnh nhân, một trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng", ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho hay, những trường hợp trên đã được Nhà nước ghi nhận công lao, trao tặng Huân chương Lao động hạng 3.
Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TPHCM, chia sẻ thêm, ngoài điểm cầu chính tại Hội trường Thống Nhất, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng đồng loạt tổ chức lễ tưởng niệm trong tối 19/11. Các quận, huyện, thành phố Thủ Đức có trách nhiệm mời thân nhân đồng bào, cán bộ, chiến sĩ qua đời vì COVID-19 cùng tới dự.
Tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất, ban tổ chức đã mời 50 người đại diện thân nhân người mất vì dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch vừa qua.
Nhà thờ, đền, chùa đồng loạt rung chuông
Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành kế hoạch tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19. Kế hoạch được thực hiện theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Theo kế hoạch, chương trình tưởng niệm do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Thành ủy TPHCM, Thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam và tiếp sóng trên Đài Truyền hình TPHCM, các kênh, đài truyền hình khác của Trung ương và các địa phương.
|
Ông Nguyễn Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TPHCM (Ảnh: Quang Huy). |
Buổi lễ được tổ chức ở 2 đầu cầu TPHCM và Hà Nội. Chương trình được tổ chức lúc 20h ngày 19/11, thời lượng khoảng 30 - 45 phút.
Theo chương trình dự kiến, Hội trường Thống Nhất sẽ là điểm cầu chính tổ chức lễ tưởng niệm tại TPHCM. Ngoài ra, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức sẽ tổ chức các hoạt động, nghi thức thắp nến tưởng niệm.
Các quận 1, 3, 4, 5, 8. Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình sẽ tổ chức đèn hoa đăng tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hũ - Bến Nghé vào lúc 20h35 ngày 19/11. Các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ…) trên địa bàn TPHCM được vận động cùng đánh chuông tưởng niệm vào lúc 20h30 cùng ngày.
Bên cạnh đó, Sở GTVT TPHCM tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển trang, thiết bị phục vụ lễ tưởng niệm, thông tin đến các tàu, sà lan... đang lưu thông cùng kéo còi tưởng niệm vào thời điểm trên.
UBND TPHCM cũng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, người dân cùng tắt đèn, thắp nến tại khu vực công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, nhà ở để tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch.