Ngày 16.1.2018, TAND quận Bình Thạnh đã đưa vụ án ra xét xử lần hai nhưng hoãn xử vì luật sư (LS) bào chữa cho Ân bị tai nạn.
Trước đó, ngày 27.12.2016, sau khi VKSND quận Bình Thạnh có cáo trạng và chuyển hồ sơ cho tòa, TAND quận Bình Thạnh đã trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu giám định tâm thần đối với Ân.
|
Sau phiên xử, bà Thơm chạy đến ôm Ân. Ảnh: YC |
Ngày 12.7.2017, TAND quận Bình Thạnh đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần đầu và quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ: Thời điểm thực hiện hành vi gây thương tích, bị cáo bị hạn chế năng lực chịu TNHS, mất năng lực hay đủ năng lực chịu TNHS; bị cáo có sử dụng ma túy hay đang điều trị bằng các loại thuốc được chỉ định về điều trị tâm thần và cai nghiện ma túy; quá trình điều tra có thực hiện đúng quy định về tố tụng đối với người hạn chế năng lực hành vi hay không,…
Tuy nhiên, sau khi điều tra bổ sung, VKS vẫn giữ nguyên cáo trạng truy tố.
Theo cáo trạng, Ân được bà Nguyễn Thị Thơm nhận làm con nuôi từ năm 1996 và sống tại nhà bà Thơm ở phường 17, quận Bình Thạnh.
Khoảng 1 giờ ngày 17.2.2016, Ân đang ngủ trên gác thì bà Thơm thức dậy, mở đèn để đi vệ sinh. Ân bực tức, dậy đuổi theo… đánh bà Thơm. Bà Thơm chạy xuống đất mở được ổ khóa thì bị Ân đuổi kịp, lấy ổ khóa đánh liên tục vào đầu, mặt. Bà Thơm lấy hai tay đỡ cũng bị Ân đánh tiếp trúng hai tay. Khi thấy bà Thơm bị chảy máu thì Ân dừng đánh, đóng cửa lại rồi bỏ lên gác ngủ.
Nghe tiếng bà Thơm kêu cứu, người dân xung quanh đã báo công an phường, phá khóa cửa nhà, đưa bà Thơm đi bệnh viện cấp cứu và dẫn giải Ân về trụ sở công an phường.
Do Ân có biểu hiện giống người ngáo đá nên cơ quan chức năng đã tiến hành xét nghiệm ma túy, kết quả là Ân dương tính với morphin. Theo kết luận giám định pháp y, tỉ lệ thương tật của bà Thơm là 67%. Vì vậy, Ân bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích.
Tại phiên tòa hôm nay, Ân thừa nhận hành vi đánh mẹ nhưng cho rằng vào ngày gây án do sử dụng thuốc tâm thần quá liều nên bị ảo giác. Ân khai rằng cứ nghe có giọng nói bên tai, nhìn mẹ mình cứ tưởng người khác và thấy người đó tấn công mình nên mới đánh.
Tại tòa, HĐXX đã dành rất nhiều thời gian để tập trung làm rõ kết luận giám định về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của Ân để xác định Ân có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.
Giám định viên (GĐV) ông Nguyễn Ngọc Quang giải thích rằng trước và sau ngày 17.2 (ngày gây án) Ân bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, còn trong ngày 17.2, Ân bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Hiện tại, Ân bị hạn chế năng lực hành vi. GĐV Quang khẳng định Ân bị rối loạn tâm thần do dùng chất kích thích chứ không phải do bệnh lý, tuy nhiên không xác định được loại chất kích thích nào.
GĐV Quang cũng nói thêm việc xác định loại chất kích nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Quá trình sử dụng ma túy của Ân trong một thời gian dài, quá trình điều trị bệnh tâm thần, bệnh lao, quá trình Ân bị nhiễm HIV hiện nay đã chuyển sang giai đoạn AIDS,….
Tại tòa, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị xử phạt Ân dưới khung từ hai năm sáu tháng đến ba năm tù (trong khi khoản 3 Điều 104 BLHS 1999 (đã sửa đổi) có mức phạt từ năm năm đến 15 năm).
LS bào chữa cho bị cáo thì cho rằng Ân bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bị bệnh tâm thần chứ không phải do dùng chất kích thích mạnh (ma túy nhóm chất Opiat) nên đề nghị HĐXX tuyên bố Ân không phạm tội, đình chỉ giải quyết vụ án và trả tự do cho bị cáo tại tòa. Cạnh đó, LS còn cho rằng có những vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng: Biên bản xét nghiệm ma túy thực hiện không đúng, có việc giả mạo chữ ký bà Thơm,...
Tranh luận với LS, VKS cho rằng GĐV đã xác định rõ Ân phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do dùng chất kích thích chứ không phải bị bệnh tâm thần. Vì vậy, Ân vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nên việc VKS truy tố Ân là đúng.
HĐXX sau khi hội ý đã quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào sáng 20.4. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Bị hại liên tục biện hộ cho bị cáo
Khi HĐXX hỏi bà Thơm về việc có yêu cầu Ân bồi thường hay không. Bà Thơm nghẹn ngào “nó là con tôi sao phải bồi thường”.
Do sức khỏe đã yếu, bà Thơm được HĐXX cho ngồi để trả lời. Hai tay bà run rẩy vịn vào ghế, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đã đầy những nếp nhăn. Ấy vậy mà bà Thơm vẫn liên tục biện hộ cho Ân: “Trước giờ, tuy nghiện ngập nhưng nó chưa từng chửi hay đánh tôi, hôm đó nó đánh tôi là do nó bị bệnh, tâm thần không được ổn định, nó không biết đó là tôi. Hai mẹ con tôi nương tựa vào nhau để sống, bắt nó đi hơn 2 năm qua tôi khóc đến mù mắt rồi”.
Cứ thế, bà Thơm một mực biện hộ cho con. Bà xin HĐXX thương xót cho hoàn cảnh của hai mẹ con, cho Ân về sống với bà những tháng ngày còn lại.
Kết thúc phiên tòa, bà lao tới ôm lấy Ân, một mực không cho dẫn đi, miệng bà liên tục lẩm bẩm: “Sao các chú cứ bắt con tôi đi vậy, nó bị bệnh sắp chết rồi cho nó về sống với tôi đi”. Cả khán phòng như chững lại, nghẹn ngào.
LS và những người dự tòa phải tới khuyên nhủ, an ủi một hồi lâu, bà mới để các anh cảnh sát tư pháp dẫn Ân đi.