Các nội dung bà Sa khai lý lịch có trong hồ sơ, với thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cung cấp cho các báo đài từ trưa ngày 4/10 không trùng khớp, khiến quá trình điều tra về nguồn gốc nhân thân bà Trưởng phòng mạo danh Ái Sa của phóng viên Tiền Phong như lạc vào “ma trận”.
Chị không biết em “mượn” bằng
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Tiến - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng xác nhận, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973, hiện là nữ hộ sinh nhân viên khoa Sản) vừa có bản tường trình liên quan thông tin: để em gái mình mượn bằng THPT, hiện đang công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Theo nội dung bản tường trình này, tên thật của người em “mượn” bằng của bà Sa là Trần Thị Ngọc Thêm. “Theo yêu cầu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, tôi xin tường trình về việc em tôi dùng bằng cấp III của tôi để xin làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, như sau: Tên thật của em tôi là Trần Thị Ngọc Thêm (SN 1975). Tôi không cho em tôi mượn bằng tốt nghiệp. Hiện tại và trước đây, toàn bộ giấy tờ quan trọng của bản thân tôi đều để ở nhà mẹ đẻ. Nên việc em tôi dùng bằng của mình để xin việc tại Đắk Lắk tôi không biết.
|
Nơi công tác của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (thật) và bằng THPT |
Về phần xác minh lý lịch Đảng của em tôi, bản thân tôi hoàn toàn không hay biết. Sau sự việc xảy ra, tôi đã tức tốc qua nhà mẹ đẻ lấy hết giấy tờ bằng cấp của tôi đem về nhà tôi” - lược trích bản tường trình của nữ hộ sinh Trần Thị Ngọc Ái Sa.
Ông Lê Văn Tiến cho biết thêm, hiện bà Sa đang xin nghỉ phép vì bệnh tật hiểm nghèo. “Cô ấy đã nghỉ phép được 2 tuần và đã hết hạn phép. Mới đây cô ấy có xin nghỉ tiếp, nhưng phía bệnh viện chưa đồng ý. Quan điểm của bệnh viện nếu có liên đới với em gái của mình ở Đắk Lắk, nghĩa là chủ động cung cấp bằng cho em gái lúc đó mới họp đưa ra hội đồng họp để kỷ luật cô này được. Trường hợp cô này không vi phạm, thì bệnh viện vẫn tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong công việc” - ông Tiến thông tin.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cho biết bà Sa đã công tác tại bệnh viện này từ năm 2007 tới nay. Trích lục hồ sơ thể hiện, gia đình bà Sa có 14 thành viên, gồm bố mẹ và 12 người con, quê quán tại Lâm Đồng.
Cuộc tìm kiếm thân nhân bà Sa (giả)
Theo đơn tố cáo, thì bên ngoài hồ sơ của vị nữ Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk ghi là Trần Ngọc Ái Sa, nhưng chữ ký xác minh ở dưới cùng lại ghi Trần Thị Ngọc Ái Sa. Trong đơn xin việc đầu tiên bà Sa giả khai gia đình chỉ có 6 thành viên, gồm bố mẹ, 3 anh chị em với bà Sa. Còn trong hồ sơ kết nạp Đảng, thì bà Sa giả khai bố mẹ bà có 11 người con. Kết quả xác minh thực tế cho thấy gia đình bà có 14 thành viên, không có ai tên là Trần Thị Ngọc Thảo, đúng như bà Sa thật đã khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng.
Trên địa chỉ cụ thể mà đơn tố cáo đã gửi đến báo Tiền Phong, thì bà Sa (thật) đang sinh sống tại đường Mai Hắc Đế, phường 6 TP Đà Lạt, còn bố mẹ bà Sa hiện sinh sống tại tổ dân phố số 9, phường 2, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Phóng viên đến tận nơi tìm hiểu, được bà Nguyễn Thị Minh Hiếu - Bí thư Đảng ủy phường 6, TP Đà Lạt, cùng đại diện chính quyền địa phương xác nhận, ở tổ 17 có một phụ nữ họ tên là Trần Thị Ngọc Ái Sa (thật) đang cư trú tại đây, bà Sa chưa phải là đảng viên.
Trong khi đó, ông Trần Lê Hương Bình - Tổ trưởng tổ dân phố 9 cho biết, gia đình ông Trần Phi Hảo (bố) và bà Trần Thị Ngọc Yến (mẹ bà Sa) hiện đang sinh sống ở đây, cũng không có ai là Trần Thị Ngọc Ái Sa đăng ký trong hộ khẩu thường trú của gia đình này. Nói về quá trình giúp Tỉnh ủy Đắk Lắk ký xác minh lý lịch đảng viên của Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) từ khoảng năm 2012-2013, ông Nguyễn Cảnh Phượng - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 9 cho biết lâu quá rồi nên ông không nhớ rõ. Nhưng thường thì xác minh giúp, chi bộ chỉ quan tâm tới việc gia đình nhà đó có ở trong địa bàn này không? Có chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước hay không, chứ không thể nắm rõ hết các vấn đề khác được.
Phóng viên đã đến gia đình bố mẹ bà Sa, trong nhà có người nhưng không ai ra mở cửa.