Theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Đinh La Thăng có thái độ khai báo chưa thành khẩn, né tránh trách nhiệm, hợp thức hóa tài liệu không đúng bản chất sự việc.
Ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố về tội cố ý làm trái liên quan quá trình góp vốn của PVN vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương - OceanBank khiến PVN thiệt hại 800 tỷ đồng,
Lời khai lấp liếm sự thật của ông Đinh La Thăng
|
Ông Đinh La Thăng. |
Tại cơ quan điều tra, ông Đinh La Thăng khai, trước khi ký thỏa thuận 6934 với Hà VănThắm, ông đã nhiều lần trao đổi với các ông bà trong HĐQT việc PVN tham gia góp vốn vào Occeanbank được thể hiện trên giấy xác nhận ngày 28/3/2017 được ông Thăng cung cấp để giải trình với CQĐT.
Ngoài ra, ông Đinh La Thăng cũng khai việc ký nghị quyết trước khi có ý kiến củaThủ tướng Chính phủ là để thống nhất trong HĐQT để ban hành chủ trương; sau khi báo cáo thủ tướng và được đồng ý bằng văn bản thì mới chuyển tiền mua cổ phần. Đến thời điểm thực hiện chuyển tiền góp vốn ngày 25/10/2008 thì đã có ý kiến của Thủ tướng nên không vi phạm.
Về lần góp vốn thứ 3, bổ sung 100 tỷ đồng, nâng tổng số vốn góp của PVN lên 800 tỷ đồng, duy trì nắm giữ 20% vốn điều lệ tại Oceanbank ông Đinh La Thăng cho rằng, ông nhận thấy việc góp vốn này là trái quy định. Tuy nhiên, do bận đi tiếp xúc cử tri tại Thanh Hóa nên ông Thăng ủy quyền điều hành HĐTV từ ngày 16/5/2011 đến 18/5/2011 cho ông Nguyễn Xuân Thắng, thành viên HĐTV, do vậy ông Thăng cho rằng không liên quan đến việc ban hành nghị quyết về việc chấp thuận điều chỉnh vốn điều lệ của Oceanbank.
Đồng phạm lật giở sai phạm của ông Thăng
Theo lời khai của Hà Văn Thắm, trước khi ký thỏa thuận 6934, PVN chưa tiếp xúc với Oceanbank để tổ chức khảo sát, thẩm định tình hình hoạt động của Oceanbank.
Ông Nguyễn Ngọc Sự nguyên Phó TGĐ PVN khai rằng, ông đã ký văn bản số 140B ngày 18/9/2008 gửi HĐQT báo cáo kết quả đàm phán với Oceanbank và kèm theo báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của Oceanbank. Tuy nhiên, cùng ngày 18/9/2008, ông Đinh La Thăng không thông qua HĐQT nhưng ký thỏa thuận 6934 với Hà Văn Thắm về việc PVN góp vốn vào Oceanbank. Đến tận ngày 22/9/2008, ông Đinh La Thăng mới bút phê chỉ đạo xin ý kiến các thành viên HĐQT
Ông Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, Phan Thị Hòa – nguyên thành viên HĐQT PVN khai rằng, trước khi ông Đinh La Thăng ký hợp đồng thỏa thuận 6934 không họp HĐQT để bàn về chủ trương góp vốn vào Oceanbank.
Tháng 3/2017, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang làm việc với PVN, ông Đinh La Thăng (khi đó là Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh) đã điện thoại nhờ các ông bà này xác nhận việc HĐQT PVN đã bàn bạc thống nhất về chủ trương PVN góp vốn vào Oceanbank và giao cho ông Thăng ký thỏa thuận 6934. Do cả nể nên các ông bà này đã ký xác nhận nhưng trên thực tế, thời điểm ông Thăng ký thỏa thuận góp vốn với Oceanbank, ông Hùng, ông Cảnh và bà Hòa không được ông Thăng bàn bạc trao đổi gì cả.
Trong lần PVN góp vốn lần thứ nhất 400 tỷ vào Oceanbank, ông Nguyễn Ngọc Sự khai rằng, khi chưa có ý kiến đồng ý về chủ trương góp vốn vào Oceanbank của Thủ tướng Chính phủ thì ông Đinh La Thăng đã ký nghị quyết để PVN thực hiện.
Kết luận điều tra cho biết, quá trình xác minh tại PVN và Văn phòng Chính phủ, tại phương án tăng vốn lần 2 khi chưa được Thủ tướng phê duyệt, ông Đinh La Thăng đã đồng ý để PVN ra nghị quyết chấp thuận bổ sung tăng vốn 300 tỷ đồng.
Trước khi ra nghị quyết không có bất cứ tài liệu nào thể hiện việc ông Đinh La Thăng chỉ đạo khảo sát, đánh giá lại tình trạng hoạt động của Oceanbank, mục đích tăng vốn điều lệ, hiệu quả đầu tư góp vốn lần đầu…
Tính đến nay, ông Đinh La Thăng đã có 3 luật sư tham gia bào chữa gồm luật sư Nguyễn Huy Thiệp, luật sư Đào Hữu Đăng và luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP HCM).