Sau 2 ngày ký ban hành công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu, ngày 26/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký văn bản thu hồi công văn trên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ quyết định thu hồi vì một số nội dung không phù hợp. Đồng thời, ông cho hay, về danh mục 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19, đây là danh sách do Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền đính kèm công văn.
|
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Bộ Y tế
|
Dư luận cho rằng, ngoài việc cần giải thích về 12 loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, Bộ Y tế nên làm rõ trách nhiệm ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng cục Quản lý Y Dược cổ truyền.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã có sơ suất trong quá trình soạn thảo, tham mưu trình lãnh đạo Bộ ban hành, dẫn đến một số nội dung chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và tâm lý người dân.
Đáng chú ý, theo danh mục 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 có cả sản phẩm thực phẩm thực chức năng, sản phẩm hỗ trợ điều trị không đúng tính năng và công dụng điều trị bệnh COVID-19.
Trách nhiệm Cục trưởng Y dược cổ truyền?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, đây là một thông tin xảy ra vào đúng lúc cả nước đang dồn sức cho chống dịch COVID-19. Dư luận khi tiếp nhận thông tin trên đều thấy rất lạ lùng.
“Vụ việc trên có mấy điều cần phải đặt ra. Một, cần làm rõ thực chất của 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 trên giải quyết vấn đề cấp bách của chống dịch hiện nay như thế nào và phài có một kết luận khoa học.
Thứ hai, nếu chưa có cơ sở về mặt khoa học trong bối cảnh chống dịch cấp bách hiện nay, việc đưa các loại thuốc này, cộng thêm một số loại mà gọi đúng là sản phẩm thực phẩm thực chức năng là không phù hợp trong bối cảnh này, nếu không muốn nói đây là một sự lợi dụng, lợi dụng trong bối cảnh này, lợi dụng lòng tin của người dân,
Thứ ba, tại sao người ta có thể nâng giá thuốc như thế, sao có thể ăn chặn ở trong thời điểm này. Thực phẩm chức năng cũng tốt thôi nhưng không đúng yêu cầu về phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19, đặc biệt trong bối cảnh chống dịch này là không đúng”, PGS.TS. Lâm Bá Nam nói.
PGS.TS. Lâm Bá Nam cho rằng, Bộ Y tế đã có công văn thu hồi công văn 5944 là rất cần thiết.
“Ở đây sai thì sửa, là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, việc ra văn bản đưa loại thuốc xuyên tâm liên cộng với các loại thuốc khác là một sự lừa dối người dân trong thời điểm này. Tệ hại nhất là làm khủng hoảng niềm tin của người dân. Tôi cho rằng, ở đây có lợi ích nhóm. Công cuộc chống dịch của cả nước còn kéo dài không chỉ 15 hay 20 ngày, do đó cần phải xem xét sự việc này một cách nghiêm túc”, ông Nam nói.
Chuyên gia của Liên hiệp Hội cho rằng, cần xem xét ở hai góc độ: quản lý nhà nước như thế nào và nếu lợi dụng để tăng giá, trục lợi, để giải quyết lợi ích nhóm thì cần phải xem xét nghiêm khắc, thậm chí xem xét xử lý trách nhiệm hình sự chứ không chỉ là xin lỗi rồi rút kinh nghiệm. Tất nhiên làm được điều đó, thì phải điều tra nghiêm túc.
“Đây là một vụ việc hi hữu và đáng tiếc xảy ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang dồn sức chống dịch và cần cảnh báo những kẽ hở để người ta lợi dụng đó để trục lợi trên công sức và đồng tiền của người dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước trong phòng chống dịch như hiện nay”, PGS.TS. Lâm Bá Nam nói.
|
Thuốc Đông y có tác dụng nâng cao sức đề kháng tăng giá lên 1 triệu đồng/hộp.
|
Cần xử lý nghiêm doanh nghiệp đầu cơ, tăng giá
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại nhiều địa phương, số ca nhiễm trên cả nước đã vượt con số 100.000 ca, việc đưa ra nhiều phác đồ điều trị để đối phó với virus SARS-CoV-2 là cấp bách, cần thiết.
Bộ Y tế hiện cũng đã áp dụng phác đồ mới trong điều trị COVID-19, trong đó sửa cách phân loại bệnh nhân và giảm thời gian điều trị, thay đổi điều kiện xuất viện. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đưa ra danh sách các loại thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu do bệnh viện bào chế và do các cá nhân, tổ chức ủng hộ được sử dụng điều trị cho người bệnh nhiễm Covid-19 ở mức độ nhẹ, không triệu chứng, cho các đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu và các đối tượng cách ly (F1) phù hợp với tình hình dịch bệnh tại đơn vị, địa phương.
Dưới góc độ pháp lý, theo Quyết định số 3416/QĐ-BYT ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng vi rút Corona mới (Sars-cov-2), hiện chưa có thuốc đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là tiêm phòng vắc xin, phát hiện sớm và cách ly ca bệnh.
Theo quyết định này, nguyên tắc điều trị chung là phân loại người bệnh và xác định nơi điều trị theo các mức độ nghiêm trọng của bệnh. Do chưa có thuốc đặc hiệu, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu; Cá thể hóa các biện pháp điều trị cho từng trường hợp, đặc biệt là các ca bệnh nặng, nguy kịch; Có thể áp dụng một số phác đồ điều trị nghiên cứu được Bộ Y tế cho phép; Theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.
Do đó, về việc đưa 26 sản phẩm, trong đó có 12 sản phẩm thuốc cổ truyền từ dược liệu trong danh mục hướng dẫn phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 theo Công văn 5944 do Bộ Y tế mới ban hành đây rõ ràng không phải là thuốc đặc trị COVID-19.
Việc Bộ Y tế ban hành Công văn đưa rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất 26 các sản phẩm này hoàn toàn có thể khiến cho người dùng nhầm lẫn rằng đây là thuốc đặc trị COVID và đổ xô đi mua khiến cho các loại sản phẩm này có thể bị đầu cơ, khan hiếm, gây hệ lụy xấu cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19.
Đồng thời, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh vi phạm về quy chế chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo không đúng nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, đầu cơ tăng giá dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và các sản phẩm sản xuất từ dược liệu.
Ngoài ra, việc ghi rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất cũng tạo ra yếu tố cạnh tranh không lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất.
Luật sư Cường cho rằng, việc Bộ Y tế thu hồi công văn trên là cần thiết. Bộ Y tế cần thận trọng trong việc đưa ra các sản phẩm phù hợp, có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đảm bảo nhằm hỗ trợ trong quá trình điều trị, tạo môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất.
Đối với những cá nhân, doanh nghiệp đầu cơ, tăng giá các sản phẩm, cần có các biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định pháp luật, để ngăn chặn tình trạng này.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thông điệp 5K phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới
Nguồn: Truyền hình TP Cần Thơ.