Vừa qua (31/8), chị T. (42 tuổi, trú trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị một đối tượng tự xưng là cán bộ điện lực nói căn cước công dân của chị T. có đứng tên một tài khoản ngân hàng liên quan đến một vụ buôn bán ma túy. Chị T. đã cung cấp mã OTP cho đối tượng thì phát hiện tài khoản bị rút mất 520 triệu đồng.
Đây là loại hình lừa đảo đã cũ, diễn ra nhiều năm nay nhưng nhiều người nhẹ dạ, cả tin vẫn bị biến thành nạn nhân. Để người dân phòng, tránh loại tội phạm lừa đảo qua điện thoại, qua internet đang bùng nổ thời gian qua, Bộ Công an có đưa ra khuyến cáo nhiều lần.
Theo các cơ quan chức năng, để tránh mắc phải những thủ đoạn lừa đảo này, quan trọng nhất là mỗi người dân tự nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng bị cho bản thân. Hiện nay, quá trình điều tra xử lý loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và xác định đối tượng phạm tội.
Loại tội phạm này ít khi được phát hiện bằng việc bắt quả tang mà chủ yếu là qua lời khai bị hại, sau đó cơ quan điều tra lập chuyên án, truy xét, căn cứ theo các dấu vết dữ liệu điện tử để truy nguyên ra nguồn gốc tội phạm.
Tuy nhiên, để tránh bị lộ, các đối tượng lừa đảo thường dùng Chứng minh nhân dân giả để lập tài khoản ngân hàng giả mạo, sim “rác,” tài khoản mạng xã hội giả...
Sau khi phạm tội, các đối tượng sẽ xóa các dấu vết điện tử nên dễ dàng che dấu hành vi phạm tội của mình, gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ.
Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, không trực tiếp tiếp xúc với người bị hại nên việc nhận diện đối tượng cũng rất khó khăn.
|
Ảnh minh họa. |
Công an Hà Nội cho biết,
thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm thường là: Sử dụng công nghệ cao, ẩn danh hoặc giả danh số điện thoại giống số điện thoại của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện thông báo cho nạn nhân đang bị kiện, nợ ngân hàng… Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân thực hiện các thao tác kê khai thông tin cá nhân, số tài khoản hòng chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Nhiều người dân nhẹ dạ, hiểu biết hạn chế nên đã bị lừa.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người dân nêu cao cảnh giác nên đã thoát bẫy lừa. Đơn cử như anh Lê Quang Việt, phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) cách đây ít ngày nhận được cuộc điện thoại báo anh bị “phạt nguội” do vi phạm giao thông. Khi anh Việt đề nghị cung cấp chứng cứ thì đầu dây bên kia tắt máy.
Đặc điểm dễ dàng nhận biết đối tượng lừa đảo qua điện thoại là: Các đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Ngân hàng, Bưu điện và yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện "đang bị điều tra" vừa trao đổi cho bất kỳ ai.
Ngoài ra, còn có một đặc điểm khác của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng mà người dân có thể dễ dàng nhận biết, đó là: Các đối tượng lừa đảo qua điện thoại yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, mục đích nhằm để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan Công an được biết.
Mặc dù nhiều bị hại không có khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc bị lừa đảo. Qua công tác nắm tình hình, số bị hại bị các đối tượng lừa đảo đa phần là phụ nữ và người già trên 60 tuổi, nhưng cá biệt có trường hợp các bị hại là cán bộ của các cơ quan Nhà nước...
Bộ Công an nêu rõ, Cơ quan Công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.
Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội. Không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội... Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục "Hướng dẫn tố giác tội phạm" của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
>>>> Xem thêm video: Cảnh báo lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại
Nguồn: Đài Truyền Hình Hà Nội.